Kỳ vọng giáo dục năm 2023: Phát triển đột phá về chất lượng

- Chủ Nhật, 01/01/2023, 07:03 - Chia sẻ

Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 5 năm 2020-2025. Kỳ vọng giáo dục Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển đột phá và ngoạn mục về chất lượng, đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Tự chủ đại học sẽ ngày càng mạnh mẽ và mang lại những luồng gió mới”

Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng - là năm bản lề  trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 5 năm 2020-2025. Việt Nam đang chuyển mình và đổi mới mạnh mẽ với thế và lực ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế.

Kỳ vọng giáo dục năm 2023: Phát triển đột phá mạnh mẽ về chất lượng -1
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội

Giáo dục đại học có vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho đất nước. Song hành với hoạt động đào tạo, mô hình và xu thế phát triển của một trường đại học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là 3 trụ cột chính: Nghiên cứu để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và tri thức - Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số. Thế giới đã bắt đầu xây dựng Xã hội 5.0.

Trong bối cảnh như vậy, tôi tin tưởng những năm tới, Tự chủ đại học sẽ ngày càng mạnh mẽ và mang lại những luồng gió mới, nguồn lực mới cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Các trường đại học sẽ là điểm đến cho những nhà khoa học nhiều hoài bão và tài năng.

Năm 2023, tôi kỳ vọng giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá và ngoạn mục về chất lượng, đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời hội nhập ngày càng nhanh và mạnh mẽ với các chuẩn mực và trình độ quốc tế. 

Năm mới, sẽ càng có thêm nhiều trường đại học Việt Nam và thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng và ghi danh trong các bảng xếp hạng có uy tín của thế giới.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Mong muốn sự bình tâm của thầy cô giáo”

Năm 2022, là năm tiếp tục chứng kiến sự kiên cường của ngành giáo dục và đào tạo khi đã hoàn thành các mục tiêu của năm học. Ngành đã vượt qua rất nhiều khó khăn, từ sự tổn thương do đại dịch Covid-19, tới những bất ổn tới từ hậu quả của suy giảm kinh tế.

Kỳ vọng giáo dục năm 2023: Phát triển đột phá mạnh mẽ về chất lượng -0
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Nói về năm 2022, đầu tiên lấy lại niềm tin và động lực để làm việc của đội ngũ nhà giáo. Đánh dấu nỗ lực của ngành để duy trì trách nhiệm và chất lượng của những người làm giáo dục.

Thứ hai, chúng ta có thể thấy khoảng cách giữa hạ tầng giáo dục, đầu tư giáo dục và sự duy trì chất lượng ở mỗi địa phương là không đồng đều.

Thứ ba, tác động của suy giảm kinh tế dẫn tới trẻ em và lực lượng tham gia giáo dục đều bị tổn thương, những tổn thương này không dễ để chữa lành, từ đó gây ra khó khăn cho những năm tiếp theo. Đặc biệt là trong năm 2023.

Năm 2023, có rất nhiều thứ mà chúng ta có thể kỳ vọng. Như những điều thường nhật mà người ta mong muốn khi nói đến ngành giáo dục là sự bình tâm của thầy cô giáo, sự kiên trì của xã hội và niềm hạnh phúc của mọi người khi đến với trường học.

Năm 2023, năm thứ tư thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, là năm sẽ chứng kiến sự đột phá trong tự chủ đại học và kỳ vọng ngành giáo dục sẽ có giải pháp cụ thể. Đây như luồng sinh khí để giải toả bớt áp lực đang đặt lên ngành giáo dục, giúp lấy lại niềm tin của xã hội. Từ đó có thể huy động sự vào cuộc của các lực lượng xã hội tham gia vào giáo dục. 

Theo tôi, giải pháp để giảm những “tổn thương” trong giáo dục là tiếp tục xây dựng “Trường học hạnh phúc” với các tiêu chí An toàn - Tôn trọng - Yêu thương. Đây là ba tiêu chí được Bộ GD-ĐT xác định là trọng tâm xây dựng trường học hạnh phúc. Trong đó, nhấn mạnh những người đứng đầu các trường học, hiệu trưởng nhà trường, những lãnh đạo địa phương, các phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT cần coi trường học hạnh phúc là giải pháp mềm để có thể gây dựng lại niềm tin, động lực lao động cho đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó, giải pháp hiệu quả cho những đổi mới đó là các công cụ hướng dẫn về đánh giá học sinh trong quá trình học tập ở tiểu học, ở trung học, là Thông tư 22 và Thông tư 27; sử dụng công cụ để hướng dẫn về kiểm định chất lượng giáo dục.  Chúng ta dùng những công cụ này để soi sáng và chỉ ra cách đổi mới việc dạy và học. Đây cũng là giải pháp và kỳ vọng vào năm 2023 của ngành giáo dục.

Bản chất của hai điều này chính là sự tự đổi mới và tự chủ của mỗi một người tham gia vào giáo dục. Từ sự tự chủ của thầy cô giáo, gia đình và nhà trường mới là điều kiện để thích nghi cho tất cả những luật mới. Điều đó dẫn đến những học sinh, sinh viên sẽ được tạo ra một môi trường để họ nhìn thấy thầy cô của mình, cha mẹ của mình và mọi người trong xã hội đang cùng nhau tập trung để khắc phục những khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Huyền My - Trường THCS Láng Hạ: “Nhà nước sẽ có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đến đời sống của các thầy cô giáo”

Giáo dục Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay đổi, đạt được những thành tựu lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên, thể hiện qua số lượng học sinh đạt giải tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Cơ sở hạ tầng cho giáo dục cũng được quan tâm, đầu tư. Nhiều trường học được xây mới hoặc mở rộng, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu của người học. Chương trình học được thay đổi, cập nhật cho phù hợp hơn với yêu cầu của xã hội và giúp phát triển năng lực cá nhân của mỗi học sinh.

Kỳ vọng giáo dục năm 2023: Phát triển đột phá mạnh mẽ về chất lượng -1
Cô giáo Nguyễn Huyền My - Trường THCS Láng Hạ

Năm 2023, nền giáo dục hiện nay tiếp tục bước vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó có việc chuyển mạnh từ mục tiêu giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực.

Tôi kỳ vọng năm 2023, với cách tiếp cận giảng dạy đổi mới hiện nay không đi theo truyền thụ kiến thức mà chuyển sang hình thành phẩm chất, năng lực sẽ rất thuận lợi cho việc giảng dạy môn ngoại ngữ. Dù vẫn còn những khó khăn như học sinh cần môi trường tiếp xúc để có thể hình thành phản xạ và tư duy ngoại ngữ, nhưng các cấp lãnh đạo đã có những biện pháp từng bước nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Từ việc yêu cầu giáo viên tham gia đánh giá trình độ theo các chứng chỉ được quốc tế công nhận, đến việc xây dựng, liên kết với các tổ chức quốc tế tạo sân chơi là các cuộc thi ngoại ngữ cho học sinh các cấp.

Nền giáo dục hiện nay đã bước vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó có việc chuyển mạnh từ mục tiêu giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực. Hi vọng rằng đây sẽ là điểm thuận lợi để chúng ta thay đổi phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của thời đại kinh tế tri thức và cuộc cách mạng 4.0, cần sự phối hợp, chung tay của nhà trường, gia đình, xã hội và đóng vai trò chính phải là học sinh.

Nhà trường và thầy cô là nơi dạy cách học, phương pháp học, tạo môi trường để dạy học và truyền cảm hứng cho học sinh. Học sinh là trung tâm của quá trình giáo dục. Các em phải chủ động sáng tạo, tìm tòi, cập nhật, phản biện, tranh luận, và xây dựng nếp tự học. Gia đình, xã hội phải tham gia vào việc tạo dựng một xã hội học tập, khuyến khích và tạo điều kiện để các em tự học tại nhà.

Hiện nay cơ sở vật chất của nhiều trường học dù nhận được sự quan tâm của phụ huynh và các cấp lãnh đạo nhưng vẫn chưa có đủ các trang thiết bị chất lượng để công tác dạy học của thầy cô giáo và học sinh được thuận lợi. Nhiều giáo viên vẫn còn nỗi lo về đời sống.

Mong rằng trong năm 2023, học sinh sẽ được học trong môi trường cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của các em. Nhà nước sẽ có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đến đời sống của các thầy cô giáo để thầy cô tiếp tục giữ lửa đam mê, truyền lửa nhiệt huyết tới các em học sinh.

Nhật Hồng - Quốc Việt
#