Giảm thời gian thi từ 270 phút xuống còn 150 phút
Tại hội thảo, PGS. Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước, kỳ thi 2023 có nhiều điểm sáng, thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh.
Bài thi có nội dung được điều chỉnh gọn nhẹ hơn (từ 270 phút xuống còn 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả Đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức thi nhiều đợt, ở nhiều địa điểm, và không giới hạn đối tượng hay số lần dự thi. Thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường Đại học chấp nhận kết quả này.
Đánh giá tư duy năm nay cũng xóa bỏ tổ hợp môn học để phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới áp dụng.
Phần thi Toán học cũng được chuyển sang hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.
Tổ chức nhiều đợt thi
PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, cấu trúc đề thi ở phần thi Tư duy Toán học phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo tính khách quan trong chấm điểm, vừa yêu cầu năng lực tự luận, trình bày của thí sinh dự thi.
Theo kế hoạch, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn các tài liệu, nội dung về ví dụ minh họa câu hỏi thi vào cuối tháng 1.2023. Nhà trường cũng hỗ trợ thí sinh củng cố kiến thức, ôn thi và thi thử trên các nền tảng số, thông qua bộ câu hỏi thi thử nghiệm vào tháng 2.2023, đề thi mẫu vào tháng 3.2023 và kỳ thi thử được tổ chức vào tháng 4.2023.
Với sự phát triển của ứng dụng nền tảng số, các thí sinh có thể dễ dàng tham gia thi thử ở nhà chỉ với một chiếc máy tính và đường dây mạng kết nối ổn định.
Kỳ thi đánh giá tư duy từ năm 2023 dự kiến sẽ tổ chức 3 đợt: Đợt 1 tổ chức vào tháng 5.2023 tại Hà Nội, đợt 2 vào tháng 6.2023 tại Hà Nội và đợt 3 tổ chức vào tháng 7.2023 tại một số địa điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, …
Không cần phải ôn luyện nhiều
Đại diện từ Bách khoa Hà Nội cũng thể hiện quan điểm nhất quán với chủ trương của Bộ về việc các đơn vị tổ chức kỳ thi riêng không tổ chức ôn luyện, dạy thêm.
PGS. Nguyễn Phong Điền khẳng định một lần nữa, kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, vốn được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập. Phó Hiệu trưởng không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch, và ôn luyện thông qua các lò luyện thi truyền thống.
PGS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Kỳ thi đánh giá tư duy mang tính đột phá, không tập trung vào việc kiểm tra kiến thức. Nguyên tắc là, không cần mất thời gian ôn luyện nhiều, chỉ cần một tâm thế tốt để đi thi, bởi việc rèn luyện tư duy là một quá trình dài đã được hình thành trong suốt quá trình học".
Theo bà Thơ, quá trình dạy và học phổ thông nếu không hướng tới phát triển tư duy cho người học cũng không thể giúp học sinh thành công trong quá trình học tập cao hơn và xử lý công việc trong tương lai. Nếu các bài thi tập trung đánh giá kiến thức sẽ bỏ sót cơ hội cho học sinh có năng lực tư duy. Đánh giá tư duy phù hợp với xu hướng quốc tế, đặc biệt khi nhiều công ty trên thế giới hiện nay đã bắt đầu thay đổi trong chiến lược tuyển dụng.
Tư duy là một quá trình, với 3 mức độ đánh giá: tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao, do vậy quá trình này hoàn toàn có khả năng phân loại thí sinh.
Muốn tư duy nảy sinh cần đặt người học vào vấn đề. Bài Đánh giá tư duy sẽ bao gồm những câu hỏi, tình huống để đo lường và đánh giá khả năng suy đoán, lập luận, xử lý và tích hợp thông tin, giải quyết vấn đề của thí sinh.
Phần thi Tư duy Toán học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 60 phút, đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy toán của học sinh thông qua chương trình Toán học lớp 11, 12 tại Trường THPT và một phạm vi nhỏ kiến thức số học. Nội dung phần thi gồm kiến thức về: Số học, Đại số, Hàm số, Hình học, Thống kê và xác suất.
Cấu trúc câu hỏi đòi hỏi phải có ý nghĩa cả về vấn đề và ngữ cảnh, đại diện cho các mối quan hệ Toán học; truy cập các kiến thức Toán học bằng trí nhớ; kết hợp với thông tin đã cho; mô hình hóa, tính toán và thao tác toán học; diễn giải; áp dụng các kỹ năng lập luận, đưa ra quyết định dựa trên toán học và thuật toán/tựa thuật toán phù hợp.Phần thi tư duy Toán học nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức. Thí sinh được sử dụng máy tính cầm tay theo quy định. Các câu hỏi hàm chứa các vấn đề từ dễ đến khó với độ tin cậy để đảm bảo phân hóa được mức độ sẵn sàng vào đại học của thí sinh.
Phần thi Tư duy Đọc hiểu diễn ra theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 30 phút, nhằm đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh chuyển hóa ý nghĩa từ một số văn bản thuộc các thể loại: Văn bản Khoa học, Văn bản Văn học, Văn bản Báo chí… nhằm đo lường khả năng thu thập được thông tin với những gì được tuyên bố rõ ràng và lập luận để xác định ý nghĩa tiềm ẩn.
Cụ thể là, các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện; so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả; xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh, khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả; phân tích các đòi hỏi và bằng chứng trong các cuộc tranh luận và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan…Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, liên quan tới những chủ đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Phần thi Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề gồm các câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian 60 phút, nhằm đo lường cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết trong lĩnh vực khoa học.
Phần thi Tư duy Khoa học là một tập hợp các thông tin khoa học, theo sau đó là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm.Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong ba định dạng khác nhau: biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (hai hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).