Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp tại Hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo" tổ chức ngày 14.5.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình nhìn nhận, tình hình kinh tế thế giới đang trong quá trình biến đổi, chuyển đổi rất nhanh. Tất cả các nền kinh tế, từ quốc gia phát triển tới các nước đang phát triển đều phải đối mặt với những bài toán chung,
Trước hết là biến đổi “quá nhanh” của công nghệ, kèm theo những yêu cầu, thách thức phi truyền thống.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, hiện nay, nói đến việc bảo vệ môi trường, chúng ta phải nói đến vấn đề xanh hóa, giảm phát thải carbon. Nói tới tình hình dân số, chúng ta phải đề cập đến vấn đề già hóa dân số. Đặc biệt, Việt Nam đang nằm trong giai đoạn dân số già, tình hình già hóa dân số diễn ra ở Việt Nam thuộc top gần như nhanh nhất thế giới. Nói đến vấn đề về công nghệ, chúng ta phải nói đến chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dữ liệu.
“Tất cả những vấn đề này đặt ra thách thức đối với nền kinh tế, mà để phát triển kinh tế một trong những trụ cột lớn là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực vừa là động lực, vừa là định hướng, vừa là nền tảng để phát triển nền kinh tế”, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho hay.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có những câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu ngành nghề sẽ ngay đổi như thế nào? Liệu yêu cầu về trình độ kỹ năng của người lao động sẽ thay đổi như thế nào? Những câu hỏi này luôn được các nhà nghiên cứu về việc làm, giáo dục đặt ra. Bên cạnh đó, luôn có sự nghi ngờ rằng: Liệu có phải con người đang bị mất việc làm hay không?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình nhìn nhận, trên thực tế, một số cuộc cách mạng công nghiệp ở nước ta đều chứng minh được rằng khi bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp mới thì nhiều việc làm, nhiều kỹ năng sẽ mất đi, kèm theo đó là rất nhiều việc làm, kỹ năng mới xuất hiện với một giá trị gia tăng cao hơn, cơ hội việc làm lớn hơn.
Ông nhấn mạnh, chúng ta cần phải tiếp tục xác định được nhu cầu, kỹ năng trong tương lai. “Những yêu cầu này thay đổi rất nhanh chóng. Có thể ngày xưa 1-3 năm mới cần thay đổi lại công nghệ, nhưng hiện diễn ra với tốc độ có khi chỉ tính bằng hàng tuần, hàng tháng”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng chúng ta phải tận dụng được lực lượng lao động hiện có, biến lực lượng này trở thành nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu mới.
“Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện đào tạo khoảng 800 ngành nghề, từ ngành nghề cơ bản đến ngành nghề mới. Chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề cho những ngành nghề có những kỹ năng gần. Ví dụ với ngành bán dẫn, chúng ta có thể đào tạo bổ sung cho những ngành liên quan như điện tử, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa”, ông nói. Đồng thời nhấn mạnh chúng ta phải nhanh chóng trong việc bổ sung kiến thức, kỹ năng và trong việc nâng cao chất lượng về sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.
Nói về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, ông Dan Lejerskar, Chủ tịch Tập đoàn EON Reality toàn cầu cho rằng, những sự thay đổi này “diễn ra quá nhanh”.
“Chúng ta còn thậm chí còn không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Chúng ta có thể dự đoán, có thể suy luận nhưng thực tế diễn ra như thế nào lại nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta”, ông khẳng định.
Theo ông Dan Lejerskar, trong bối cảnh này, để chuẩn bị được cho sự thay đổi, các Chính phủ, các doanh nghiệp cần phải đưa ra lựa chọn.
“Chúng ta phải tìm ra được một cách thức linh hoạt để đào tạo lại lực lượng lao động của mình. Chúng ta phải đào tạo được một lực lượng lao động có chất lượng cao, phải linh hoạt về mặt thời gian và phải có chi phí thấp. Trong bối cảnh đó, cần kết hợp công nghệ giữa AI và các yếu tố đa chiều. Chúng ta phải làm thật nhanh, cùng với yếu tố cuối cùng là yếu tố chi phí”, ông Dan Lejerskar nói.
Hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo" do Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia hàng đầu trong ngành cùng đại diện một số trường đại học, cao đẳng và khối dạy nghề trên toàn quốc.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Giới thiệu những công nghệ mới nhất về VR, AR và AI trong giáo dục & đào tạo; Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng VR, AR và AI thành công tại các trường đại học, quốc gia hàng đầu thế giới; Thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc áp dụng VR, AR và AI vào giáo dục & đào tạo tại Việt Nam; Triển lãm các giải pháp VR, AR và AI.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là ở lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
PGS.TS Trần Quang Anh cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là một lựa chọn mà là sự cần thiết. Chúng ta cần áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật số vào quy trình giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng, phù hợp với thời đại.
Theo PGS.TS Trần Quang Anh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT, là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, được giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng trong việc giảng dạy, theo dòng chảy và xu thế của chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục.
“Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay, lựa chọn được đối tác tiềm năng, tin cậy để đồng hành, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đồng hành với EON Reality Việt Nam để đưa Học viện trở thành một trong các đơn vị đào tạo ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy và học tập”, PGS.TS Trần Quang Anh cho hay.