Tại cuộc gặp gỡ Bộ trưởng với các giảng viên đại học trên cả nước ngày 15.8, PGS.TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường đang thực hiện tự chủ ở mức 2, đến nay tương đối ổn định. Trường Đại học Y Hà Nội tập trung đổi mới đào tạo, đổi mới chương trình.
Đề cập đến chế độ chính sách, PGS.TS Phạm Ngọc Minh chia sẻ, đào tạo ở trường y tương đối dài, chẳng hạn bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm. Muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú.
“Chúng tôi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân. Giảng viên trường y vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo nên trách nhiệm càng nặng nề hơn” - PGS.TS Phạm Ngọc Minh bày tỏ.
Ngoài ra, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, giảng viên chỉ được hưởng 1 loại lương, phụ cấp.
PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. Chúng ta giữ chân người giỏi bằng tâm huyết của họ, chứ không phải bằng mệnh lệnh, hành chính.
PGS.TS Phạm Ngọc Minh cũng kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường Y. Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường đại học Y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn.
Trả lời ý kiến của đại diện Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, lực lượng của ngành Y có những đặc thù như bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Bên cạnh đó ngoài công tác giảng dạy, các giảng viên còn là bác sĩ công tác tại các bệnh viện.
Những đặc thù này hiện đang chưa có tương thích trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù thực tế những bác sĩ nội trú là những người rất giỏi, nhưng đã tương đương với trình độ thạc sĩ chưa, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần làm việc với nhau, làm sao để những người giỏi, người tài không bị phiền lụy về vấn đề hành chính. Bộ trưởng mong Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục đóng góp, kiến nghị trong cuộc làm việc giữa 2 bộ.
Cần chính sách nâng cao đời sống của nhà giáo
TS. Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu ý kiến về thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo TS. Trần Trọng Đạo, hiện nay, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn.
Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính, như: bán hàng online, buôn bất động sản…
Kết quả là, công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo.
Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu 2 đề xuất:
Thứ nhất, nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác.
Thứ hai, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay.
Lắng nghe đề xuất của đại diện Trường Đại học Nha Trang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ cũng mong muốn các giảng viên có mức thu nhập sống một cách đàng hoàng. Bởi tầng lớp trí thức, là tầng lớp ưu tú, có trí tuệ, trình độ, bỏ thời gian ra học tập phải, có thu nhập xứng đáng. Tuy nhiên thực tế, thu nhập hiện đang khó và cần rất nhiều giải pháp để thực tiễn hoá.
Đối với một số trường đại học tự chủ, nếu nguồn lực khá, đa dạng nguồn thu có thể tạo thu nhập tăng thêm cho giảng viên sẽ đỡ phần khó khăn, nhưng không phải trường nào cũng làm được điều này.
"Với vấn đề cho vay tín dụng ưu đãi dành, phải làm việc với ngân hàng, xem ra vẫn phiền phức", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hồi đáp.