Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Những năm gần đây, các trường đại học đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ. Tới năm học 2023-2024, ngay từ đầu năm, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó cho biết, từ năm học này sẽ áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên, quy định mới sẽ khiến các trường phải hoãn lại dự định này.
“Khó khăn rất nhiều” vì 5-6 năm nay chưa thể điều chỉnh mức học phí
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, lãnh đạo một trường đại học khối ngành Ngoại ngữ tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết, các trường đại học đều đã xây dựng đề án tuyển sinh và công khai mức học phí từ đầu năm. Mức học phí này cũng được thông báo trong các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Dựa trên cơ sở tổng mức học phí dự kiến đó, các cơ sở đào tạo đã xây dựng dự toán chi phí cho năm học tới, bao gồm chi phí tăng lương cơ bản theo quyết định của Chính phủ, chi phí hỗ trợ giảng dạy cho giảng viên, chi phí về học bổng hay hỗ trợ cho sinh viên, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí cho công tác nghiên cứu khoa học,…
Do đó, khi Chính phủ dự kiến yêu cầu các trường không tăng học phí, rõ ràng tất cả bài toán tài chính này sẽ gặp khó khăn, đặc biệt nếu như trong đó có những nội dung đã được triển khai thực hiện từ đầu năm nay.
Bên cạnh đó, theo vị lãnh đạo này, thực tế có rất nhiều trường suốt 3 năm kể từ dịch bệnh Covid-19 “cứ dự kiến tăng học phí rồi lại không tăng”, giữ ở mức cũ. Như vậy, đến thời điểm này, nếu mức học phí dự kiến tăng của năm nay cũng không được tăng thì có nghĩa các trường đều quay lại mức học phí của giai đoạn trước dịch (trước năm 2020).
“Cá biệt như trường tôi còn quay lại mức học phí của năm 2017, vì từ năm 2017-2020 chúng tôi không điều chỉnh. Rồi từ năm 2020-2022 cứ định điều chỉnh lại quay lại mức cũ. Như vậy 5-6 năm nay chúng tôi chưa điều chỉnh mức học phí, trong khi đó các chi phí khác đều tăng như lương cơ bản, tiền chi cho giảng viên tăng do các quy chế chi tiêu mới, rồi các chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị,… Đã đầu tư rồi mà học phí lại không được tăng dẫn đến rất nhiều khó khăn”, ông nói.
Theo ông, có những trường đã phải tính đến chuyện cắt giảm các khoản thưởng hay xem xét lại chế độ phúc lợi, phụ cấp cho người lao động, xem những gì có thể cắt giảm được để đảm bảo bài toán “thu đủ chi”, thay vì chi theo dự kiến ban đầu.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ giảng viên, người lao động trong trường, ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ học tập. Vấn đề học bổng của sinh viên cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi học bổng dựa trên cơ sở học phí.
“Trường tôi có 3 mức học bổng cho sinh viên: mức xuất sắc bằng 120% học phí, mức giỏi bằng 110% học phí và mức khá là bằng 100% mức học phí. Như vậy khi học phí không tăng đồng nghĩa học bổng hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ chỉ được tính ở mức thấp, trong khi vật giá leo thang. 5-6 năm nay mức học bổng này vẫn không thay đổi, chắc chắn rằng sinh viên sẽ thấy mức hỗ trợ của nhà trường với mình cũng bị hạn chế và gây ra khó khăn nhất định trong cuộc sống của các em”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Lãnh đạo trường đại học này cũng nhấn mạnh tới yếu tố khó khăn trong giữ chân giảng viên giỏi, khi học phí không thể tăng. Ông cho biết, vì là trường công lập tự chủ hoàn toàn, nếu không thể tăng thu nhập cho giảng viên một cách như kỳ vọng, không thể đáp ứng được mong muốn của giảng viên sẽ khiến tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra nhiều hơn.
“Bản thân các trường trong khối tư thục, có doanh nghiệp hỗ trợ tài chính đã và đang hút rất nhiều nhân tài ở các trường công lập rồi. Các trường công lập tự chủ phải tự xoay sở từ nguồn học phí để chi trả lương cho cán bộ giảng viên cùng các phúc lợi khác, mà bây giờ lại không thể làm được như dự kiến, thậm chí như cam kết với người lao động trong hội nghị cán bộ viên chức hàng năm, người lao động sẽ dễ có lựa chọn tìm đến những cơ sở có thể trả cho họ mức lương cao hơn”, ông cho biết.
Theo vị lãnh đạo, trên thực tế một số trường tư thục có yếu tố doanh nghiệp có thể trả lương cho giảng viên cao gấp 1.5 đến 2 lần, thậm chí 3 lần so với mức giảng viên đang được nhận tại các trường công lập. Đây là một khăn dẫn đến việc các trường công lập khó giữ chân được người tài, giảng viên giỏi và cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo mà người thụ hưởng là sinh viên.
Lãnh đạo trường đại học này bày tỏ, chính sách của Nhà nước, Chính phủ trong việc điều chỉnh học phí là có tính tới những khó khăn của nền kinh tế và những khó khăn trong xã hội nói chung. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng nên xét đến thực tế của các trường.
Ông kiến nghị, những trường nào trong vài năm qua đã tăng học phí cao có thể lần này không được tăng nữa, nhưng với những trường 5-7 năm chưa thể tăng học phí thì cần có chính sách riêng để họ có thể thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo ra đội ngũ nhân lực cao cho xã hội, giữ chân được người tài mà vẫn duy trì hoạt động của mình một cách bình thường.
Sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo sau này
Lãnh đạo một trường đại học thuộc top đầu khối ngành Kinh tế thì chia sẻ, hiện tại “chưa biết làm thế nào, vì gần như tự chủ xong rồi lại trói tất cả lại”. Theo ông, trường này đã thực hiện tự chủ hoàn toàn, tức tự chủ theo bậc cao nhất. Do đó, trường cần phải có tích luỹ tài chính để đầu tư phát triển, mà nguồn này “không tự nhiên mà có”.
Phần thu của các trường đại học có 80 - 90% đến từ nguồn học phí, trong khi đó những năm nay tất cả chi phí khác đều tăng. Nếu không tăng học phí, nguồn thu của nhà trường không thể đảm bảo được cho các khoản chi phí, hoặc buộc phải cắt giảm chi phí. Nếu chọn cắt giảm, rõ ràng sẽ khó khăn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
“Chất lượng đào tạo không phải sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giai đoạn sau. Bởi muốn nâng cao chất lượng, nhà trường phải đầu tư để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng, gồm đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình,… Nếu không có được nguồn tài chính tốt để đầu tư, nâng cấp tất cả những điều đó thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo sau này”, ông nói.
Vị lãnh đạo cũng chia sẻ, năm trước, quy định chưa cho các trường tăng học phí cũng được đưa ra ở giai đoạn quá muộn, khi tất cả mọi thứ là “xong xuôi”, tức là các trường đã xây dựng kế hoạch cho năm học mới rồi. Tới năm nay, thông báo này có sớm hơn, nhưng cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các trường bởi đa số trường đại học đã xây dựng xong lộ trình về học phí.
Ông nêu đề nghị, nên phân biệt những trường tự chủ và chưa tự chủ, những trường tự chủ một phần hoặc toàn phần, đưa ra những quy định khác nhau trong vấn đề điều chỉnh học phí để phù hợp với từng trường.
“Còn bây giờ tất cả các trường đều quy về như nhau thì sẽ rất khó khăn, nhất là cho những trường đã xác định tự chủ cao nhất về mặt tài chính. Chúng tôi tự chủ về tài chính nhưng học phí không được tăng thì thực sự không biết làm thế nào”, vị lãnh đạo này tỏ.
Lãnh đạo một trường đại học khối ngành Giao thông, Kỹ thuật cũng chia sẻ hiện tại “chưa biết hướng sẽ như thế nào, chưa định hướng được” sau khi có quy định không tăng học phí.
Theo ông, nhà trường đã có kế hoạch để chuẩn bị cho năm học mới, trong đó công bố mức học phí. Hiện nay, học phí lại không được tăng thì các kế hoạch sẽ bị ảnh hưởng, từ cơ sở vật chất, đội ngũ, các kế hoạch hoạt động cho sinh viên,... Như vậy, chắc chắn chất lượng đào tạo sau này cũng bị ảnh hưởng.
Ông nêu kiến nghị về việc cho phép trường đại học được tăng 10-15% so với năm học 2020-2021 để tháo gỡ các khó khăn nói trên.