Tiếp tục rà soát số lượng thừa - thiếu giáo viên
Để khắc phục bất cập về nguồn nhân lực, năm học 2023 - 2024, Chính phủ chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.
Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu. Sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018; thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Thiếu trường, thiếu lớp
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động được quan tâm, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn khu công nghiệp; một số doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, gắn với khu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ con công nhân lao động.
Năm học 2022 - 2023, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước); sĩ số trẻ/nhóm lớp đều tăng so với năm học trước; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9% (tăng 5,5% so với năm học 2021 - 2022).
Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT, các địa phương tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường Tiểu học.
Xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt và phối hợp với các tổ chức, cá nhân để tổ chức dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong dạy học tiếng Anh phù hợp với điều kiện của địa phương, tận dụng nguồn tài liệu tham khảo phong phú và đa dạng theo đặc thù môn học để hỗ trợ quá trình dạy học. Tỷ lệ lớp 3 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,65%.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định, tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 32%
Năm học 2022 - 2023, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ cơ bản đảm bảo theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ theo quy định chung và tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương nhằm động viên, thu hút đội ngũ yên tâm công tác.
Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên đại học được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ từ các nguồn hỗ trợ khác nhau (trong năm học 2022-2023, có 187 giảng viên đại học đã được cử đi đào tạo tiến sĩ trong nước, 80 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài theo nguồn ngân sách nhà nước của Đề án 89).
tiSố lượng và chất lượng của đội ngũ giảng viên đại học đều không ngừng được nâng cao, tăng thêm gần 2.500 giảng viên so với năm học trước, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 32% (tăng thêm 0,3% so với năm học trước).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. “Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018”.