Thế hệ Z (Gen Z) - là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012 – những người được sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh mới, được đánh giá có những nét tính cách riêng biệt, được xã hội chờ đợi sự bùng nổ, sáng tạo của họ.
Gen Z là những người đầu tiên được tiếp cận với công nghệ từ khi còn bé và có tư duy về tiền tệ, kinh tế có thể thay đổi cả thế giới trong tương lai, bởi sự đa dạng, thông thạo công nghệ và thái độ bảo thủ của họ đối với tiền bạc, chi tiêu.
Cần có trải nghiệm thực tế
Trao đổi tại hội thảo, Hồng Anh - Một Gen Z, đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học VinUni cho biết, em đã rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, và tìm hiểu việc học qua các anh chị khóa trên. Em sẽ không học 1 nghề cụ thể, mà em sẽ đi học các kĩ năng. Mỗi kĩ năng có thể phù hợp cho nhiều nghề.
Cô Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Yên Bái cho biết: năm học 2022-2023 là năm đầu tiên trường THPT thực hiện chương trình 2018. Sự mới mẻ, khác biệt của chương trình ở chỗ có môn Trải nghiệm Hướng nghiệp.
Kinh nghiệm những năm qua, cô và các đồng nghiệp đã làm việc và tổ chức rất nhiều hoạt động hướng nghiệp cho học sinh - các Gen Z, nhà trường rất cần các trường Đại học, Doanh nghiệp và Gia đình đồng hành trong hướng nghiệp cho các học sinh mới đảm bảo được sự hướng nghiệp sát với thực tiễn và năng lực của các em.
Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn, bởi hướng nghiệp một chiều dẫn đến đôi khi là bỏ mặc các em, hoặc đôi khi các em rất áp lực vì ước mơ, kì vọng của cha mẹ.
PGS Thu Hương – Giảng viên khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, làm sao để các em hiểu, chọn trường không phải để học, mà để chọn trường đại học là chọn nơi học nghề. Các em nên chọn nghề, chọn khối rồi mới chọn trường. PGS Hương khuyên có thể tiếp cận các mô hình hướng nghiệp như con nhím, ikigai,...Tự hỏi bản thân mình có thể làm gì tốt nhất? Bạn thích gì? Việc xã hội cần? Tìm điểm giao thoa, sẽ tìm ngành nghề.
PGS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa chia sẻ: đôi khi để được làm việc mình thích thì phải làm được việc mình không thích, để hiểu và có nguồn lực, cơ hội làm việc đam mê bền lâu. PGS Khánh cũng khẳng định, học sinh THPT, Gen Z cần những trải nghiệm thực tế, để những gì các em lựa chọn có cơ sở, có ý nghĩa.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Cán bộ lãnh đạo từ Tập đoàn Vingroup cho biết: những yêu cầu về tư duy logic, phản biện, kĩ năng, luôn luôn cần thiết cho người lao động. Những yêu cầu đó cần được rèn luyện từ rất sớm, trong gia đình, trong nhà trường.
Doanh nghiệp yêu cầu người lao động những năng lực, phẩm chất, thì cần đồng hành với nhà trường, sẵn sàng mở cửa để học sinh, sinh viên trải nghiệm để có sự tự rèn luyện, chuẩn bị cho tương lai.
Bà Hạnh cũng nhận thấy Gen Z có những phẩm chất rất tuyệt vời, hơn hẳn thế hệ trước, các em chủ động, sáng tạo và đặc biệt thích “cô đơn trên không gian mạng hơn là giao tiếp trực tiếp với cộng đồng”. Do đó, có không ít Gen Z chưa thích ứng tốt với môi trường lao động chuyên nghiệp cần sự phối hợp và kiên trì. Tuy nhiên, bà cho rằng, Gen Z rất giỏi kĩ năng số, và có thể dẫn dắt sự chuyển đổi mô hình lao động trong thời gian tới.
Điểm mạnh về nhu cầu "tự bản thân"
Em Đặng Tiến Đạt (học sinh lớp 11V trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Em rất vui và cảm thấy đây chính là lúc chúng em - thế hệ Gen Z nhận ra mình không thể chỉ ngồi im và quan sát xem tương lai gửi đến mình điều gì mà phải “dậy mà đi” tức là tìm hiểu con đường của mình, tìm ra lối đi phù hợp nhất với tiếng nói “lương tâm” bên trong và nền tảng của mình sẵn có.”
Bà Phan Thị Hồng Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí giáo dục, Chủ tịch Mạng lưới Quản lí không biên giới – đơn vị tổ chức hội thảo và ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Sách và Hành động đã cùng bàn luận đến năng lực “tự hướng nghiệp”, và khuyên các Gen Z hãy nói lên được “nhu cầu của bản thân, điểm mạnh của bản thân, hiểu về yêu cầu của xã hội và những quy tắc của cuộc sống” để từ đó tìm thấy con đường nghề nghiệp của mình.
Bà Dung cũng cho biết: Dự án tam giác hướng nghiệp hiệu quả muốn tạo ra "1 thước quay nhanh" để cho các con nhìn thấy yêu cầu của tương lai trong đào tạo, trong lao động doanh nghiệp. Đó là làm tốt sự chuẩn bị. Tạo ra sự cộng hưởng từ các thành tố trong hướng nghiệp để tạo ra những thành công thực tế.
Tại hội thảo, mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới đã nhận được sự hưởng ứng tham gia Dự án Tam giác hướng nghiệp năm thứ 2 từ 26 Trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội, Tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh Yên Bái, Tỉnh Nam Định... Các ngành/nghề được dự án hỗ trợ cho các trường năm nay bao gồm: Công nghệ sinh học, Hóa học; Công nghệ Thông tin; Cơ khí - Cơ điện tử; Điện - Điện tử; Kỹ thuật môi trường, Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Quản trị kinh doanh; Quản trị nhà hàng khách sạn.
Tiếp tục thành công của giai đoạn 1, với mô hình triển khai hướng nghiệp thông qua dự án học tập: Học sinh được làm dự án với sự hỗ trợ của Nhà khoa học ở trường Đại học và trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2, Dự án Tam giác hướng nghiệp hiệu quả sẽ có 26 trường THPT ở khu vực miền Bắc, với có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp và nhiều đại học như: trường Đại học Phenikaa, Khoa các khoa học Liên ngành – Đại học Quốc gia Hà Nội.