Báo cáo tiến độ soạn thảo dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp ngày 10.7 của Cơ quan thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, từ năm 2018 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Cho đến thời điểm này, có thể nói, việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về giáo dục và nhà giáo. Tháng 6.2024, Quốc hội chính thức có Nghị quyết bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024”, ông Vũ Minh Đức thông tin.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã gửi văn bản tới các Bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến góp ý. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức xin ý kiến rộng rãi đến tất cả nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý bằng các hình thức phù hợp.
Tính đến ngày 25.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến góp ý của 59 tỉnh/thành phố; 14 Bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trực tiếp tổ chức/đặt hàng các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo/tọa đàm tại để xin ý kiến chuyên sâu các nội dung chính sách trong dự thảo Luật, như: quản lý nhà nước về nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngoài công lập, chế độ, chính sách đối với nhà giáo giáo dục thường xuyên…
Các ý kiến góp ý cơ bản thống nhất đối với cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo (7 chương và sự phân bổ các chính sách đã được thông qua vào từng chương cụ thể). Một số nội dung quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo nhận được nhiều ý kiến góp ý như: việc định danh nhà giáo, trong đó đề xuất cán bộ quản lý giáo dục và một số nhân viên trường học cũng được định danh là nhà giáo và hưởng các chính sách của nhà giáo.
Đa phần ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải có quy định về chứng chỉ hành nghề nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về mục đích, nguyên tắc, điều kiện, quy trình cấp.
Các ý kiến cũng góp ý về vai trò của cơ quan quản lý giáo dục cấp Phòng/Sở trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để bảo đảm tính chủ động của ngành Giáo dục trong quản lý nhà giáo và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên đối với các cấp học mầm non, phổ thông.
Ngoài ra còn có các chính sách đối với nhà giáo, trong đó có chính sách nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với giáo viên mầm non; chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo để bảo đảm nhà giáo sống được bằng lương và yên tâm cống hiến với nghề...
Theo kế hoạch, tháng 9, dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.