Annual IP & Innovation Researchers Asia Conference (IPIRA) là hội thảo quốc tế thường niên của Mạng lưới các nhà nghiên cứu về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á; có sự tham gia đồng tổ chức của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn để thúc đẩy các hoạt động trao đổi, giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo, thúc đẩy sự gắn kết của các bên để đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á.
Năm 2024, Hội thảo IPIRA lần thứ 6 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị đăng cai tổ chức trong hai ngày 18.01 và 19.01. Tham dự Hội thảo có hơn 200 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, sinh viên đến từ 36 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh tới ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo IPIRA đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, đổi mới là chìa khóa để các quốc gia và doanh nghiệp trên toàn thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ 2021 đến 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực chính cho hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển. Vì vậy, việc hiểu biết và thực thi tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng.
“Trong chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040, Trường Đại học Ngoại thương đặt mục tiêu trở thành đại học sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á. Đổi mới sáng tạo đã trở thành trọng tâm trong mọi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và phát triển cộng đồng. Trong bối cảnh đó, nhà trường tự hào đăng cai Hội nghị các nhà nghiên cứu đổi mới và sở hữu trí tuệ châu Á lần thứ sáu”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay.
Tại Hội thảo, bài phát biểu đề dẫn của ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm rõ hệ thống sở hữu trí tuệ hiện tại của Việt Nam và các lựa chọn chính sách cho tương lai.
Trong phiên tổng thể, các chuyên gia đến từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới trình bày bài nghiên cứu chuyên sâu về “Xây dựng năng lực và chuyển giao tri thức tại WIPO” và “Suy nghĩ lại về mối liên hệ giữa thương mại, phát triển và hệ thống sở hữu trí tuệ ngày nay”. Đồng thời, trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các vấn đề thương mại, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và kinh tế tuần hoàn.
Được biết, trong 36 phiên trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu sẽ chia sẻ kết quả của 164 bài nghiên cứu.
Sở hữu trí tuệ được đưa vào hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp từ khá sớm tại Trường Đại học Ngoại thương. Từ năm 2007, các môn học về Sở hữu trí tuệ đã được đưa vào giảng dạy dưới cả góc độ pháp lý, quản lý và kinh tế cho hệ đào tạo đại học và sau đại học.
Trường Đại học Ngoại thương cũng tiên phong trong việc nâng cao nhận thức cho giới trẻ và cộng đồng về tài sản trí tuệ, đưa Sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ đắc lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết, với chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, nhà trường tiên phong xây dựng và phát triển một đại học đổi mới sáng tạo. Hội thảo khoa học quốc tế IPIRA được tổ chức thành công đã góp phần mở rộng hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng với cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia, hoạch định chính sách về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới.