Hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trên 2.300 điểm thi, trên 45.000 phòng thi
Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sang năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ có đổi mới trong công tác tổ chức thi để phù hợp với yêu cầu, định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khép lại chương trình học cũ, nhưng cũng là tiền đề để chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023. Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh.
Xét về quy mô, tính chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn toàn không có gì khác biệt với những kỳ thi năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn một triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi.
Về công tác tổ chức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29.6; chấm thi từ ngày 29.6; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17.7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19.7.
Mục tiêu của kỳ thi cũng không thay đổi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT khẳng định cho tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD-ĐT, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đặc biệt lưu ý công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô trên toàn quốc nên cần phải cẩn thận tối đa, bởi sai sót từ một địa phương sẽ ảnh hưởng tới cả nước.
Bộ trưởng lưu ý, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu của kỳ thi. Bên cạnh đó, tất cả các khâu, các nội dung đều phải có phương án dự phòng, như tập huấn đầy đủ cho đội ngũ cán bộ giáo viên dự phòng, đề phòng trường hợp đội ngũ cán bộ chính thức có việc đột xuất.
Nhấn mạnh tới việc một vài năm gần đây xuất hiện trường hợp gian lận sử dụng công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý cần đặc biệt đề phòng vấn đề này. Trong đó, quan tâm nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh; phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ coi thi, lấy tinh thần trách nhiệm của con người ứng phó với công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho biết, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi, phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Do đó, phải làm tốt công tác phòng chống. Trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp coi là một trong những việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị. Trong đó, vai trò phối hợp tích cực của lực lượng công an đã phát huy rất hiệu quả.
Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.
“Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Đồng thời với đó là làm tốt công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm. Bộ Công an và công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc rà soát kỹ về điều kiện dự thi của thí sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, thí sinh ở xa địa điểm tổ chức thi… Phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn kinh tế hay cách trở về giao thông mà không được dự thi, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi. Ở những nơi xa xôi, ảnh hưởng của mưa bão nên có phương án đưa thí sinh về điểm thi trước.
Các địa phương đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất cả nước.
Năm nay, toàn thành phố Hà Nội có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi tại 196 điểm thi thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, cùng gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi. Thành phố bố trí 4.532 phòng thi, trong đó có 201 phòng thi ghép; số phòng chờ là 176 phòng, số phòng thi dự phòng là 392 phòng.
Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi. Hà Nội đã bố trí 566 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi (trong đó điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra; tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi bố trí không tập trung). Đồng thời, thành lập Tổ giám sát gồm 14 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở GD-ĐT và Thanh tra thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà, với tính chất quan trọng của kỳ thi, Hà Nội sẵn sàng, chủ động các phương án, triển khai kỹ lưỡng, trách nhiệm để kỳ thi diễn ra đạt kết quả cao, đúng Quy chế và quy định của pháp luật.
Tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức 162 điểm thi với hơn 90.000 thí sinh tham gia kỳ thi. Trong đó, có 87 điểm thi có thí sinh tự do. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức được huy động tham gia phục vụ kỳ thi là 15.900 người.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh đảm bảo công tác bảo mật tại điểm in sao đề thi, vận chuyển đề thi, chấm thi. Tất cả điểm in sao đề thi, điểm thi, chấm thi đều được bố trí máy phát điện dự phòng, triển khai các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.
Trước khi diễn ra kỳ thi 1 tuần, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh sẽ có các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu tổ chức kỳ thi, đảm bảo công tác phối hợp an toàn, thông suốt.
“TP. Hồ Chí Minh xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên đề cao tinh thần trách nhiệm của tất cả các khâu, bộ phận tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi. Trong đó, ngành giáo dục tập trung tuyên truyền quy chế thi cho thí sinh, cha mẹ học sinh và những người tham gia công tác coi thi để hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm quy chế”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh nói.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Tại Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22.6.2024 về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và quán triệt các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan tham gia, phối hợp có hiệu quả với ngành Giáo dục để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.
Tạo điều kiện thuận lợi về ăn ở, đi lại cho học sinh đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, học sinh khuyết tật và học sinh tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai tham dự kỳ thi với phương châm không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại.
Chủ động các phương án để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cung ứng đầy đủ điện, nước sinh hoạt trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, đưa thông tin không đúng về kỳ thi.