Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS. TS. Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) cho biết:Năm 2023, có tổng số 744 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Trong đó, có 79 ứng viên GS, 665 ứng viên PGS.
Các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đã họp xét và đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 651 người, gồm 60 ứng viên GS, 591 ứng viên PGS.
Như vậy, có 93 hồ sơ ứng viên không được các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành giới thiệu, đề nghị xét ở cấp Hội đồng Giáo sư nhà nước, gồm 19 hồ sơ ứng viên GS và 74 hồ sơ ứng viên PGS.
Các phản ánh, tố cáo ứng viên tập trung vào điều kiện, tiêu chuẩn
-Thưa PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN, nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư không được đề nghị xét ở cấp sau vì những lý do gì?
PGS.TS Trần Anh Tuấn: Nguyên nhân dẫn đến ứng viên không được các Hội đồng giáo sư (HĐGS) các cấp đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS ở các cấp sau khá đa dạng như: Không đủ minh chứng về tiêu chuẩn theo quy định đối với chức danh GS, PGS tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, (thâm niên, giờ giảng dạy bậc đại học; là tác giả chính bài báo khoa học quốc tế có uy tín; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sỹ; điểm công trình khoa học, điểm sách phục vụ đào tạo theo quy định); báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn không thuyết phục được HĐGS các cấp (HĐGS ngành, HĐGS cơ sở) về chuyên môn, ngoại ngữ; một số ứng viên vì lý do cá nhân không thể tiếp tục tham gia xét đã có đơn xin rút hồ sơ.
Tất cả những trường hợp này, các HĐGS các cấp (HĐGS ngành, HĐGS cơ sở) đều dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận trước khi lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan, vừa bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành, vừa bảo đảm quyền lợi của ứng viên.
- Khi Hội đồng GSNN nhận được các đơn tố cáo hay phản ánh về các ứng viên, Hội đồng Giáo sư Nhà nước thường xử lý ra sao?
PGS.TS Trần Anh Tuấn: Các đơn tố cáo hay các thông tin phản ánh từ cộng đồng thường gửi đến HĐGS nhà nước qua e-mail, bưu điện, hoặc gửi trực tiếp cho Văn phòng HĐGSNN.
Các đơn tố cáo hay ý kiến phản ánh về các ứng viên khá đa dạng, nhưng hầu hết tập trung vào các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh GS, PGS theo quy định, một số phản ánh về đạo đức nhà giáo, liêm chính khoa học, hay thậm chí có những phản ánh do mâu thuẫn cá nhân chỉ mang tính chất bôi nhọ ứng viên.
Khi nhận được các đơn tố cáo hay ý kiến phản ánh (kể cả chính danh và không chính danh), HĐGS nhà nước đều phân loại và chuyển đến các bên liên quan (cơ sở Giáo dục đại học, HĐGS cơ sở, HĐGS ngành liên ngành hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật) để xử lý hoặc xác minh làm rõ.
Trên cơ sở kết quả xác minh, xử lý của các bên liên quan, HĐGS nhà nước xem xét xử lý theo quy định.
Các thành viên hội đồng đều được tuyển chọn
- Có một số ý kiến băn khoăn về chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và chất lượng thẩm định công trình khoa học của một số thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và HĐGS cơ sở không cao, không đủ để thẩm định hồ sơ ứng viên, ý kiến của Hội đồng GSNN như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Trần Anh Tuấn: Hàng năm, HĐGS nhà nước thành lập HĐGS ngành, liên ngành và hướng dẫn các Cơ sở giáo dục đại học thành lập các HĐGS cơ sở theo đúng quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 04/2019/TT- BGDĐT và Thông tư số 06/2020/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, thành viên của HĐGS ngành, liên ngành và HĐGS cơ sở đều được lựa chọn công khai, minh minh bạch đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và uy tín khoa học theo quy định.
Các HĐGS ngành, liên ngành được thành lập hàng năm với tiêu chí và quy trình chặt chẽ, rõ ràng, thành viên được giới thiệu từ ba nguồn (HĐGS ngành, liên ngành nhiệm kỳ trước; các cơ sở giáo dục đại học; các nhà khoa học là GS, PGS trên cả nước).
Các HĐGS cơ sở được thành lập dựa trên danh sách các nhà khoa học được Hội đồng khoa học của đơn vị đề cử. Chính vì vậy, các nhà khoa học được giới thiệu làm thành viên của HĐGS ngành, liên ngành và HĐGS cơ sở phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định và có uy tín khoa học cao trong ngành và trong đơn vị.
Trong 5 năm qua, các thành viên và tập thể các Hội đồng Giáo sư các cấp, đặc biệt là các thành viên và tập thể các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành với tư cách là bộ phận chuyên môn của Hội đồng Giáo sư nhà nước đã hoàn thành tốt công tác thẩm định công trình khoa học của ứng viên theo đúng các văn bản hiện hành, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có chức danh GS, PGS của cả nước, vừa bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan theo quy định, vừa bảo đảm quyền lợi của các ứng viên.
Hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp ứng viên tại phiên báo cáo tổng quan
- Với những ứng viên mà dồn dập đăng bài báo quốc tế trong năm cuối để xét (ví dụ năm 2022 có ứng viên đăng tới 10 bài, trong khi đó năm 2020, 2021 họ chỉ có 1-2 bài báo) thì Hội đồng xem xét như thế nào?
PGS.TS Trần Anh Tuấn: Hằng năm, trước mỗi đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Hội đồng Giáo sư nhà nước đều có Công văn hướng dẫn, trong đó đề nghị Hội đồng Giáo sư các cấp đặc biệt lưu ý “Xem xét về chuyên môn học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học”.
Trong quá trình xét tại Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, với tư cách là bộ phận chuyên môn của Hội đồng Giáo sư nhà nước, tập thể Hội đồng sẽ thảo luận và đánh giá từng công trình khoa học, đặc biệt những hồ sơ ứng viên có đăng nhiều bài báo trong thời gian ngắn, đăng bài trên những tạp chí có chất lượng không cao đều được các Hội đồng thảo luận dựa trên kết quả đánh giá chất lượng công trình của các Giáo sư thẩm định.
Những điểm phân vân, Hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp ứng viên tại phiên báo cáo tổng quan, trên cơ sở đó hội đồng thảo luận kỹ trước khi lấy phiếu tín nhiệm về hồ sơ ứng viên bảo đảm đánh giá chính xác theo đúng các quy định hiện hành và bảo đảm quyền lợi của ứng viên.
- Trước khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp xét thì đơn thư phản ánh hay tố cáo về ứng viên dồn dập gửi đến có nhiều không?, nhữngứng viên bị phản ánh họ sẽ phải giải trình và minhchứng như thế nào thưa ông?
PGS.TS Trần Anh Tuấn: Các đơn thư, ý kiến phản ánh được gửi đến HĐGS nhà nước trong suốt quá trình xét. Đối với các đơn thư, phản ánh chính danh, sau mỗi đợt xét HĐGS nhà nước đều có văn bản trả lời, sau khi có văn bản trả lời, họ nhận thấy những vấn đề phản ánh đều đã được xử lý thì họ sẽ không gửi lại.
Đối với các phản ánh không chính danh, không có địa chỉ rõ ràng, mặc dù HĐGS các cấp đã xem xét, xử lý nhưng không thể liên lạc và trả lời thì họ sẽ gửi lại sau mỗi cấp xét, mặc dù không có nội dung mới.
Đến thời điểm này, sau khi HĐGS ngành đã xét xong thì các phản ánh có nội dung mới là không nhiều.
Các nội dung phản ánh về hồ sơ của ứng viên khá đa dạng nên khi nhận được đơn tố cáo hoặc ý kiến phản ánh, HĐGS nhà nước đều phân loại và chuyển đến các bên liên quan để xem xét, xử lý, xác minh theo đúng quy định.
Tùy theo nội dung phản ánh mà ứng viên cần phải giải trình hoặc không phải giải trình theo quy định.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!
Qua thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giảng viên đại học có học hàm giáo sư của cả nước chưa đến 1% tổng số giảng viên trong cả nước.
Tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31.12.2021 là hơn 85.000 người. Trong đó, số giảng viên chức danh giáo sư chỉ là 757 người - đây là số lượng giáo sư đang giảng dạy, không tính những người đã về hưu hoặc không tham gia giảng dạy - chiếm tỷ lệ chỉ 0,89%. Đây cũng là thành phần ít nhất trong cơ cấu trình độ giảng viên.
Số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35%.
Số giảng viên có chức danh Phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19% và có trình độ đại học là 7,36%.