Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tại buổi Talkshow tư vấn tâm lý "Tâm lý vững vàng, sẵn sàng vượt sóng" do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Học sinh đang thiếu các kỹ năng cần thiết để đối phó với áp lực
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, học sinh THPT hiện nay tiếp xúc với các yếu tố căng thẳng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vẫn còn tư tưởng điểm số cao, đỗ vào trường đại học danh tiếng mới chứng minh bản thân có năng lực. Hay chỉ cần lên mạng xã hội đã bắt gặp cảnh rầm rộ khoe giấy khen, bảng điểm và thành tích học tập.
Mặt khác, xu hướng xã hội đang khuyến khích mỗi người phải học tập suốt đời, học tập không ngừng. Một cá nhân nào đấy chỉ cần lơ là sẽ trở nên lạc hậu, không còn cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Từ đó tạo nên cảm giác "học càng nhiều, biết càng ít", khiến người học luôn trong trạng thái lo lắng, bất an.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh kỳ vọng của xã hội, học sinh và phụ huynh cũng đang giữ suy nghĩ phải đạt thành tích cao mới có tương lai an toàn. Do đó, nền giáo dục đáng lẽ phải theo hướng dạy học để phát triển năng lực thì trên thực tế vẫn đang tập trung vào nội dung. Mà một khi vẫn duy trì phương pháp truyền thống, người học không tránh khỏi cảm giác quá tải bởi khối lượng kiến thức tiếp nhận vượt quá mức kiểm soát.
"Học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực nhưng chưa biết cách ứng phó, thiếu kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng quản lý về mặt cảm xúc. Họ không có kế hoạch ôn thi hiệu quả, cũng không biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Nên khi đối diện với áp lực kỳ thi đại học sẽ trở nên căng thẳng và không thể tập trung vào việc học", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.
PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra các dấu hiệu thí sinh chịu áp lực quá mức như dễ bị căng thẳng, tức giận, hay đôi lúc cảm thấy tủi thân bởi những chuyện nhỏ. Người bị stress còn có thể trở nên chán ăn hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hay rơi vào trạng thái tự cô lập, chỉ biết đến sách vở.
Đặc biệt, người bị căng thẳng thường không có thời gian nghỉ ngơi mà chỉ chúi đầu vào học, tại luôn lo lắng công việc không hoàn thành kịp tiến độ, hay không theo kịp người khác. Tuy vậy, trên thực tế nếu ngồi quá lâu, não bộ sẽ bị tê liệt và các hoạt động khác trở nên kém hiệu quả. Do đó, nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, dễ xảy ra việc sử dụng chất kích thích để tạo sự hưng phấn.
Các chiến lược giảm lo lắng hiệu quả trước kỳ thi
PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận, sự lo lắng là một trạng thái bình thường và hầu như mọi người đều như vậy. Nhưng cần kiểm soát tốt tâm lý đó, tránh việc ức chế khả năng tư duy, khiến cảm xúc không ổn định rồi bước vào phòng thi quên hết kiến thức.
Để giảm lo lắng, stress, các thí sinh cần tạo một kế hoạch ôn thi khoa học và đầy đủ. Có thể áp dụng phương pháp học gián đoạn như học 25 phút nghỉ 5 phút, sử dụng sơ đồ tư duy để não bộ được cân bằng và dễ dàng hệ thống hóa bài học. Đồng thời kết hợp các hoạt động thể chất lành mạnh, điều hòa giấc ngủ ổn định và có chế độ sinh hoạt hợp lý.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giấc ngủ. Thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc sẽ tăng thêm stress, làm hạn chế khả năng tái hiện lại kiến thức.
Về phía phụ huynh, giai đoạn này cần lưu ý đến 4 trụ cột tinh thần chính của con. Đó là trụ cột về mặt thể chất, mặt cảm xúc, các mối quan hệ xã hội và nhận thức. "Chỉ cần bố mẹ chăm sóc được 4 trụ cột nhỏ như vậy đã là sự hỗ trợ lớn với con cái của mình", PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Về thể chất, cần theo sát lịch sinh hoạt của trẻ, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nhắc con tập luyện thể dục, thể thao.
Về cảm xúc, hãy hạ thấp kỳ vọng, mục tiêu đặt ra với con trẻ; không phán xét sự thành công hay thất bại qua một kỳ thi. Quan trọng nhất là cần lắng nghe, thấu hiểu và động viên con đúng lúc để tạo tâm thế nhẹ nhàng và giảm căng thẳng.
Về kết nối xã hội, hãy xây dựng một vòng tròn tương tác với những người tích cực, hạn chế đọc thông tin gây áp lực trên không gian mạng. Cuối cùng, bố mẹ nên đồng hành cùng con trong việc nâng cao nhận thức; giúp trẻ hiểu bản thân có thể thành công nếu luôn giữ được thái độ tích cực với học tập và cố gắng, nỗ lực hàng ngày.
"Lo lắng là điều tốt, bởi sẽ giúp học sinh ý thức hơn trong việc lập kế hoạch ôn tập, có trách nhiệm với tương lai. Tuy vậy, nên xác định tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản", bởi nếu có thất bại cũng sẽ đúc rút được kinh nghiệm, chiến lược để làm bài tốt hơn.
99% lo lắng xuất phát từ việc nhìn về quá khứ chưa thực hiện được và tương lai chưa xảy ra. Các bạn thí sinh hãy tập trung, nỗ lực hết sức vào khoảnh khắc hiện tại sẽ cảm thấy thoải mái và phát huy được năng lực tốt nhất của mình", Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh.