Học phí và lộ trình tính giá
Theo Bộ GD-ĐT, đối với học phí năm học 2023-2024: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong đó quy định: Mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 01 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).
Theo đó, mức học phí năm học 2023-2024 một số khối ngành như sau: Khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội, báo cáo, du lịch khách sạn là 12 triệu đồng/năm; Khối ngành CNTT, kiến trúc, xây dựng là 14,5 triệu đồng/năm; Khối ngành sức khỏe: 18,5 triệu đồng/năm. Học phí các năm tiếp theo tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.
Đối với trường tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng hệ số 2 hoặc 2,5 lần. Ngoài ra, đối với chương trình đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GDĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, cơ sở GDĐH được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Cụ thể: Đối với trường dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí do mình quyết định (nội dung này được quy định tại Luật Giáo dục).
Các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; miền núi, hải đảo vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để tiếp tục chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30.8.2019 hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; phương pháp xác định giá dịch vụ GDĐT để làm căn cứ xác định mức giá dịch vụ GDĐT (bao gồm cả học phí) và hiện nay Bộ GDĐT đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT.
Đồng thời cũng có quy định cụ thể về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch thu chi tài chính, trách nhiệm giải trình cụ thể tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024 của Bộ GDĐT.
Lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, GDĐT, giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Căn cứ lộ trình học phí của cơ sở GDĐH công lập quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí từ năm học 2023-2024 tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.
Tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ yêu cầu giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022. Như vậy, mức học phí của các cơ sở GDĐH công lập đã giữ ổn định trong 03 năm học vừa qua (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023) để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho đến nay lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa thực hiện được.
Đối với học phí từ năm học 2023-2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi 01 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP).
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.
Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 01.7.2024 làm cho quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.
Chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho GDĐH đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở GDĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; học phí của các cơ sở GDĐH công lập còn chậm được điều chỉnh để bảo đảm bù đắp đủ chi phí theo lộ trình quy định nên ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH.
Ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị,... tiến tới mục tiêu đạt kiểm định trong nước và quốc tế của các trường, từ đó mới có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh, có điều kiện tăng học phí góp phần tăng nguồn thu cho các trường.
Mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh, và do tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị; các đơn vị vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo quy định của nhà nước, mức thu thấp nên rất khó khăn cho các đơn vị.
Mặt khác, đối với các trường chưa tự chủ chi thường xuyên thì mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh, và do tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên phần lớn các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị.
Ngân sách cấp hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, không có kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hàng năm, nhà nước cắt giảm theo lộ trình 2,5-5% chi thường xuyên nên rất khó khăn. Các khoản thu hoạt động dịch vụ GDĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch nhiều để bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,...
Nội dung mức chi phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của đơn vị. Mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc chức vụ quy định, trong khi đó các trường không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên nguồn chi trả thu nhập tăng thêm rất hạn hẹp, đời sống cán bộ, giảng viên rất khó khăn.