Ngày 9.11, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết 8 tháng triển khai phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm", Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức phát động đăng ký thực hiện mô hình chuyển đổi số, quản lý khoản thu không dùng tiền mặt ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024.
Phát động triển khai mô hình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa nhấn mạnh: Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành phố Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo bà Hoa, bên cạnh các nghị quyết, chương trình, kế hoạch dài hạn, để bảo đảm cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, trong đó giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng nội dung này.
Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung thực hiện các nội dung: Tập huấn hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; thanh toán không dùng tiền mặt trong các nhà trường; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; thúc đẩy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Nhằm góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn 5 đơn vị làm điểm triển khai mô hình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng dữ liệu của ngành.
5 đơn vị làm điểm gồm: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng.
Các đơn vị cam kết nâng cao hiệu lực quản lý, công khai minh bạch các khoản thu tại các cơ sở giáo dục, thực hiện hiệu quả tới 100% phụ huynh học sinh.