Hà Nội: Tăng cường phòng chống gian lận công nghệ cao trong thi tốt nghiệp THPT 2024

- Thứ Ba, 25/06/2024, 08:08 - Chia sẻ

Tại hội nghị tập huấn, các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 của Hà Nội, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội Thượng tá Hà Thị Hằng đã thông tin về những thiết bị thường được ngụy trang dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, vòng, nhẫn, đồng hồ, kính mắt… có thể được đem vào phòng thi để gian lận.

Tăng cường phòng, chống gian lận

 Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT cho gần 600 cán bộ, giáo viên.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi lớn, kết quả kì thi có ý nghĩa quan trọng với các sĩ tử. Chính vì vậy cần cảnh giác với các chiêu trò gian lận trong thi cử, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao.

Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Sở GD-ĐT Hà Nội đã huy động gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra tại 196 điểm thi. Các đoàn thanh tra của Sở thực hiện thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi, bao gồm: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Sở GD-ĐT Hà Nội thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi, số lượng cán bộ tối thiểu của tổ thanh tra tại một điểm thi được bố trí theo nguyên tắc: Điểm thi có dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra, từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra.

Tại hội nghị tập huấn, các cán bộ, giáo viên đã được nghe Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội Thượng tá Hà Thị Hằng  thông tin về những thiết bị thường được ngụy trang dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, vòng, nhẫn, đồng hồ, kính mắt… có thể được đem vào phòng thi để gian lận; các dấu hiệu bất thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi; cách nhận diện, phòng ngừa việc sử dụng phương tiện kỹ thuật có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi...

Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản đề nghị, các điểm thi đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh an toàn. Mỗi cán bộ thanh tra cần bám sát mọi khâu, mọi thành viên tại điểm thi để cùng phát hiện những sơ hở, sai sót, kịp thời phòng ngừa, tham gia phối hợp các vấn đề phát sinh tại điểm thi, không bỏ sót, bỏ lọt các vi phạm (nếu có). 

Khi xảy ra tình huống bất thường tại các điểm thi, thanh tra cần phối hợp tích cực với các lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm thi để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Điều động gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi, chấm thi

Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có gần 109.000 thí sinh đăng ký dự thi; bố trí 196 điểm thi với 4.532 phòng thi. Sở điều động gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi, chấm thi.

Nét mới năm nay là ngoài giáo viên các trường công lập, Hà Nội còn huy động giáo viên các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tham gia coi thi. Vì vậy, việc phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi và những quy định có liên quan được quan tâm, bảo đảm 100% thành viên tham gia làm nhiệm vụ đều nắm vững quy chế.

Bên cạnh quy trình coi thi, Phó Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thị Thuý Bạch lưu ý, các điểm thi cần đặc biệt quan tâm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, đúng quy định. Mỗi phòng thi phải bố trí chỗ ngồi cho 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang.

Tại mỗi điểm thi chuẩn bị 2 loại phòng thi dự phòng, dành cho những điểm thi có thí sinh không dự thi đủ các môn thi trong bài thi tổ hợp (bài thi tổ hợp có ba môn thi). Loại thứ nhất là phòng chờ vào, dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ hai hoặc môn thứ ba; thi môn thứ hai và môn thứ ba của bài thi tổ hợp. Loại thứ hai là phòng chờ ra, dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ nhất, môn thứ hai hoặc thi môn thứ nhất và môn thứ hai của bài thi dự phòng.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của các đơn vị. 

Ông Cương lưu ý, các đơn vị tiếp tục rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điện, nước, điều hòa, quạt mát tại các phòng thi, dự báo những tình huống có thể phát sinh để chủ động ứng phó.

Đồng thời các điểm thi cần ghi nhớ yêu cầu “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” khi làm nhiệm vụ. Trong đó, 3 chủ động là: Chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. 4 đúng là: Đúng quy chế, hướng dẫn; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không chủ quan, lơ là; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng quá mức.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý các điểm thi cần nhắc nhở thí sinh, không để xảy ra gian lận, đặc biệt là mang điện thoại vào phòng thi. Các điểm thi cần chủ động giải pháp ứng phó với tình huống bất thường, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh.

Quốc Việt
#