Theo đó, tại ý 1, câu 3 của đề thi, phần gạch ngang giữa phân số không rõ, khiến một số thí sinh hiểu nhầm từ “2” thành “-2”.
Đại diện một số phụ huynh học sinh phản ánh như sau:
Tối ngày 11.6, trao đổi với báo chí, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Trong thời gian học sinh làm bài thi môn toán (từ 8h đến 10h ngày 11.6), Sở GD-ĐT Hà Nội và các điểm thi không ghi nhận thông tin về nội dung này. Sau khi kết thúc môn thi toán của kỳ thi, Sở mới nhận được phản ánh từ một số phụ huynh học sinh.
Hiện tại, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 vẫn còn một nội dung quan trọng là tổ chức các bài thi môn chuyên phục vụ thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên của các trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên năm học 2023-2024. Vì vậy, các các thành viên của hội đồng ra đề vẫn đang trong khu vực cách ly.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ làm việc với hội đồng ra đề ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên.
Sau khi xác minh cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có phương án xử lý theo đúng quy định, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi và sự công bằng tối đa cho thí sinh".
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên của các trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên năm học 2023-2024 tại Hà Nội diễn ra 12.6.
Đề có sự phân hóa
Nhận định về đề thi môn Toán của Hà Nội, ThS Hồng Trí Quang, Giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở GD-ĐT Hà Nội năm học 2023-2024 vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây.
Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây dẫn đến sức nóng điểm chuẩn vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay.
Về phạm vi kiến thức và độ khó, cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc nhằm tránh gây ra sự xáo trộn, bỡ ngỡ cho các thí sinh.
Mặt khác, đề thi có sự tăng nhẹ về độ khó so với năm 2022-2023, có sự phân hóa tốt. Cụ thể như sau:
Bài 1: Là dạng bài quen thuộc và không gây khó khăn cho các bạn thí sinh.
Bài 2: Giữ nguyên tính ổn định về độ khó và dạng bài. Ý đầu là bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình - hệ phương trình có yếu tố thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Ý thứ 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.
Bài 3: Là các dạng bài quen thuộc và có sự tăng nhẹ về độ khó (ý 2b). Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và câu hỏi về sự tương giao giữa đồ thị hai hàm số, trong đó ý 2b đòi hỏi thí sinh phải nhanh nhạy trong quá trình biến đổi và vận dụng linh hoạt định lí Vi-et để xử lí.
Bài 4: Tương tự như đề thi các năm, đây là một bài toán về hình học và các dạng bài xuất hiện trong các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh góc bằng nhau, chứng minh đẳng thức và chứng minh song song. Và ý c của bài toán vẫn luôn là câu hỏi khó, dành để phân loại thí sinh.
Bài 5: Vẫn là bài về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. Bài toán tăng về độ khó và để giải quyết bài toán thí sinh cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng biến đổi bất đẳng thức và áp dụng hợp lí, đúng thời điểm các dữ kiện đề bài đã cho.
Thầy Quang đưa ra nhận định, dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng từ 6 - 7 điểm.