Phụ huynh sốc khi thấy bảng điểm trắng xóa sau lời “nhắc nhở” của cô giáo chủ nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, vị phụ huynh kể, sau cuộc họp phụ huynh ngày 22.4 vừa qua, cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 đã mời riêng 9 phụ huynh của các học sinh có điểm thi yếu ở lại để tư vấn. Tuy nhiên, đây gần như một hình thức “ép”, thậm chí có tính chất đe dọa nếu phụ huynh vẫn muốn cho con tham gia kỳ thi vào lớp 10.
“Trước khi cuộc họp phụ huynh diễn ra, đã có một đại diện ở trường trung cấp nghề đến và làm những động thái giống như marketing, phát tờ rơi. Sau đó, cả buổi họp, cô giáo luôn nhấn mạnh các con có hợc lực chưa tốt nên vào trường nghề để học.
Cô nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng, không nhất thiết phải có bằng cấp thì sau này mới thành đạt. Sau khi mời 9 phụ huynh ở lại, cô tiếp tục nói về vấn đề các con không thể thi được, điều tốt nhất cho các con là không thi”, vị phụ huynh nhớ lại.
Theo anh, khi nhóm 9 phụ huynh không đồng ý, vẫn muốn đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 công lập cho con, cách nói của cô gần giống như một sự đe dọa.
“Cô nói rằng “sức chiến đấu” của các con phải tốt thì mới thi được, cô sẽ phải “test sức khỏe” cho các con trước khi cho ra đấu trường. Nếu các con thật sự khỏe thì sẽ đi thi, còn nếu “chưa đủ khỏe” thì đành phải rèn luyện thêm rồi thi sau. Đặc biệt, cô nhấn mạnh rằng nếu như cô “nhập điểm” vào mà các con trượt tốt nghiệp thì các con sẽ phải học lại. Bố mẹ sẽ phải chấp nhận điều này”, anh nói, đồng thời cung cấp băng ghi âm có chia sẻ của cô giáo.
Người cha bức xúc chia sẻ, việc cô dùng từ “nhập điểm” rất nguy hiểm, bởi điều này đồng nghĩa rằng nếu cố chấp cho thi, có thể các con sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS, phải ở lại lớp. Theo anh, trước khi vụ việc xảy ra, trên phần mềm eNetViet (ứng dụng cập nhật bảng điểm của học sinh, phụ huynh sử dụng để tra cứu lâu nay) vẫn cập nhật được điểm số học kỳ I và một số môn học kỳ II năm lớp 9 của các con.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ với giáo viên, anh và một số phụ huynh khác rất bất ngờ khi trên eNetViet, toàn bộ dữ liệu về điểm số năm lớp 9 của con “trắng xóa”, trong khi các năm lớp 6 - 8 vẫn còn dữ liệu. Đây chính là sự bất thường khiến họ cảm thấy con mình đang gặp nguy hiểm.
Vị phụ huynh cũng cho biết, ngay trước cuộc họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm nhiều lần gọi điện cho các gia đình có con học lực chưa tốt để khuyên không cho con thi vào lớp 10 công lập.
Thậm chí, con gái anh tâm sự rằng, trước đó cô giáo đã làm “công tác tư tưởng” với nhóm học sinh có điểm thi kém suốt một thời gian dài, nêu tên từng em trên lớp và nói rằng tốt nhất không nên thi. Con gái anh đã rất buồn vì điều này. Anh cũng nghe một nữ phụ huynh cùng cảnh ngộ kể lại, con trai chị đã nhiều lần bỏ bữa, nói rằng “không thể ăn nổi” khi rơi vào hoàn cảnh này.
“Các con không đáng bị như thế. Con có thể học kém hơn người khác, nhưng con vẫn có quyền được thi. Chúng ta luôn dạy các con rằng không được từ bỏ hy vọng dù chỉ là một chút.
Vậy tại sao trong một môi trường giáo dục lại dạy cho các con đừng hy vọng nữa, hy vọng là viển vông, bảo các con đừng nên cố gắng nữa? Nguy hiểm nhất trong việc này là khi đã chịu áp lực như vậy ở trường, nếu bố mẹ không hiểu con cái, về lại tiếp tục trách móc các con thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, người cha đặt câu hỏi.
Được biết, anh và 8 phụ huynh còn lại vẫn quyết định đăng ký các nguyện vọng vào cấp 3 công lập cho con. Tuy nhiên, việc các con có được xét tốt nghiệp THCS để có thể dự thi hay không thì không thể biết, vì điểm học kỳ vẫn “trắng xóa”.
“Con khóc suốt, tâm lý bất ổn vì yêu cầu của cô giáo”
Một phụ huynh khác cùng có con theo học tại lớp 9A4 tâm sự, gia đình anh cũng được cô tư vấn, yêu cầu không cho con thi vào các trường công lập bằng việc nhắc nhở “nhập điểm” như trên.
Tuy nhiên, con gái anh muốn được thử sức thi. Điều này khiến cô bé rất buồn, hay khóc và biểu hiện tâm lý khá bất ổn.Thậm chí, việc học của cô bé dường như sa sút hơn.
“Hai năm lớp 6, lớp 7 cháu đều đạt học sinh tiên tiến, lớp 8 đạt Học sinh giỏi, đến kỳ I năm lớp 9 vẫn đạt học sinh tiên tiến. Nguyện vọng của phụ huynh chúng tôi là con đã học 9 năm rồi, vì con muốn được thi nên cô hãy để con thử sức, để con chứng minh bản thân.
Môi trường giáo dục không nên có sự áp lực nhiều quá như vậy, vì các con vẫn còn rất non nớt, chưa có nhận thức tốt nhất. Việc tạo áp lực lớn sẽ hình thành “vết hằn” trong tâm hồn các cháu”, anh bày tỏ.
Đồng tình với các quan điểm trên, một phụ huynh khác cùng trong nhóm 9 phụ huynh cho rằng, anh thấy “không ổn” trong cách cô giáo tư vấn. “Tôi nghĩ việc tư vấn chỉ nên là tư vấn, còn đăng ký thi hay không là nguyện vọng của các con. Mặc dù con khó có thể thi vào trường công lập, nhưng nguyện vọng của con, của phụ huynh thì phải tôn trọng”, anh nói.
Theo vị phụ huynh này, bên cạnh việc đăng ký các nguyện vọng vào lớp 10 trường công lập, gia đình anh cũng nộp thêm hồ sơ cho con vào một số trường dân lập. Tuy nhiên, trên eNetViet không còn bảng điểm lớp 9, kết quả học tập chưa có khiến con chưa thể nộp hồ sơ.
“Nếu không thể tốt nghiệp THCS, thậm chí cánh cửa tại trường dân lập cũng sẽ đóng lại với con. Tôi lo lắng nhưng hiện tại chỉ biết động viên con cố gắng, còn một chút hy vọng nữa vẫn cứ cố gắng”, anh chia sẻ.
Hiệu trường nói sẽ có biện pháp xử lý
Ngay sau khi làm việc với các phụ huynh, chiều 25.4, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang.
Bà Oanh cho biết đã nắm được vụ việc và khẳng định, quan điểm của Trường THCS Kim Giang là giáo viên chủ nhiệm khối 9 chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh. Nhà trường tuyệt đối không ủng hộ việc thầy cô yêu cầu hay ép học sinh không được thi vào lớp 10 công lập.
“Quan điểm đó nhà trường hoàn toàn không đồng tình, không ủng hộ và không chỉ đạo như vậy. Trong tất cả cuộc họp với giáo viên, tôi luôn dùng đúng một từ chuẩn là “tư vấn”, nhắc đi nhắc lại rằng thầy cô chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, còn quyền quyết định là của cha mẹ học sinh”, bà Oanh nói.
Vị hiệu trưởng cho rằng, trong mấy năm vừa rồi, dịch Covid - 19 kéo dài, hệ lụy ảnh hưởng tới sức học và tâm sinh lý của học sinh. Sức của con gánh được khoảng 5kg thôi mà lại đặt trên vai con 7-8 kg thì dễ tạo thành tâm lý áp lực. Điều đấy hoàn toàn không tốt, các thầy cô giáo phải có nhiệm vụ tư vấn cho con đúng khả năng của mình để không tạo áp lực về tinh thần.
Về vấn đề nhiều học sinh stress, áp lực sau khi nhiều lần bị cô giáo tác động, bà Oanh nhấn mạnh, việc làm cho học sinh tổn thương là điều không được phép.
“Thầy cô phải chia sẻ chứ không được gây áp lực, đặc biệt không được làm tổn thương học trò. Là giáo viên khó nhất không phải việc dạy cho học sinh điều gì, mà khó nhất là cần trở thành một nhà tâm lý để chia sẻ với học sinh. Đó là tôn chỉ tôi đã chỉ đạo”, bà Oanh cho hay và khẳng định, bất kỳ giáo viên nào làm không đúng với quan điểm chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm trước nhà trường, sẽ có những biện pháp xử lý tùy theo mức độ.
Về vấn đề trường nghề đến giới thiệu trước buổi họp phụ huynh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang chia sẻ, cuối năm học, các trường nghề thường xuyên liên hệ, vì có một số cha mẹ muốn cho con học nghề, không có nhu cầu học trường văn hóa công lập. Theo bà Oanh, việc trường nghề tới gửi gắm thông tin là điều bình thường, quyền lựa chọn vẫn là ở cha mẹ học sinh.
Về việc bảng điểm lớp 9 của một số học sinh đột nhiên không còn dữ liệu sau khi được cô giáo chủ nhiệm “nhắc nhở”, nữ Hiệu trưởng chưa có câu trả lời rõ ràng, cho biết sẽ kiểm tra lại toàn bộ thông tin.
“Vấn đề quản lý công nghệ thông tin, quản lý điểm đã giao thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phụ trách. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này”, bà Oanh nói.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, lãnh đạo nhà trường đã đề nghị có một cuộc gặp với nhóm phụ huynh tại lớp 9A4 có phản ánh để lắng nghe ý kiến trực tiếp từ phụ huynh, nắm bắt tình hình.
“Tôi sẽ tìm hiểu xem có là hiểu nhầm hay đúng là như vậy. Từ đó, lãnh đạo nhà trường sẽ có trách nhiệm chấn chỉnh lại, cũng như bồi dưỡng kỹ năng tư vấn của giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh để không bao giờ còn những chuyện như thế này xảy ra”, bà Oanh thông tin.
Được biết, ngay sau buổi làm việc của phóng viên các cơ quan báo chí với lãnh đạo Trường THCS Kim Giang, nhóm phụ huynh lớp 9A4 cho biết bảng điểm học tập của các học sinh đã được hiển thị trở lại trên eNetViet.
Câu chuyện "ép" học sinh, thậm chí dọa nạt, yêu cầu học sinh không thi vào lớp 10 công lập năm nào cũng tái diễn. Trước đó, năm 2022, tại Hà Nội đã xảy ra hiện tượng này, một số trường THCS tại Hà Nội “ép” học sinh học kém không thi vào 10, mà nên đi học nghề theo mô hình lớp 9+.
Các cơ quan chức năng, từ Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội và Phòng GD-ĐT đã vào cuộc khá nhanh, yêu cầu phải xác minh làm rõ, nếu có hiện tượng đó thì phải xử lý nghiêm. Thậm chí, Bộ GD-ĐT còn công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân hãy phản ánh về hiện tượng trên, nếu có hiện tượng ép học sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm.
Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về sự việc trên tới bạn đọc!
Trao đổi với báo chí tối ngày 25.4, cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 Lê Kim Oanh xác nhận, đúng là sau buổi họp phụ huynh, cô có mời 9 phụ huynh ở lại để bàn với họ có biện pháp giúp các con nâng điểm số trong kỳ thi tới vì điểm thi thử của các con chưa tốt.
Cô Oanh cho biết, tôi trao đổi với các bố mẹ, tôi vẫn nhận đơn đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 công lập của các con mà, nhưng hiện tôi cũng chưa biết các con có được tốt nghiệp THCS hay không vì các cô vẫn đang nhập điểm xét tốt nghiệp. Tôi có nói, nếu như các con đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì các con sẽ được thi vào 10 luôn, nếu chưa tốt nghiệp thì sang năm các con sẽ thi sau, cô vẫn nhận đơn để nộp lên Sở GD-ĐT. Nhưng trước mắt dù các con có thi hay không thi thì bố mẹ phối hợp với các cô giúp cho các con học tốt hơn, đạt kết quả tốt nhất.
Nội dung câu chuyện chỉ như vậy, nhưng các bố mẹ lại đang hiểu sai, hiểu lầm, nghĩ là tôi không cho thi. Nếu tôi không cho các con thi, sao tôi lại nhận đơn đăng ký của các con?”
Cô Lê Kim Oanh cho hay, trước đây cô cũng tư vấn cho một số em không nên thi, vì nếu thi tỉ lệ đỗ của các em rất thấp và theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo phân luồng cho các em, các em đi đúng hướng sẽ phát triển bản thân tốt hơn. Trước đó, tôi cũng trao đổi với bố mẹ các con nên làm gì sau khi tốt nghiệp cấp THCS, nhưng các bố mẹ không đồng ý với phương án của cô và bức xúc cho rằng, cô không tôn trọng các con, đánh giá các con thấp quá!
Tôi dạy các con 2 năm liền, theo sát các con và đánh giá được khả năng của các con tương đối chính xác. Tôi định hướng cho các bố mẹ nên chọn phương án nào đó cho các con đỡ áp lực, các con học kiến thức hàn lâm nặng quá, các con sẽ mệt, khó khăn.
Thu Hồng