Thành phố Hà Nội dự kiến bố trí 189 Điểm thi trên địa bàn 30 quận/huyện/thị xã với 4.263 phòng thi. Dự kiến thành phố điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các Điểm thi; điều động 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi; bố trí 532 thanh tra cắm chốt tại các Điểm thi.
Thành phố cũng thành lập tổ giám sát gồm 16 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra thành phố. Ban Chỉ đạo thi thành phố còn thành lập 10 tổ kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Như vậy, cùng với lực lượng thanh tra là cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, tại các điểm thi của thành phố Hà Nội còn có một lực lượng thanh tra, kiểm tra làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi.
Trao đổi về phương án tổ chức chỉ đạo của Kỳ thi, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, cùng với Ban Chỉ đạo cấp thành phố, 30 quận/huyện/thị xã đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Việc phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, ban hành các kế hoạch tổ chức, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi của TP Hà Nội bảo đảm chỉ đạo xuyên suốt từ cấp thành phố đến cơ sở.
Từ nay đến khi Kỳ thi diễn ra, thành phố Hà Nội sẽ triển khai công tác hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức Kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện để triển khai tổ chức Kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi.
“Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động khoảng 550 cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ thanh tra tại Hà Nội. Dự kiến, số cán bộ, giảng viên này được điều động từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả để xét tuyển đại học chiếm gần 93%. Với tính chất quan trọng của kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra với yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lực lượng thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu, không được bỏ sót khâu nào.