Áp lực khi thi trượt
Chiều 1.7, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm 2023. Gần 90% số trường THPT của Hà Nội đều tăng điểm chuẩn so với năm trước, trong đó có trường tăng đến 7 điểm.
Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 lớn nhất cả nước với 116.200 lượt học sinh đăng ký. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của thành phố chỉ là gần 72.000 học sinh. Trong đó, ở hệ công lập không chuyên, tổng số lượng thí sinh đăng ký là 104.917, chỉ tiêu tuyển sinh là 69.805. Ở hệ công lập chuyên, tổng số lượt thí sinh đăng ký là 11.283, chỉ tiêu là 1.895.
Sau khi kết quả điểm chuẩn được công bố, bên cạnh những sĩ tử hân hoan vui mừng vì đỗ vào các trường công lập như mong muốn, là hàng chục nghìn em buồn bã khi trượt lớp 10 trường công.
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), đối với các em thi trượt, đây có thể được coi như “cú sốc” đầu đời. Các em phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực như: trách móc bản thân vì đã làm bài không tốt; xấu hổ vì thua kém bạn bè; sợ hãi, mặc cảm tội lỗi vì phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô; lo lắng khi mọi người xung quanh hỏi han, phán xét… Không được cha mẹ sẻ chia, tháo gỡ kịp thời, các em có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm.
“Tôi đã từng tham vấn tâm lý cho một số trường hợp học sinh bị trầm cảm sau khi thi trượt. Đa phần các em thường có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thu mình lại, thường xuyên ở trong phòng, không muốn nói chuyện với ai. Đặc biệt, có những trường hợp đã tự rạch tay, rạch chân và suy nghĩ đến cái chết”, cô Lanh nói.
Theo nữ chuyên gia, gánh nặng tâm lý do thi trượt thường nặng nề hơn ở những em có học lực khá, giỏi. Đó là bởi những em này thường có quá trình học tập khá suôn sẻ, quen được khen ngợi, ít khi bị thất bại, chê trách, chưa trải qua nhiều thử thách về mặt tâm lý. Vì thế, khả năng chịu đựng thất bại, ổn định tinh thần khi đón nhận kết quả không như mong đợi từ một kỳ thi lớn sẽ yếu hơn các bạn khác.
Các em học khá, giỏi cũng tự đặt ra cho mình những kỳ vọng cao hơn về kết quả thi. Bởi vậy, khi thi trượt, các em rất dễ bị bất ổn tâm lý.
Đồng hành cùng con vượt qua “cú sốc” thi trượt
Theo cô Lanh, giai đoạn sau khi thi trượt, tâm lý các em rất nhạy cảm. Đôi khi một cái thở dài của cha mẹ cũng có thể khiến các em tổn thương. Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại không chú ý đến điều này, quan tâm đến cảm xúc của mình hơn là cảm xúc của con.
Có không ít phụ huynh khi con thi trượt đã thể hiện rõ sự thất vọng, mắng mỏ, chì chiết, so sánh con mình không bằng “con nhà người ta”, nói ra những lời lẽ có tính sát thương cao, coi con là “đồ bỏ đi”, “đồ ăn hại”, “đáng xấu hổ”… Thậm chí, vẫn có những ông bố, bà mẹ dùng đòn roi để “nói chuyện” với con.
Những cách hành xử này không giúp thay đổi kết quả thi, mà chỉ khoét sâu hơn những tổn thương của con, làm xa thêm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Nó có thể đẩy những đứa trẻ vào đường cùng, nảy sinh những suy nghĩ, hành động dại dột.
Nữ chuyên gia tâm lý chia sẻ, thay vì chỉ nhìn vào kết quả là con thi trượt rồi chỉ trích, đánh mắng con, cha mẹ nên ghi nhận sự nỗ lực của con trong suốt thời gian vừa qua. Các con đã phải chịu rất nhiều áp lực, vất vả ôn luyện ngày đêm, cha mẹ chính là người chứng kiến, hiểu rõ điều đó nhất. Kết quả thi của con dù không tốt thì các con cũng đã nỗ lực hết mình.
Để giúp con ổn định tâm lý sau cú sốc thi trượt, cha mẹ nên tăng cường trò chuyện, làm bạn với con, để con hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên, đồng hành cùng con giải tỏa áp lực.
Mặt khác, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu rằng thất bại trong kỳ thi này chỉ là một trong những chuyện không như ý muốn mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời. Hành trình để trưởng thành, để thành công luôn sẽ có những lần vấp ngã, sai lầm, thất bại. Con cần học cách đối diện, học bài học từ những thất bại, đứng dậy và trưởng thành sau những sai lầm.
Cánh cửa trường công đóng lại nhưng không phải là dấu chấm hết, vẫn còn những cánh cửa khác để con tiếp tục theo đuổi con đường học hành nếu con thực sự mong muốn.