Giới học giả Việt - Pháp bàn luận về đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI

- Thứ Ba, 20/02/2024, 19:04 - Chia sẻ

Ngày 20.2, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI: Từ góc nhìn của giới học giả Việt Nam và Pháp”. 

Giới học giả Việt - Pháp bàn luận về đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI

Quy tụ các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế

Đây là diễn đàn giao lưu, trao đổi học thuật, đồng thời để giới thiệu những thành tựu nghiên cứu, các phương pháp, tiếp cận mới trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế của giới học giả Việt Nam và Pháp.

Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Cộng hoà Pháp) và Học viện Ngoại giao, Viện Bảo tồn và Phát huy văn hoá truyền thống Pháp phối hợp tổ chức.

Hội thảo quy tụ hàng chục nhà khoa học, sử học và chuyên gia quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Pháp và một số quốc gia khác, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam và Pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao các giá trị khoa học và thực tiễn về tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI mà các học giả trong nước và quốc tế đã đóng góp tại hội thảo.

Theo đó, hội thảo đã nhận được 40 báo cáo tham luận của các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Bên cạnh các chuyên luận chia sẻ về các lý thuyết, cách thức tiếp cận và phươngg pháp nghiên cứu mới, một số bài viết đã đi sâu phân tích một số vấn đề cụ thể của lịch sử quan hệ và giao lưu văn hoá Việt – Pháp thế kỷ XX-XXI.

Đặc biệt, hội thảo cũng nhận được một số báo cáo mang tính tổng kết về sự phát triển của các phương pháp, cách tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế ở Pháp và Việt Nam.

GS.TS. Hoàng Anh Tuấn tin tưởng, hội thảo sẽ gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới trong lĩnh vực sử học và quan hệ quốc tế, qua đó thúc đẩy sự hợp tác về khoa học, công nghệ và giáo dục lịch sử giữa hai quốc gia.

Bày tỏ niềm vinh dự khi được tới thăm và làm việc tại Trường ĐH KHXH&NV, GS. Pierre Journoud - Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Trường ĐH KHXH&NV với nỗ lực tổ chức hội thảo khoa học quốc tế trong thời gian gấp gáp sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

GS. Pierre Journoud nhấn mạnh, sự tham dự của các nhà khoa học uy tín tại Việt Nam, Pháp, Anh, Mỹ… đã mang lại những giá trị khoa học quan trọng về cách tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI. Đây sẽ là những khuyến nghị cho các nhà ngoại giao để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia Việt Nam - Pháp trong tương lai.

“Việt Nam là đất nước tuyệt vời với những dấu ấn lịch sử lừng lẫy trong đấu tranh, bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế. Từ lâu đã xây dựng được góc nhìn đa chiều về thế giới, có chiến lược ngoại giao linh hoạt, kế thừa qua nhiều thế hệ trong lịch sử… Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các học giả quốc tế, trong đó có các học giả Pháp” – GS. Pierre Journoud chia sẻ. 

Tiếp cận đa ngành là nhu cầu mới trong nghiên cứu lịch sử

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, giới sử học thế giới đã không ngừng mở rộng đối tượng, cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu lịch sử, chẳng hạn như cách tiếp cận lịch sử toàn cầu (global history), lịch sử liên quốc gia (transnational history), lịch sử quốc tế (international history), lịch sử quân sự (military history), lịch sử thực dân (colonization) và giải thực dân (decolonization), lịch sử giới (gendered history), lịch sử môi trường (environmental history) ... Ngành sử học đã không ngừng mở rộng lĩnh vực nghiên cứu bằng cách kết hợp với các lĩnh vực khác của khoa học xã hội và nhân văn như khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, nhân học hay xã hội học...

Nằm trong xu thế đó, giới sử học và nghiên cứu quan hệ quốc tế của Việt Nam và Pháp cũng đã không ngừng đổi mới, tiếp thu các thành tựu nghiên cứu mới, đặc biệt là các lý thuyết, cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu mới phục vụ cho sự phát triển của lĩnh vực sử học và nghiên cứu quan hệ quốc tế ở hai nước.

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo với góc nhìn đa dạng đã nghiên cứu rộng mở ở nhiều khía cạnh trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế.

GS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh, thế kỷ XX chứng kiến một quá trình toàn cầu hóa trong nhiều ngành khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu liên ngành (NCLN) trở thành nhu cầu, thuộc tính của đa số các ngành khoa học.

NCLN hướng đến một tư duy tổ chức mới, cách thức ứng dụng các lý thuyết, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu mới trong sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học và ngành học. Đặt đối tượng nghiên cứu trong cái tổng thể, đồng thời giải quyết mối quan hệ đa chiều trong một hệ thống tổng thể và như vậy chắc chắn sẽ tạo ra những nhận thức, kết quả khoa học mới.

Hiện nay, thật khó có thể coi sự phát triển của KHLN là một “cuộc cách mạng” trong lịch sử KHCN&ĐMST, giáo dục và văn hóa,… nhưng sự hiện diện của ngành học này sẽ góp phần thúc đẩy yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức KHCN&ĐMST thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đất nước và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thuỳ Dung
#