Giáo dục sớm là một khoa học giáo dục về não bộ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường đại học giáo dục GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết, sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai. Cũng bởi lý do này, các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất đã được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm và tìm hiểu, nghiên cứu từ lâu.
GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, mỗi một giai đoạn lịch sử đều mang trong mình những đặc điểm nổi bật và rất riêng, song hành với nó là sự phát triển, diễn tiến và cách thức mà các lĩnh vực trong thời đại đó hoạt động. Cụ thể trong thời đại mà chúng ta đang sống hiện nay - thời đại của công nghệ, của số hoá đã kéo theo sự thay đổi của toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả giáo dục sớm.
Ở các giai đoạn khác nhau, quan điểm, lý thuyết và sự hiểu biết về can thiệp sớm lại có sự điều chỉnh, cải tiến bởi, thông qua một quá trình thử nghiệm, chúng ta xác định được điều gì là có giá trị và hiệu quả với trẻ, điều gì là không cần thiết và điều gì không còn phù hợp với đặc điểm của trẻ, không còn phù hợp với thời đại nữa, từ đó những thay đổi của giai đoạn tiếp theo sẽ phù hợp hơn so với giai đoạn trước.
GS Nguyễn Quý Thanh kỳ vọng Hội thảo “Giáo dục sớm, giáo dục Phần Lan, cánh cửa mở ra thế giới” mở ra các diễn đàn để các các nhà khoa học, thầy cô giáo chia sẻ về những triết lý và mô hình đào tạo giáo viên cũng như các mô hình giáo dục sớm từ đất nước Phần Lan.
Theo Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, PGS.Trần Thành Nam, giáo dục sớm (GDS) hay phương pháp giáo dục sớm được hiểu là cách thức và quá trình tác động lên trẻ giai đoạn từ 0-6 tuổi nhằm kích hoạt vỏ não đặc biệt là não phải, từ đó giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ. Hiểu cách khác, giáo dục sớm là một khoa học giáo dục về não bộ. thực chất là quá trình trẻ học mọi thứ xung quanh mình. Chính vì vậy, giáo dục sớm bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, khi nhắc tới giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển) bởi bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản, nó không nhằm tích lũy kiến thức và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường. Với ý nghĩa và giá trị của nó giáo dục sớm luôn được các nhà giáo dục quan tâm đặc biệt trong thời đại công nghệ số.
Tư duy giáo dục của Phần Lan là bình đẳng và chất lượng cao
Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Phần Lan, Nhật Bản… mô hình về giáo dục sớm đã được phát triển và mở rộng từ nhiều năm qua.
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, tại Việt Nam hiện nay đang tích cực đẩy mạnh triển khai giáo dục sớm trong các nhà trường. Giáo dục sớm là tác động sớm để trẻ phát triển phù hợp độ tuổi của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng phát triển, thế mạnh riêng. Giáo dục sớm nhằm hướng tới phát hiện những khả năng riêng đó để trẻ có thể phát triển theo đúng sở trường, thế mạnh của riêng mình. Giáo dục sớm phải phát huy được tinh thần hứng thú, sáng tạo của trẻ em chứ không phải "ép" trẻ học cứng nhắc.
Vai trò của giáo viên đối với Giáo dục sớm là rất quan trọng, giáo viên sẽ là người chơi cùng, học cùng trẻ, từ đó lựa chọn phương pháp và hình thức giáo dục phù hợp. Giáo dục sớm đòi hỏi sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của giáo viên, nhưng sự sáng tạo đó phải nằm trong khuôn khổ, mang tính khoa học chứ không thể thích gì làm nấy. Giáo dục Phần Lan coi giáo viên là linh hồn của lớp học. Vị thế người Thầy trong xã hội được khẳng định và hiển hiện trong đời sống thực.
Chia sẻ về kinh nghiệm cũng như cách làm giáo dục sớm của Phần Lan, Chuyên gia giáo dục Olli Kammunen cho biết, nguyên tắc hàng đầu trong tư duy giáo dục của Phần Lan là bình đẳng và giáo dục chất lượng cao. Đây là cách tốt nhất để tôn trọng trẻ em và tuổi thơ, và để xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả mỗi cá nhân và cả đất nước. Các mục đích của giáo dục là thúc đẩy học tập suốt đời, toàn diện vì sự phát triển và hạnh phúc của tất cả người học, cũng như cải thiện kỹ năng của họ để sống một cách bền vững.
Giáo dục mầm non của Phần Lan đặt trọng tâm đến việc tạo ra các điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho việc học tập cho trẻ, tạo điều kiện để thúc đẩy việc học tập suốt đời trong đó nhấn mạnh yếu tố bình đẳng trong giáo dục cũng như quyền mà các em được hưởng, theo công ước quốc gia về quyền trẻ em (1989). Trẻ em là trung tâm của quá trình chăm sóc và giáo dục.
Mọi người dân trong xã hội đều có trách nhiệm tạo ra sự bình đẳng và dân chủ trong việc ghi nhận ý kiến của trẻ, đảm bảo quyền được chăm sóc, bảo vệ, trẻ được đối xử công bằng, bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, TS. Cù Thị Thuỷ cho rằng, thực tế đã có nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tích hợp tinh hoa của giáo dục Phần Lan vào chương trình giáo dục mầm non (GDMN) để hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Qua những bài tham luận từ hội thảo và những ý kiến quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế chúng ta đã rút ra được tinh hoa của quốc tế.
Hội thảo đã lắng nghe những bài tham luận chia sẻ về các xu hướng, mô hình, phương pháp giáo dục mới trên thế giới. Nắm bắt được khung năng lực, những yêu cầu về năng lực của giáo viên mầm non để đáp ứng hội nhập quốc tế.