Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học thường niên là ngày hội truyền thống của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Hội nghị lần thứ 41 tổ chức năm nay thu hút hơn 1.348 sinh viên tham gia với 438 đề tài, chia làm 24 phân ban.
Các đề tài nghiên cứu của sinh viên Bách khoa Hà Nội tại Hội nghị tập trung vào lĩnh vực: AI, Nhà máy thông minh và robot; Vật liệu bán dẫn và ứng dụng trong công nghiệp; Năng lượng, môi trường bền vững và công nghệ thiết bị y sinh. Đây là chủ đề thuộc các định hướng khoa học công nghệ ưu tiên phát triển giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030 của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Số lượng các đề xuất nộp nhiều vào các phân ban nói trên phản ánh xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời cho thấy sinh viên Bách khoa Hà Nội đã nắm bắt được các lĩnh vực công nghệ 4.0 có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
"Sáng tạo không phải điều gì đó xa vời mà nằm ngay trong mỗi con người"
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhấn mạnh đến việc kết nối và sáng tạo.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết thắng, lễ tổng kết hoạt động Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo - Khởi nghiệp và thi Olympic năm học 2023 - 2024 chính là thời điểm để các sinh viên, giảng viên thể hiện những kết quả tốt nhất đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, gặp gỡ, kết nối thầy - trò, kết nối nhóm sinh viên các trường đại học, kết nối giữa các nhà khoa học, các thầy cô và kết nối với doanh nghiệp để đưa được kết quả nghiên cứu đúng và trúng hơn tới cuộc sống.
Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ kỳ vọng, các sinh viên có khát vọng để làm việc, khát vọng để học tập, khát vọng để nghiên cứu và khát vọng làm ra sản phẩm.
"Chúng tôi nghĩ rằng sáng tạo không phải là một điều gì đó xa vời. Sáng tạo nằm ở ngay trong mỗi con người chúng ta. Cái đích của sáng tạo, sản phẩm của sáng tạo thể hiện qua việc làm thế nào chúng ta mang được những kiến thức, kết quả học tập của mình để làm ra một ứng dụng - là sản phẩm hoặc ý tưởng nào đó có thể ứng dụng ngay trong thực tế cuộc sống. Cái đích của sáng tạo nằm ngay cạnh chúng ta, nằm trong cuộc sống xung quanh chúng ta”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các em sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ năng động hơn, kết nối tốt hơn, làm việc xuất sắc hơn và coi sự sáng tạo không phải là điều xa vời của ai đó mà là của chính mình.
“Chỉ cần một chút ý tưởng, một thời điểm lóe sáng để chúng ta theo đuổi và làm ra được những sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống. Sự sáng tạo hết sức dung dị, bình dị. Sự sáng tạo sẽ đến từ nhu cầu của chúng ta, mong mỏi làm việc và cống hiến. Thầy tin rằng chính sức lao động, chính sự kết nối sẽ mang lại cho các em tất cả thành tựu của cuộc sống sau này”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhắn nhủ tới sinh viên.
Tỷ lệ công bố khoa học có người học tham gia trong năm học 2023-2024 đạt 33%
Tại chương trình, PGS.TS Mạc Thị Thoa, Phó Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã báo cáo tổng kết hoạt động Sinh viên Nghiên cứu Khoa học, Olympic và Sáng tạo khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo PGS.TS Mạc Thị Thoa, các điểm mới trong Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 gồm: Phát triển các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, mang tính chất liên ngành theo định hướng đến 2030 của Đại học Bách khoa Hà Nội; Lấy người học làm trung tâm, thúc đẩy đam mê trong học tập nghiên cứu khoa học, giàu khát vọng trong khởi nghiệp, lập nghiệp.
Phát huy tố chất của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội: trách nhiệm - sáng tạo - chính trực - xuất sắc; Tăng cường số hóa, quốc tế hóa; Đẩy mạnh mạng lưới cựu sinh viên và doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước.
Các lĩnh vực nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay chuyển sang 6 lĩnh vực trọng tâm: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học và công nghệ sức khỏe; Khoa học tự nhiên và định hướng ứng dụng; Khoa học xã hội và kinh tế.
Được sự khuyến khích của thầy cô và nhà trường, số lượng thuyết trình năm nay đã tăng lên 306/438 đề tài. Số lượng sinh viên tham gia trải dài từ năm thứ nhất tới năm cuối, tập trung vào năm thứ ba và thứ tư.
Công bố khoa học có người học tham gia ngày càng nâng cao chất lượng, tập trung vào các tạp chí thuộc ISI, Scopus, tạp chí thuộc các Hội nghị quốc tế. Tỷ lệ công bố khoa học có người học tham gia trong năm học 2023-2024 đạt 33%. Trước đó, năm học 2022-2023, con số này là 23%.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 24 đề tài được đề xuất dự thi cấp Bộ - là đề tài đạt giải Nhất của các Hội đồng. Các thầy cô đã thống nhất gửi đi 22 đề tài để dự thi.
Về kết quả thi Olympic, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt giải cao trong các hạng mục Olympic Toán học, Vật lý, Cơ học, Tin học và Sinh học. Trong đó, có 12 giải đồng đội (3 giải nhất, 1 giải nhì, 8 giải ba), 73 giải cá nhân (16 giải nhất).
Sinh viên Bách khoa Hà Nội nghiên cứu sáng tạo gắn liền thực tiễn cuộc sống
Các nghiên cứu sáng tạo của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) hướng đến giải quyết các bài toán thực tế của đời sống.
Nhiều kết quả nghiên cứu có sự gắn kết với nhu cầu thực tiễn của xã hội như: nghiên cứu “Phát hiện và phân vùng u buồng trứng từ ảnh siêu âm” của sinh viên Trường Điện - Điện tử, nghiên cứu “Thiết kế mô hình giám sát trang phục bảo hộ ứng dụng học máy và thị giác máy tính trong sản xuất thực phẩm” của sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống, nghiên cứu “Thử nghiệm thị giác máy tính trên phương tiện tự hành dưới điều kiện giao thông đô thị” của sinh viên Trường Cơ khí.
Có nghiên cứu có thể ứng dụng tại doanh nghiệp như đề tài “Giải thuật bồi dưỡng cá thể kết hợp học sâu đa tối ưu trên khung thuật toán tối ưu đàn kiến giải bài toán lập lịch giao hàng cho xe với ràng buộc về khung thời gian” của sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Nhiều nghiên cứu đã giải quyết các bài toán đang rất nóng về bảo vệ môi trường theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn như “Ứng dụng hệ thống điện mặt trời áp mái trong mô hình nuôi tôm mini combine và mô hình Ký túc xá đại học” của sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý, nghiên cứu vật liệu mới giải quyết bài toán năng lượng “Vật liệu tổng hợp FeS/C làm vật liệu điện cực cho siêu tụ điện” của sinh viên Trường Vật liệu.
Có đề tài nghiên cứu gắn với từ khóa rất “hot” hiện nay là công nghệ bán dẫn. Đây là nghiên cứu của sinh viên Khoa Vật lý kỹ thuật mang tên “Nghiên cứu chế tạo hệ quang khắc đến kích thước micromét phục vụ đào tạo công nghệ bán dẫn”.
Được biết, quang khắc hay photolithography là kỹ thuật sử dụng trong công nghệ bán dẫn và công nghệ vật liệu nhằm tạo ra các chi tiết của vật liệu và linh kiện với hình dạng và kích thước xác định bằng cách sử dụng bức xạ ánh sáng làm biến đổi các chất cảm quang phủ trên bề mặt để tạo ra hình ảnh cần tạo.
Trong đề tài này, nhóm sinh viên đã nghiên cứu xây dựng hệ quang khắc cho phép khắc linh kiện kích cỡ micromét sử dụng ánh sáng UV 365 nm, các quy trình quang khắc cũng được thiết lập phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi điện tử.
Bộ thí nghiệm giúp người học phần nào nắm được quá trình quang khắc từ việc xử lý bề mặt đế, tạo lớp cảm quang, thiết lập thông số quang khắc, hiện ảnh là các bước căn bản của một quá trình quang khắc điển hình. Đề tài nghiên cứu này đã giành giải Nhất hạng mục Khoa học tự nhiên, Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học lần thứ 41.
Tại lễ tổng kết, các sản phẩm chất lượng đã được chọn để tham dự triển lãm tại Hội trường C2, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các sản phẩm cho thấy sự phong phú, đa dạng của đề tài, như App Shinemetrics - phần mềm đánh giá kinh tế - tài chính và môi trường của dự án điện mặt trời; mô hình kiểm tra, giám sát trang phục bảo hộ lao động; Pho-mát có bổ sung hạt điều đến nghiên cứu vật liệu mới với thành phẩm thanh hợp kim nhôm hình; nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống điều khiển tưới tiêu thông minh ứng dụng trong nông - lâm nghiệp; nghiên cứu hệ thống treo bán khí nén trên xe minibus…
Cũng tại buổi lễ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát động cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2024. Cuộc thi mang thương hiệu Bách khoa Hà Nội, đã đi qua 6 mùa thi với nhiều cung bậc của sáng tạo.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ nhằm tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của người học tại các trường đại học; hướng tới thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Đồng thời, tạo diễn đàn chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là tính khả thi kinh doanh.
“Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý tưởng của các sinh viên và tin tưởng sẽ có những sản phẩm xuất sắc và sẽ có những doanh nghiệp khởi nghiệp từ sản phẩm này trong Sáng tạo trẻ 2024”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu phát động cuộc thi.