Tâm hồn "thương tích" của nạn nhân bị bạo lực học đường
Chia sẻ về những tổn thương mà nạn nhân của bạo lực học đường phải đối diện, chuyên gia Tâm lý học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, những nạn nhân sẽ trải qua rất nhiều tổn thương về mặt thể chất. Bên cạnh đó, vấn đề khó nhận diện hơn là những tổn thương về mặt sức khỏe tâm thần.
Nạn nhân của bắt nạt có điểm chung là luôn ở trong tâm trạng rất lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, thấy bị cô lập, không được yêu thương. Khi tới trường nạn nhân tiếp tục bị những kẻ bắt nạt tìm đủ mọi cách "khủng bố" tinh thần nên không dám tiết lộ các vụ việc với người xung quanh. Do đó, nạn nhân thường có xu hướng rơi vào trầm cảm và sợ hãi tới mức thu mình lại.
Trong một số tình huống, khi sự việc bị tiết lộ ra nhưng người xung quanh không có những hành vi hỗ trợ tâm lý và trợ giúp để dừng việc bắt nạt lại một cách phù hợp, sẽ dễ làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Ở trong trạng thái tuyệt vọng đó, nạn nhân có thể nảy sinh ý tưởng tự hại bản thân, thậm chí là tự sát.
Về hoạt động chức năng, tất cả học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường hay của bắt nạt, hoạt động chức năng của các em đều bị đi xuống như: các em không có khả năng tập trung học tập, không có khả năng phát huy tư duy sáng tạo. Các em cũng có thể phản ứng một cách thiếu thân thiện, dễ cáu gắt với bất cứ hướng dẫn hoặc yêu cầu nào đó trong lớp,…
Hãy tiếp tục cố gắng để có những ứng xử đúng đắn, chia sẻ với những người có trách nhiệm, những người có thể giúp đỡ các em. Hãy bảo vệ bản thân mình thật an toàn vì tương lai vẫn còn chờ các em ở phía trước.
Giúp trẻ vượt qua ám ảnh sau bạo lực
Bạo lực học đường có thể để lại nhiều hậu quả tâm lý cho nạn nhân và chính thủ phạm. Hạn chế các hậu quả sau tình huống bạo lực là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, khi trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, người lớn cần theo dõi những biểu hiện của trẻ để có những hỗ trợ kịp thời.
Đối với những trường hợp để lại hậu quả ít nghiêm trọng, nạn nhân không đến mức rối loạn tâm lý, có thể để lại những hậu quả về cảm xúc như cảm giác bất an, lo lắng, stress... Lúc này, vai trò của bố mẹ và người thân là rất quan trọng để ổn định tâm lý cho con.
Theo TS. Hoàng Trung Học, tuỳ theo loại chấn thương tâm lý mới có thể dự đoán được nạn nhân cần bao lâu để phục hồi. Thông thường những trường hợp bị sang chấn mạnh về tâm lý sau những sự kiện lớn, nạn nhân cần khoảng 1 tháng để trở lại bình thường. Sau 1 tháng, những dấu hiệu bất thường, hoảng loạn tâm lý nếu vẫn còn kéo dài, có thể là dấu hiệu của Hội chứng căng thẳng tâm lý sau sang chấn hoặc các bất thường tâm lý khác.
Lúc này, sự giúp đỡ của bố mẹ khó có hiệu quả, gia đình cần đưa con đến gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có những đánh giá chính xác. Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra những lộ trình phục hồi phù hợp nhất cho con.
TS. Hoàng Trung Học khuyến nghị, người thân hãy tạo không gian bình an cho trẻ, giúp các em hạn chế tối đa những hậu quả phát sinh, tạo điều kiện để các em được chữa lành về thể chất, tinh thần.
Những lúc này, trẻ sẽ cần ở bên người mà các em tin tưởng nhất, an tâm nhất, bình yên nhất. Thông thường là những người thân trong chính gia đình của mình.
Ở những thời điểm khủng hoảng, bố mẹ cần dành thời gian bên con, sẵn sàng giúp đỡ con về mặt tinh thần, giúp con không có cảm giác cô độc, từ đó vượt qua được nỗi đau tinh thần.
Bên cạnh đó, gia đình tránh để trẻ tiếp xúc với những kết nối không cần thiết, đặc biệt là thế giới mạng xã hội với nhiều thông tin trái chiều, bởi những thông tin này sẽ làm phức tạp hơn vấn đề của con.
Theo TS. Hoàng Trung Học, rất hiếm trường hợp trẻ có thể tự mình vượt qua những sang chấn về tâm lý. Để trẻ tự chữa lành cần có thời gian và theo thực hành theo nhiều kỹ thuật khác nhau thoe hướng dẫn của chuyên gia tâm lý.
Sau khi đã vượt qua được những vấn đề về tâm lý, trẻ sẽ có thêm kinh nghiệm, sức khoẻ tinh thần tốt hơn và dần hình thành năng lực tự giải quyết vấn đề tương tự.
Chuyên gia Hoàng Trung Học cũng chỉ ra rằng, hiện nay có một số học sinh sợ chia sẻ những vấn đề của mình với người thân, thầy cô. Bởi khi các em đồng ý chia sẻ tức là người đó đã đủ làm các em tin tưởng.
Tuy nhiên, khi chia sẻ thông tin, các em không những không nhận được sự giúp đỡ mà còn bị mắng thêm, bị đánh giá. Từ đó các em dần mất lòng tin vào người lớn, mang tâm lý người lớn không hiểu mình và dần dần xây một rào cản vô hình với bố mẹ, người thân. Đây cũng là một tác nhân thúc đẩy những hành vi bạo lực, hình thành vòng tròn bạo lực trong học đường.
Vậy nên, cha mẹ người thân cần trở thành người mà con cái tin tưởng để nắm bắt tâm lý, phòng ngừa từ sớm những vấn đề bạo lực ảnh hưởng tới con.
Về phía nhà trường, TS. Hoàng Trung Học khẳng định cần duy trì sự cân bằng giữa yêu thương và tính kỷ luật. Cần xử lý nghiêm người vi phạm để đảm bảo tính răn đe, nhưng cũng không biến thủ phạm thành “tội phạm” hay “mục tiêu công kích” của toàn trường hay xã hội.
Rất nhiều học sinh gây bạo lực nhưng không chỉ có vấn đề về hành vi lệch chuẩn, mà còn là vấn đề về tâm lý. Có thể chính những học sinh đi bạo lực bạn, trước đây cũng là nạn nhân của bạo lực học đường. Vậy nên, ngoài chuyện kỷ luật đơn thuần, thì chúng ta cần có sự hỗ trợ, can thiệp về tâm lý cho các cháu thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Đây cũng lúc phòng tham vấn tâm lý của nhà trường cần phát huy vai trò của mình. Phòng tham vấn học đường có ý nghĩa quan trọng trong việc vừa đảm sức khỏe tâm lý cho nạn nhân bị bạo lực, vừa giúp cho các em gây ra bạo lực giải quyết được những vấn đề về tâm lý. Đây chính là gốc rẽ của vấn đề bạo lực học đường.
Ngày 25.10, trên mạng xã hội xuất hiện video một nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội. Trong video, nam học sinh dáng người gầy, nhỏ, bị 5 nam sinh khác lần lượt đấm, đá túi bụi vào đầu và bụng. Nạn nhân bị đánh không chống trả, chỉ khóc và ôm đầu.
Được biết nạn nhân tên là V.V.T.K, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất.
Ngày 27.10, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc, nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm (nếu có vi phạm).
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến tháng 9.2023, em V.V.T.K, học lớp 7C Trường THCS Đại Đồng bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần.
Do sợ nên em K không báo với các thầy, cô giáo và bố mẹ. Đến ngày 16.9.2023, gia đình và nhà trường mới biết sự việc.
Nhà trường đã xác định có 6 học sinh tham gia đánh em K. Gia đình đã đưa K đến Bệnh viện Nhi trung ương điều trị. Kết quả khám, chẩn đoán em K bị rối loạn phân ly.
Nhà trường đã có hình thức xử lý kỷ luật, đình chỉ học 4 ngày thừ 20-24.10 đối với các học sinh đánh bạn, theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Công an huyện Thạch Thất đã chỉ đạo công an xã Đại Đồng, các đội nghiệp vụ đưa các học sinh vi phạm vào danh sách quản lý của mô hình dân cư không có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
UBND huyện đã kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường THCS Đại Đồng và lãnh đạo UBND xã Đại Đồng trong công tác quản lý khi để sự việc xảy ra mà không giải quyết dứt điểm.