Đợt thi sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10.3 đến hết ngày 12.3 tại 5 địa điểm thi, gồm Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Thăng Long.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 3.872 thí sinh. Theo ghi nhận của Hội đồng thi, tỷ lệ dự thi của thí sinh trong buổi sáng ngày 10.3 là 97,9%.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đợt thi thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 25-26.3 tại 8 địa điểm thi ở Hà Nội và Hải Phòng.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng thí sinh dự thi Đánh giá năng lực các đợt thi tháng 3-4 năm 2023 là 44.474 em. Các đợt thi trong tháng 5-6 sẽ tiếp nhận đăng ký dự thi từ 9h ngày 18.3, phục vụ khoảng 50.000 lượt thi.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm nay, dạng thức và cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực không có bất kỳ thay đổi gì so với năm trước. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có những điều chỉnh về hành chính như giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.
Căn cứ quy mô của kỳ thi, Đại học Quốc gia Hà Nội giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày.
GS Thảo cho biết, việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi Đánh giá năng lực.
Quy chế thi Đánh giá năng lực quy định thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo cho các bên liên quan biết mức độ vi phạm của thí sinh.
Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực gồm 3 phần thi:
Phần 1: Tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi - 75 phút).
Phần 2: Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ, 50 câu hỏi - 60 phút)
Phần 3 - Khoa học (Tự nhiên - Xã hội, 50 câu hỏi - 60 phút).
Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi, trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học.
Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1 - 4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2 - 4 phút.
Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ như sau: Phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.
Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.