Đổi mới sáng tạo thế nào khi đầu tư nghiên cứu khoa học chưa đến 10 triệu đồng/người?

- Thứ Hai, 13/11/2023, 16:20 - Chia sẻ

Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu chiến lược đầu ra của một cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) bên cạnh trụ cột đào tạo và doanh nghiệp/dịch vụ. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau mà trụ cột nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được đặt đúng vị trí do khó khăn về nguồn đầu tư và do rào cản nhận thức.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giáo dục đại học (GDĐH) chính là nơi phát triển và nuôi dưỡng tri thức, đáp ứng yêu cầu tối thiểu của một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao. Chỉ còn khoảng vài năm nữa sẽ đến mốc 2030, hệ thống giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng cần có sự quan tâm đặc biệt, trong đó các thể chế thống nhất đảm bảo gắn kết GDĐH với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là động lực.

Trong bài viết: “Gắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, nhóm nhà khoa học gồm GS.TS Lê Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Quang Địch, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng PGS.TS Hoàng Sĩ Hồng – Đại học Bách khoa Hà Nội đã có phân tích và đưa ra một số nhận định về điểm nghẽn và đề xuất giải pháp về chính sách, cơ chế và mô hình trong thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDĐH thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, mang lại giá trị thực chất cho đất nước, trong bối cảnh tự chủ đại học, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Trong thời đại số khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới được thu hẹp đáng kể, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao. Đây là nền tảng dẫn tới sự bùng nổ về khởi nghiệp, khởi nguồn. Khoa học công nghệ (KHCN) do đó gắn kết chặt chẽ với đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên đối với nhiều cơ sở GDĐH việc cân đối giữa đào tạo, nghiên cứu và trách nhiệm xã hội vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Đổi mới sáng tạo thế nào khi đầu tư nghiên cứu khoa học chưa đến 10 triệu đồng/người? -0
Nhà nước phấn đấu đảm bảo mức chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm (Ảnh: minh hoạ)

Mức chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có đủ 2% ngân sách nhà nước?

Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 khẳng định Nhà nước phấn đấu đảm bảo mức chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.

Theo nhóm nghiên cứu – ĐH Bách khoa Hà Nội, chi Ngân sách nhà nước (NSNN) cho KHCN có xu hướng tăng trong gần 20 năm qua và nếu tính cả chi NSNN cho KHCN trong quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chi từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế, thì chi NSNN cho phát triển KHCN cũng đã được đảm bảo ở mức 2%/tổng chi NSNN, con số này tương đương với khoảng 0,5% GDP.

Năm 2020, tổng dự toán chi sự nghiệp KHCN đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, tổng dự toán chi NSNN sự nghiệp KHCN đã được Quốc hội thông qua là 59.529 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, và giảm nhẹ 8,4% so với giai đoạn 2011 – 2015.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, năm 2019, tổng chi ngân sách cho KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam chiếm 0,53% GDP, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (1,89%, năm 2019), Thái Lan (1,14%, năm 2019), Malaysia (1,04%, năm 2018).

Con số này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chi ngân sách cho KHCN nếu so sánh về quy mô GDP trong khu vực ASEAN (năm 2021 quy mô GDP của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN), mặc dù còn ở mức khá thấp so với trung bình của thế giới (2,63%, năm 2020).

Tuy nhiên, nếu trừ các khoản chi cho an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đặc biệt, chi cho KHCN ở các địa phương, NSNN chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam ở Trung ương chỉ còn khoảng 1% tổng NSNN. Ngân sách này dùng để chi thường xuyên và chi cho các quỹ, các nhiệm vụ.

Cụ thể, năm 2021, chi cho KHCN của Việt Nam là 7.732 tỷ đồng, tính trên tổng chi ngân sách Trung ương của năm là 827.550 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,934%. Năm 2022, chi cho KHCN dự tính là 9.140 tỷ đồng, tính trên tổng chi của ngân sách Trung ương là 841.310 tỷ đồng, chiếm 1,086%. Trong khi đó cả nước có khoảng 2.000 tổ chức KHCN ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức công lập, bao gồm 261 trường đại học, 141.000 nhà khoa học.

Hơn nữa chính sách phân bổ ngân sách KHCN dàn trải, vẫn mang tính cào bằng, xin cho, chưa vận hành tốt theo cơ chế đặt hàng, con số đầu tư cho hoạt động KHCN tính trung bình trên đầu cán bộ còn thấp và chưa tương xứng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, năm 2020, tổng chi cho con người liên quan đến KHCN của ĐHQG TPHCM là 142 tỷ đồng, năm 2021 là 88 tỷ và năm 2022 là 104 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đó dành cho khoảng 1.100 tiến sĩ, hơn 300 giáo sư và phó giáo sư. Định mức bình quân để đầu tư nghiên cứu chưa đến 10 triệu đồng/người.

Tương tự, mức đầu tư từ các nguồn khác nhau cho các nhiệm vụ KHCN tính trên đầu cán bộ giảng dạy/năm của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020, 2021 cũng đạt khoảng 10 triệu đồng/người, chưa bao gồm kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị nghiên cứu. Đây là một số ví dụ điển hình về đầu tư chưa tương xứng cho KHCN và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở GDĐH.

Chưa có cơ chế khuyến khích, tạo lợi ích để doanh nghiệp hợp tác với đại học

Theo nhóm nghiên cứu – ĐH Bách khoa Hà Nội, Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN quy định doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KHCN nhưng trên thực tế các doanh nghiệp không dễ để giải ngân khoản kinh phí này dù sẵn có hợp tác khá tốt với các cơ sở GDĐH, viện nghiên cứu, do quy định giải ngân kinh phí phải theo quy trình giải ngân đối với ngân sách nhà nước.

Cũng theo Nghị định 95, doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Nguồn kinh phí từ khu vực tư nhân này rất dồi dào nhưng chưa có cơ chế để khuyến khích, tạo lợi ích hai chiều để doanh nghiệp triển khai hợp tác với các cơ sở GDĐH, viện nghiên cứu, trong khi doanh nghiệp một mặt không có đủ nguồn nhân lực để triển khai hoạt động nghiên cứu sáng tạo hoặc nghiên cứu sáng tạo chưa phải là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong các cơ sở GDĐH nêu bật nhiều điểm đột phá trong đầu tư và khuyến khích các hoạt động KHCN trong cơ sở GDĐH, trong đó quy định hằng năm dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở GDĐH để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN, dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí để sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế rất nhiều cơ sở GDĐH do nguồn thu hạn chế nên dù nỗ lực thực hiện theo đúng quy định nhưng tổng chi cho KHCN vẫn rất khiêm tốn.

Đổi mới sáng tạo thế nào khi đầu tư nghiên cứu khoa học chưa đến 10 triệu đồng/người? -0
Hoạt động Khoa học công nghệ quy định doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Số lượng công bố quốc tế từ nội lực còn khiêm tốn

Theo nhóm nghiên cứu, số lượng bài báo được công bố ở tạp chí uy tín quốc tế tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhưng công bố xuất phát từ nội lực còn khá khiêm tốn.

Theo cơ sở dữ liệu scopus năm 2022, số công bố quốc tế của Việt Nam các năm 2018 đến 2021 lần lượt là 8.885, 12.614, 18.120, 18.477, đều đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN mặc dù có sự tăng trưởng khá đột biến vào năm 2018 (tăng 31,8% so với 2017), 2019 (tăng 41,9% so với 2018) và 2020 (tăng 43,6% so với 2019), từ năm 2020 số lượng bài báo quốc tế có xu hướng ổn định (2,0% so với 2020).

Trong số 4 nước ASEAN xếp trên Việt Nam về số lượng công bố, Malaysia, Singapore và Thái Lan có sự tăng trưởng về số lượng bài báo quốc tế một cách khá đồng đều và ổn định (mức tăng trung bình từ 2018 đến 2021 lần lượt là 6,8%, 4,4% và 9,7%), thể hiện sự phát triển bền vững và đúng giá trị của nền khoa học công nghệ.

Số lượng bằng độc quyền sáng chế do người Việt Nam đăng ký được cấp trong các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 169, 139 và 153, chỉ chiếm tỷ lệ 6,45%, 3,22% và 4,14% so với tổng số bằng độc quyền sáng chế được cấp ở Việt Nam. Điều này phần nào thể hiện giá trị của các sáng chế mang lại cho thực tiễn xã hội khó đạt được như kỳ vọng. Khoảng cách giữa nghiên cứu bằng chính nội lực Việt Nam đến tiềm năng giá trị đóng góp cho xã hội vẫn còn khá xa.

Nhóm nghiên cứu cho biết, đến nay, chưa có nhiều nhà khoa học thuộc hệ thống các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đạt giải thưởng cao ở quốc tế và chưa có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh của hệ thống các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế.

“Nguồn thu từ hoạt động KHCN còn rất thấp so với tổng nguồn thu của một cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH chỉ mới quan tâm đến số lượng đề tài chứ chưa thể sống bằng sản phẩm của đề tài; một số cơ sở GDĐH thiếu quy hoạch các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên để đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chuyên sâu; hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN còn rất hạn chế. Nhiều cơ sở GDĐH chưa nhận thức đúng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển của trường và là nền tảng cho nguồn thu bền vững của trường” – nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Nhiều rào cản về hành lang pháp lý

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, việc quản lý nguồn kinh phí hoạt động KHCN của doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP phải theo nguyên tắc như quản lý NSNN trong khi doanh nghiệp không có kinh nghiệm và nguồn lực để xây dựng, tuyển chọn, thực hiện giải ngân, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN nên gặp không ít khó khăn để sử dụng nguồn vốn này.

Doanh nghiệp mong muốn được sử dụng nguồn vốn KHCN theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Thông tư 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/05/2022 về hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp đã phần nào đáp ứng được mong muốn này của doanh nghiệp.

Tuy nhiên hình thức này lại vướng về việc định giá sản phẩm KHCN. Không định giá được sản phẩm KHCN doanh nghiệp không dám khoán chi. Hơn nữa trong Thông tư 05 vẫn yêu cầu các doanh nghiệp chi kinh phí từ quỹ KHCN của đơn vị theo quy định dự toán chi tương tự như chi từ NSNN quy định tại Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC của liên Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Tài chính.

Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/06/2016 về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN đã tạo ra cú hích cho KHCN khi quy định miễn giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng cho các tổ chức này. Tuy nhiên Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị công lập thay thế cho Nghị định 54, đưa chung các tổ chức KHCN, y tế, giáo dục, dân số vào cùng một nhóm đơn vị sự nghiệp công lập nên ưu đãi về thuế không còn hiệu lực.

Nhà nước đang thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các cán bộ giảng dạy trên cơ sở kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (Luật 52/2019) lại quy định giảng viên - viên chức không được tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, cũng đã tạo một rào cản lớn cho hoạt động này.

Theo thông lệ, sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của nhóm nghiên cứu để ra được thị trường cần một giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và ươm tạo, giai đoạn này nếu bị tách ra khỏi nhóm nghiên cứu thì cơ hội hoàn thiện sản phẩm sẽ không cao. Khi gắn với nhóm nghiên cứu hay gắn với nhà khoa học thì các quy định hạn chế giảng viên tham gia doanh nghiệp nói chung và tham gia doanh nghiệp sáng tạo nói riêng cần được điều chỉnh.

“Tháo gỡ được điều này đồng thời cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học thâm nhập, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ chế thúc đẩy hợp tác và đầu tư từ doanh nghiệp và từ xã hội vào các cơ sở GDĐH rất khó triển khai do những hạn chế trong Luật Quản lý và sử dụng tài sản công” – nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

Để hình thành thị trường KHCN, theo nhóm nghiên cứu cần thúc đẩy chuyển giao kết quả nhiệm vụ KHCN ra bên ngoài. Tuy nhiên đối với các cơ sở GDĐH đang vướng quy định coi các tài sản này như tài sản công theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quy định quản lý tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn Nhà nước. Khi cơ chế định giá sản phẩm KHCN chưa hoàn thiện thì sản phẩm rất khó để chuyển giao, chào bán cho bên ngoài.

Đổi mới sáng tạo thế nào khi đầu tư nghiên cứu khoa học chưa đến 10 triệu đồng/người? -0
Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu chiến lược đầu ra của một cơ sở Giáo dục đại học (Ảnh: trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Cần thay đổi quan điểm thiếu niềm tin vào nhà khoa học

Nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để phát triển được cần có môi trường học tập, nghiên cứu, tương tác một cách năng động, sáng tạo và sự quan tâm, chăm sóc thông qua các cơ chế công bằng và thông thoáng.

Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu chiến lược đầu ra của một cơ sở GDĐH bên cạnh trụ cột đào tạo và doanh nghiệp/dịch vụ, tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau mà trụ cột nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được đặt đúng vị trí do khó khăn về nguồn đầu tư và do rào cản nhận thức.

Chức năng nghiên cứu cần được coi là một trong những chức năng chính của một giảng viên, bên cạnh chức năng đào tạo. Có như vậy, cơ sở GDĐH mới có cơ sở đặt chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) cho mỗi giảng viên và yêu cầu KPI tối thiểu mỗi giảng viên cần đạt.

Trong tiếp cận vĩ mô, KHCN và đổi mới sáng tạo chưa hoàn toàn được định hướng theo hướng gắn kết với đào tạo đại học nên đầu tư cho KHCN từ nguồn ngân sách nhà nước chưa thực sự tập trung cho phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người. Đây cũng là lý do mà nhiều cơ sở GDĐH chưa coi trọng hoặc chưa có đủ điều kiện để coi trọng hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

“Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu, định hướng rất tham vọng nhưng để thực hiện được cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế triển khai như đã trao đổi ở trên, đồng thời cần thay đổi quan điểm thiếu niềm tin vào nhà khoa học và cơ quan chủ trì thông qua các quy trình giải ngân kinh phí thông thoáng, ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng chuẩn mực liêm chính nghiên cứu và chấp nhận rủi ro” – nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Xác định rõ mục tiêu để gỡ bỏ các nút thắt về cơ chế

Nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, trước tiên cần xác định rõ nguồn NSNN cần được đầu tư chủ yếu cho phát triển nguồn lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Tức là cần tập trung NSNN cho đầu tư phát triển con người, bao gồm đầu tư phát triển đội ngũ người làm khoa học và đầu tư phát triển đội ngũ quản lý khoa học, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu tiềm năng, ươm tạo công nghệ; đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, các lĩnh vực mũi nhọn và các ngành nghề thế mạnh; đầu tư xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Sửa đổi, bổ sung các luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thống nhất các điểm còn chồng chéo để thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo cũng như sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư và văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động, quản lý KHCN và đổi mới sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi và đặt niềm tin tối đa vào các nhà khoa học chân chính, các đơn vị chủ trì uy tín thông qua một hệ thống liêm chính khoa học được xây dựng và giám sát chặt chẽ, công khai; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy đầu tư theo hình thức hợp tác công tư giữa trường đại học với các doanh nghiệp, cơ chế dự nhiệm cho phép giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia hoạt động có thời hạn tại doanh nghiệp và do doanh nghiệp trả lương, nhằm xây dựng các hoạt động mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, bao gồm xây dựng dữ liệu về nguồn lực và sản phẩm KHCN, minh bạch hóa quá trình quản lý nhiệm vụ KHCN, hình thành thị trường số về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, cần có một nghị định riêng về hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong cơ sở GDĐH cần được xây dựng và ban hành. Trong đó nêu rõ được quyền hạn, trách nhiệm và vị trí pháp lý của các tổ chức KHCN, của nhà khoa học; xây dựng quỹ phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo khuyến khích nguồn đầu tư ngoài ngân sách; những ưu đãi về thuế, đầu tư cơ sở vật chất; cơ chế chủ động trong đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ nguồn quỹ phát triển KHCN… Nghị định này sẽ tạo hanh lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động KHCN trong các trường đại học.

Chính sách thu hút và phát triển nhân tài cần triển khai từ bình diện quốc gia đến địa phương và cần đặc biệt chú trọng tại các cơ sở GDĐH, viện nghiên cứu. Để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài nhất thiết phải thử nghiệm các chính sách đột phá về cơ chế thu nhập, về môi trường nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nuôi dưỡng để các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tiềm năng đạt đến trạng thái “tới ngưỡng” để giá trị công bố và giá trị thực tiễn của sản phẩm nghiên cứu là cao nhất thay vì giá trị trung gian.

Nhật Hồng (ghi)
#