Chiều 1.7, Sở GD-ĐT Hà Hội công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Bên cạnh niềm vui vỡ oà của nhiều thí sinh vì đã đạt được mục tiêu mong muốn, cũng có không ít thí sinh, gia đình rơi vào thất vọng vì không thể trúng tuyển các trường công lập.
Trên các diễn đàn, một số học sinh tâm sự đã không thể ăn, không thể ngủ kể từ khi biết bản thân thi trượt. Các em cho rằng mình là người thất bại, vô định khi nghĩ đến tương lai, sợ hãi và buồn bã khi thấy cha mẹ, ông bà thở dài,… Các chuyên gia giáo dục cho rằng, thời điểm này, sự đồng hành của cha mẹ bên cạnh các em là vô cùng quan trọng.
“Trường công lập không phải là đích đến duy nhất”
Báo Đại biểu Nhân dân chia sẻ lại những lời tâm sự của anh Vũ Lương - một phụ huynh học sinh tại Hà Nội từng đồng hành cùng con gái học lớp chuyên Anh vượt qua giai đoạn áp lực, căng thẳng khi “thi trượt lớp 10 công lập”. Sau đó, dù học trường tư thục, cô bé vẫn trưởng thành rất tốt, hiện theo học một trường đại học được đánh giá thuộc top đầu Việt Nam.
Anh Lương nhắn nhủ tới các phụ huynh, trường công lập không phải là đích đến duy nhất dành cho các con.
“Con tôi từng trượt công lập lớp 10.
Năm lớp 9, cháu đã thi trượt lớp 10 công lập. Một học sinh lớp chuyên Anh của trường THCS Giảng Võ thành phố Hà Nội không đỗ lớp 10 công lập.
Năm đó, cũng là năm học sinh chuyển cấp của thành phố Hà Nội tăng đột biến, áp lực của việc có chỗ học cả ở trường tư lẫn trường công đều đè nặng lên tâm lý của cả học sinh và phụ huynh. Bởi vậy, khi biết kết quả, nhìn con thất thần bố mẹ đều thấu hiểu con đang phải chịu những áp lực to lớn ở tuổi mới lớn. Lúc đó, chúng tôi chỉ lo con phải đối mặt với áp lực thi trượt.
Không đỗ công lập, thì có hai con đường, một là học nghề, hai là học tư thục.
Trong thời gian áp lực chạy đua tìm trường cho con, chưa khi nào hai vợ chồng cho rằng con gái không đủ năng lực để học tập. Đây chính là nền tảng quan trọng để cháu có động lực để vươn lên trong những năm học THPT. Sau khi hỏi ý kiến con gái, chúng tôi chọn đăng ký cho cháu học một trường tư thục cách nhà hơn 10km.
Hết học kỳ I, vừa có sự động viên của gia đình, vừa có môi trường học tập phù hợp, cháu đã dần lấy lại phong độ. Từ một đứa trẻ học trường top của Hà Nội mặc cảm không đỗ trường công, cháu đã vươn lên.
Trong quá trình nuôi dạy cả 2 đứa con, chúng tôi đều không khuyến khích hoặc ép con mình đi học thêm các môn, ngoại trừ tiếng Anh và năng khiếu - 2 môn các bạn tự nguyện, dù nắng hay mưa, thậm chí bão cũng không bỏ buổi nào. Việc các con tôi không đi học thêm khiến vợ chồng tôi “nổi tiếng” với các thầy cô nơi các con tôi theo học từ lớp 1 đến lớp 9. Chúng tôi từng bị bạn bè nói sẽ phải hối hận vì không cho con đi học thêm!
Tinh thần “không học thêm” của chúng tôi rất phù hợp với môi trường học tập tư thục. Vì vậy, mọi kiến thức bù đắp vào chỗ bị hổng, cháu phải tự “cày” trong thời gian học ở trường.
Tôi nhớ, trước một buổi họp phụ huynh, trong nhóm phụ huynh của lớp, có rất nhiều ý kiến đòi đổi thầy giáo dạy Toán. Tôi hỏi con gái: “Nhiều bạn muốn đổi thầy giáo dạy Toán, ý kiến của con thế nào?”. Con bảo: "Nếu thầy dạy không tốt, làm sao con có thể từ một đứa hổng kiến thức Toán lại có được kết quả như học kỳ này hả bố!”.
Buổi họp phụ huynh năm đó, khi phát biểu trước đề xuất đòi đổi giáo viên Toán, tôi đã kể chuyện lại chuyện con gái mình có kết quả thế nào khi thi chuyển cấp, và lời khẳng định của con về chất lượng kiến thức cháu nhận được từ thầy giáo. Sau buổi họp đó, thầy giáo dạy Toán vẫn theo các con đến hết lớp 12 và tất cả con trong lớp D2 của trường tư thục Đoàn Thị Điểm năm đó đều đỗ vào các trường đại học mà các con đăng ký khối D1 (Văn – Toán – Ngoại ngữ), nhiều con sau đó đã đi du học.
Con gái tôi cũng đạt điểm số khá cao. Cũng từ buổi họp phụ huynh năm đó, chúng tôi không phải quan tâm đến việc con học thế nào. Mọi việc cháu tự xoay sở.
Từ sự biến chuyển của con mình, chúng tôi muốn chia sẻ với các phụ huynh, trường công lập không phải là cái đích duy nhất. Sĩ diện của bố mẹ cũng không phải là việc con mình có được học trường công hay không. Mà quan trọng là hãy trao cho con niềm tin, sự khích lệ, những năng lượng tích cực mình trao cho con sẽ luôn là niềm vui đối với chính bản thân mình.
Ai cũng muốn con cái mình trưởng thành, đạt được những thành tích, nhưng trước hết, mình phải có tâm an thì bọn trẻ mới có chỗ để bấu víu mà trèo tiếp lên những đỉnh cao thử thách của cuộc đời.
Năm nay, con gái nhà tôi đã học xong năm thứ 2 một trường đại học được đánh giá thuộc top đầu của hệ thống giáo dục Việt Nam với ngành học mà cháu mơ ước, lựa chọn”.
Con không cần trở thành thiên tài
Chia sẻ tại một Hội thảo giáo dục tổ chức tại Hà Nội năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc đến câu chuyện nhỏ về người con trai đầu của mình. Năm cô chuẩn bị thi phó giáo sư cũng là khi cậu bé chuẩn bị thi vào một trường cấp 2 chuyên.
Một buổi tối, hai mẹ con đang đi dạo bộ, cô Huyền nghĩ ra một trò chơi, đó là để mẹ đóng vai “con”, còn con đóng vai “mẹ”.
“Tôi nói: “Mẹ ơi, con thấy áp lực quá vì sắp thi rồi. Con không biết con có đậu được không”. Con tôi an ủi: “Con ơi, con cứ yên tâm, con có trượt thì vẫn là con của mẹ. Mẹ luôn tự hào về con, con không là Phó Giáo sư thì mẹ vẫn yêu con”. Nghe thế, tôi vô cùng xúc đông. Và tôi thấy mình rất bình an chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.
Sau đó, tôi suy nghĩ về các con của mình. Con còn bé thế mà bao dung quá. Còn mình là mẹ mà chưa bao giờ nghĩ được rằng mình sẽ chấp nhận con như nó vốn có, kể cả khi con thất bại”, cô Huyền nhớ lại.
Cũng đợt đó, khi cùng các bạn về thăm lại thầy giáo chủ nhiệm cấp ba, cô Huyền nghe người thầy tâm sự một cách rất xúc động rằng, đừng ép bọn trẻ con học. Câu nói này làm cô Huyền sực tỉnh.
“Tôi cho con nghỉ lớp luyện thi vào chuyên ngay ngày hôm sau. Sau đó, cháu học một trường cấp 2 công lập ở gần nhà. Sau đó nữa, tôi chuyển cháu sang học ở trường dân lập mới thành lập. Bởi vì khi tôi đến trường đó, tôi không nhìn thấy những biển bảng khẩu hiểu thông thường đâu cả. Tôi thấy có một câu rất hay: “Đừng đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó. Vì như thế thì suốt đời nó sẽ sống mà nghĩ rằng mình ngu ngốc”, cô nhớ lại.
Cô Huyền chia sẻ, vẻ đẹp của giáo dục nằm ở chỗ giúp chúng ta khám phá bản thân, trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, chứ không làm mình bị áp lực, so sánh bản thân với những người xung quanh. Quan trọng nhất, chúng ta cần cân bằng được bản thân và chấp nhận chính mình.
Với người con thứ hai, cô Huyền quyết định thay đổi, cho con học ở hệ thống tư thục ngay từ đầu, ở một ngôi trường ngay gần nhà.
“Tôi nghĩ rằng con mình không cần phải trở thành thiên tài. Con cứ bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc là tốt lắm rồi”, cô Huyền nói.
Năm học 2023 - 2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 toàn Hà Nội có gần 105.000 thí sinh dự thi. Trong đó, chỉ có khoảng 72.000 học sinh vào được trường công lập, có nghĩa khoảng 33.000 học sinh còn lại không trúng tuyển.
Các em đứng trước nhiều lựa chọn như theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề; các trường ngoài công lập.