Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

- Thứ Năm, 06/06/2024, 08:41 - Chia sẻ

TS Hoàng Hưng Hải, Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cũng như tham gia vào quá trình thực hiện đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, kể cả chính quy, cũng như đào tạo ngắn hạn.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 -100.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam theo Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", vai trò của doanh nghiệp được đánh giá vô cùng quan trọng.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với TS Hoàng Hưng Hải, Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam về góc nhìn của doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn; phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Qualcomm Incorporated được thành lập vào năm 1985, là một công ty bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ chuyên thiết kế và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây với hơn 157 văn phòng trên toàn thế giới. 

Sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra

- Thưa TS Hoàng Hưng Hải. Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 -100.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông có thể cho biết để xây dựng, triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là gì?

TS Hoàng Hưng Hải: Qualcomm cũng là một trong số những doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào việc đóng góp cho dự thảo xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Chính phủ. Các doanh nghiệp rất ủng hộ, hoan nghênh chương trình của Chính phủ và mong rằng Đề án sẽ được nhanh chóng triển khai để làm sao chúng ta có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu không những trong nước mà cả nhu cầu cho công ty nước ngoài.

Trong số 6 nhiệm vụ, phương hướng thực hiện trong Đề án, nhiệm vụ đầu tiên liên quan đến đào tạo, trong đó có việc xây dựng đội ngũ về giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo chính quy, đào tạo nâng cao, đào tạo trực tiếp và đào tạo ngắn hạn. Các doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cũng như tham gia vào quá trình thực hiện đào tạo sinh viên kể cả chính quy, cũng như đào tạo ngắn hạn.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, trong lĩnh vực công nghệ khác như điện tử viễn thông hay công nghệ thông tin, nguồn nhân lực trong nước có chất lượng rất tốt và sử dụng được ngay. Do đó, chúng tôi mong rằng ở lĩnh vực bán dẫn, với quyết tâm của Chính phủ cũng như việc đồng hành của các Bộ, Ban, Ngành và các trường đại học thì chúng tôi cũng sớm có các nguồn nhân lực chất lượng như vậy.

Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn -0
TS Hoàng Hưng Hải, Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam (Ảnh: Duy Thông)

- Chính phủ đã đưa ra 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ông cho rằng doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp những khía cạnh nào để xây dựng 5 trụ cột này?

TS Hoàng Hưng Hải: Chính phủ đã đưa ra 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Phát triển hạ tầng; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Huy động nguồn lực; Xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rõ ràng nhất chúng tôi có thể tham gia. Bên cạnh đó, nếu có sự phối hợp giữa đầu tư công - tư, doanh nghiệp cũng có thể tham gia trong việc đầu tư cơ sở vật chất.

Và quan trọng hơn tất cả là việc xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể có cơ chế đặt hàng, giúp cho các cơ sở đào tạo có những chương trình, hoặc đầu ra theo đúng nhu cầu của thị trường. Đó là những điều chúng tôi nghĩ doanh nghiệp có thể góp phần được nhiều nhất trong trụ cột phát triển ngành vi mạch bán dẫn.

Cần có trọng tâm để phát triển vào những khâu của ngành vi mạch bán dẫn

- Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn chúng ta đã đề ra, theo ông, cần chiến lược, chính sách phát triển như thế nào?

TS Hoàng Hưng Hải: Trong vòng 30 năm gần đây, ngành vi mạch bán dẫn có tốc độ tăng trưởng hằng năm là 7,5%, vượt rất xa so với tăng trưởng GDP trung bình là 5%. Do đó, nhu cầu phát triển của ngành bán dẫn rất lớn; mỗi quốc gia, khu vực đều phải xác định cho mình chiến lược để phát triển lĩnh vực này.

Hiện nay, để tham gia ngành công nghiệp bán dẫn, riêng phần chi phí cho nghiên cứu phát triển theo số liệu thống kê là khoảng 22% doanh thu của ngành và chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất, tích hợp, kiểm tra,... là 26%. Tổng cộng hai phần này, chúng ta thấy rằng để đầu tư cho ngành vi mạch bán dẫn phát triển đã tốn 48% so với doanh thu.

Bởi vậy, chúng ta phải có trọng tâm để phát triển vào những khâu của ngành vi mạch bán dẫn. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn một số lĩnh vực có thể tập trung vào trước. Tất nhiên, sẽ phải bao phủ tất cả những chuỗi giá trị của ngành bán dẫn, nhưng có thể tập trung những khâu như thiết kế, lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, bởi chúng ta có một số lợi thế trong lĩnh vực đó.

Dựa vào khả năng tiếp cận theo từng lĩnh vực, chúng ta cần có những chiến lược phù hợp để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn -0
TS Hoàng Hưng Hải cho rằng, dựa vào khả năng tiếp cận theo từng lĩnh vực, chúng ta cần có những chiến lược phù hợp để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam (Hình minh họa)

- Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, theo ông, chúng ta có thể làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn?

TS Hoàng Hưng Hải: Trước hết, tôi xin điểm lại một số thế mạnh của các quốc gia khác. Tôi phân tích vào ba công đoạn chính của vi mạch bán dẫn.

Thứ nhất là liên quan đến thiết kế. Hiện nay, 10 trong số 20 công ty thiết kế bán dẫn hàng đầu có trụ sở tại Mỹ; 4 trong số 5 công ty sở hữu những công cụ thiết kế, cũng như IP lõi về thiết kế cũng nằm tại Mỹ. Mỹ là nước tiên phong trong lĩnh vực thiết kế chip. Cái hay ở chỗ, có tới 80% sinh viên nước ngoài học các ngành liên quan đến điện tử viễn thông hay công nghệ thông tin sẽ ở lại Mỹ làm việc. Như vậy, nếu chúng ta có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực người Việt đang làm việc tại các công ty bán dẫn nước ngoài sẽ là lợi thế rất tốt. Tôi nghĩ họ sẵn sàng về Việt Nam để tham gia các chương trình như vậy.

Liên quan đến lĩnh vực sản xuất, các nước ở Đông Á hay Trung Quốc hiện chiếm 75% tổng năng lực sản xuất bán dẫn của thế giới. Đặc biệt, tất cả các chip có công nghệ tiên tiến dưới 10 nanomet đều đang được thực hiện ở Đài Loan và Hàn Quốc. Để tham gia được vào lĩnh vực sản xuất này yêu cầu mức độ đầu tư khá lớn và thường tập trung vào một số nhà sản xuất chuyên biệt ở Đài Loan và Hàn Quốc. 

Công đoạn thứ ba liên quan đến phần đóng gói, kiểm thử. 9 trong số 10 công ty về lắp ráp, đóng gói, kiểm thử lớn nhất, tính theo doanh thu đều có trụ sở chính tại Trung Quốc, Đài Loan và Singapore. Đây là những quốc gia có sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như nguồn nhân lực dồi dào.

Với Việt Nam, chúng ta có một số thế mạnh, thứ nhất là thế mạnh về nền tảng khoa học kỹ thuật, về công nghệ, về toán học (khối ngành STEM). Những lợi thế này rất phù hợp với việc phát triển ngành bán dẫn. Thực tế, Việt Nam đã tham gia vào ngành công nghệ bán dẫn từ 20 năm trước đây và đã tạo nên những nền tảng ban đầu trong lĩnh vực về thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Ngoài ra, chúng ta có lợi thế về địa chính trị để phát triển mảng thiết kế, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Tôi nghĩ rằng với những lợi thế đó, Việt Nam có thể tập trung ngay vào khâu thiết kế cũng như khâu đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn.

Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn -0
TS Hoàng Hưng Hải cùng các vị khách mời tham dự Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)

Thiếu nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới

- Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần cơ chế đột phá, đặc thù nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

TS Hoàng Hưng Hải: Chúng ta đang có chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Một trong số mục tiêu của chiến lược này là xây dựng Việt Nam trở thành một hub về nguồn nhân lực toàn cầu.

Hiện nay, cấp độ tăng trưởng về nguồn nhân lực toàn cầu ở các nước có ngành bán dẫn phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore chỉ khoảng 5% mỗi năm, trong khi đó tốc độ phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn là 7,5% mỗi năm. Như vậy, việc thiếu nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nếu chúng ta có chiến lược đúng đắn, nhanh chóng để phát triển nguồn nhân lực này thì không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu của nước ngoài. 

Để cho các doanh nghiệp có thể tham gia thúc đẩy việc này, triển khai đào tạo nguồn nhân lực nhanh hơn, cần dựa vào cơ chế chính sách liên quan đến hợp tác công tư, cơ chế về đặt hàng cũng như cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, hay xây dựng những chương trình thực hành, thực nghiệm trong quá trình đào tạo.

- Để sẵn sàng nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đào tạo chính quy từ 4 đến 5 năm thì có thể đào tạo ngắn hạn. Đào tạo ngắn hạn yêu cầu thời gian ngắn hơn, nhưng đôi khi các tập đoàn, doanh nghiệp lại cần những kỹ sư ở giai đoạn ngắn hạn này. Ông có thể nêu quan điểm về vấn đề này, dưới góc nhìn của doanh nghiệp?

TS Hoàng Hưng Hải: Theo tôi, hiện nay, chúng ta có thể tập trung vào việc đào tạo ngắn hạn. Dựa trên nền tảng của các bạn sinh viên đã tốt nghiệp các ngành phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta có thể triển khai ngay những khóa học ngắn hạn trang bị cho các bạn kiến thức để tham gia vào thị trường bán dẫn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất, giúp sinh viên có môi trường học tập sát với thực tế.

Tôi nghĩ rằng chúng ta bắt tay cần vào làm luôn, bởi thời gian không còn dài, đó là những phần có thể làm ngay trước khi triển khai những chương trình đào tạo dài hạn. 

- Trân trọng cảm ơn TS Hoàng Hưng Hải!

Bài: Nguyễn Liên - Ảnh: Duy Thông
#