14 doanh nghiệp trao học bổng hỗ trợ cho sinh viên với giá trị 514 triệu đồng
Phát biểu tại buổi sinh hoạt, Trưởng khoa Dệt may - Da giầy - Thời trang PGS. Phan Thanh Thảo cho biết, Việt Nam hiện là một nước sản xuất Dệt May - Da giầy đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Hiện nay, ngành có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 4 triệu lao động. Sản phẩm Dệt may - Da giầy của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các Châu lục, chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản,...
Trong những năm gần đây, ngành Dệt may - Da giầy Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may, da giầy đã đóng góp hơn 62 tỷ USD (bằng 24%) kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo PGS. Phan Thanh Thảo, Khoa Dệt May - Da giầy - Thời trang Trường Vật liệu với truyền thống hơn 69 năm đào tạo kỹ sư ngành Dệt may, là cơ sở uy tín trong cả nước được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành dệt may; là cơ sở duy nhất đào tạo trình độ đại học (cử nhân, kỹ sư) chuyên ngành Công nghệ giầy và sản phẩm da. Hiện tổng số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại Viện là gần 1.000 em sinh viên.
Đảm nhận vai trò là đơn vị số một của Việt Nam trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Dệt may, Da giầy và Thời trang cung cấp nguồn nhân lực cho chất lượng cao cho ngành Dệt may, Da giầy, Khoa Dệt may - Da giầy - Thời trang xây dựng triết lý giáo dục với slogan: "Chất lượng - Sáng tạo - Hội nhập".
Để chương trình đào tạo theo sát nhu cầu thực tế của ngành và tăng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, trong những năm qua, Viện Dệt may - Da giầy - Thời trang luôn xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực với các doanh nghiệp Dệt may - Da giầy, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.
Thông qua các buổi giao lưu với doanh nghiệp, các đợt tham quan, thực hành, thực tập tại các đơn vị sản xuất, sinh viên sẽ có cơ hội hiểu biết thêm về ngành nghề, sự phát triển của ngành và thực tế sản xuất, từ đó xác định được mục tiêu, động cơ và thái độ học tập đúng đắn để sau khi ra trường có đầy đủ kiến thức lý thuyết, thực tế và hội nhập quốc tế. Đây cũng là một kênh để các doanh nghiệp phát hiện, thu hút và tuyển dụng được các kỹ sư chất lượng cho đơn vị.
Năm học 2023 - 2024, có tổng số 75 sinh viên K65 - 68 của Khoa Dệt may - Da giầy - Thời trang có thành tích học tập tốt, cùng với dự kiến 20 tân sinh viên trúng tuyển kỳ tuyển sinh năm 2024 ngành Công nghệ Dệt may có kết quả cao nhất vinh dự được nhận học bổng hỗ trợ từ 14 doanh nghiệp trong ngành với tổng giá trị 514 triệu đồng.
Mang doanh nghiệp đến với sinh viên
Tại buổi "Sinh hoạt Công dân - Giao lưu doanh nghiệp và trao học bổng cho sinh viên, các sinh viên đã có cơ hội được giao lưu với 14 doanh nghiệp ngành Dệt may - Da giầy trong và ngoài nước như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; Công Ty TNHH YOUNGONE Nam Định; Công ty TNHH May Mặc Hoa Lợi Đạt Hải Hà Việt Nam; Công ty TNHH PEARL GLOBAL Việt Nam... tại đây, sinh viên đã có cơ hội lắng nghe và được đại diện các doanh nghiệp giải đáp về hồ sơ, nhu cầu tuyển dụng, mức độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân các nhân lực chất lượng cao.
Giám đốc Điều hành Công ty Toray Industries (H.K.) Vietnam Company Limited Akihiro Suzuki cho biết, công ty đã tuyển được 3 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Các em sinh viên đều có tiềm năng, có thái độ làm việc tích cực và khả năng tiếp thu cao. Hiện công ty đang triển khai việc xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam, cũng như mở rộng kế hoạch phát triển kinh doanh. Do đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ ngày một tăng cao.
"Ngành nghề dệt may rất tiên tiến và sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Khi được tiếp xúc với sinh viên của Trường Vật Liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi nhận thấy họ rất tài năng, linh hoạt và có cùng chí hướng. Đây là lý do chúng tôi quan tâm và dành suất học bổng cho các em", ông Akihiro Suzuki nói.
Để sinh viên sau khi tốt nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội công việc và thích nghi với doanh nghiệp, ông Akihiro Suzuki khuyên các em cần tập trung vào nội dung chuyên môn, cố gắng học tập thật tốt những nội dung trường đang giảng day,
Bên cạnh đó, cần rèn luyện khả năng thích nghi và linh hoạt với điều mới. Bởi khi vào công ty, sẽ phát sinh những công việc mà các bạn chưa bao giờ gặp, chưa được đào tạo và phải học rất nhiều. Chính những khả năng đó sẽ là "phao cứu sinh" giúp sinh viên vượt qua những khó khăn, thách thức trong môi trường doanh nghiệp.
Về phía Phó Tổng Giám đốc Công ty XDD Textile Chen Jun Jian, ông đánh giá, sinh viên Bách khoa Hà Nội có khả năng học tập tốt, tiếp xúc kiến thức mới nhanh và đặc biệt học ngoại ngữ cũng nhanh. Bên cạnh đó, còn có năng lực quản lý, tiềm năng về kỹ thuật cao, làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình, tương lai phát triển tốt.
Phó Tổng Giám đốc công ty XDD Textile cho biết thêm, yêu cầu quan trọng nhất để tuyển dụng sinh viên Bách khoa là đúng chuyên ngành. Bởi công ty sản xuất trong lĩnh vực Dệt may nên các kỹ năng, kiến thức chuyên môn rất quan trọng. Khi ứng viên đã được nhận, công ty sẽ có lộ trình đào tạo phù hợp để họ nhanh chóng thích nghi với công việc.