Đổi mới phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục là vấn đề quan trọng với việc dạy và học tích hợp hiệu quả.
Trong Chương trình GDPT 2018, phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Vấn đề giải pháp tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng thế nào để triển khai việc dạy và học tích hợp hiệu quả hơn đã được nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến.
Cần thay đổi cả việc đánh giá người học - giáo viên - trường học
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chúng ta hay mơ ước về những thành công ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Chúng ta hay đặt câu hỏi: Tại sao họ năng động, có kiến thức, kỹ năng và thích nghi rất nhanh? Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu về phát triển quốc gia, trong đó chất lượng nguồn nhân lực mang tính chất quyết định.
“Chúng ta thấy những người thành đạt là người được học thông qua thực hành, được giáo dục một cách đúng nghĩa theo tích hợp. Như vậy, thế hệ các con của chúng ta sẽ không thể nào hướng đến tương lai như chúng ta mong muốn nếu vẫn dùng cách làm cũ”, PGS Thơ nói.
Phân tích rõ hơn, PGS Thơ chia sẻ, mô hình vận hành chuyên môn của các trường học đang cũ, không có sinh hoạt chuyên môn, không có cộng đồng liên môn với nhau sẽ rất khó để thực hiện được môn tích hợp. Vì vậy, trong 2 năm qua, thực trạng ở rất nhiều trường khi ra một đề kiểm tra là “cô dạy Sinh thì ra phần Sinh, cô dạy Hoá thì ra phần Hoá, cô dạy Lý thì ra phần Lý”- một phép cộng rất cơ học để đánh giá học sinh. Đó là điều đáng tiếc và không phù hợp với ý nghĩa của việc dạy học tích hợp.
PGS Thơ cho biết, khi đệ trình, phê duyệt Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã cam kết sự đổi mới đồng bộ mục tiêu về phương pháp dạy học, nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, việc kiểm tra đánh giá sẽ tập trung vào năng lực của học sinh, sử dụng nhiều phương thức, công cụ khác nhau, thay vì chỉ sử dụng công cụ đã quá phổ biến là bài kiểm tra.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn về vấn đề này tại Thông tư 27 hướng dẫn học sinh tiểu học, Thông tư 22 cho học sinh trung học và phương án thi sau năm 2025. Tất cả đã đề cập, hướng dẫn nhà trường, giáo viên tập trung sử dụng các công cụ đánh giá khác nhau, có xây dựng hồ sơ học tập, đánh giá sản phẩm học sinh làm được sau mỗi dự án học tập, chủ đề; có định hướng xây dựng công cụ đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ như thế nào.
Tuy nhiên, PGS Thơ nhìn nhận trong thực tế, qua quá trình đồng hành cùng các nhà trường và theo dõi các kỳ thi tuyển sinh, rất ít địa phương dịch chuyển, sử dụng bộ công cụ đánh giá này.
“Để tạo hệ sinh thái cho Chương trình GDPT 2018 đi được vào cuộc sống thì động lực về mục tiêu, phương pháp, nội dung, hạ tầng triển khai phải hoà cùng động lực từ hệ thống đánh giá. Chúng tôi đang kỳ vọng rằng, các nghiên cứu về đánh giá người học sẽ được tuân thủ và triển khai trong xây dựng phương án thi năm 2025”, PGS Thơ nói.
Bà cũng khuyến nghị các địa phương xây dựng các bài đánh giá chất lượng của học sinh để làm sao hồ sơ học tập của các em được hoàn thiện, thể hiện nhiều sản phẩm học tập của học sinh nhất thay vì chỉ có bài kiểm tra. Cần để các bài kiểm tra cũng tập trung vào đánh giá năng lực, chứ không hoàn toàn là đánh giá kiến thức. Ví dụ, đánh giá năng lực Khoa học tự nhiên, chứ không phải đánh giá kiến thức về Hoá học hay Sinh học, Vật lý.
Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, việc đánh giá giáo viên và đánh giá trường học cũng cần thay đổi, không chỉ riêng đánh giá người học. Hiện nay, hệ thống đánh giá chưa có nhiều thay đổi, mới nằm trong hướng dẫn đánh giá người học, còn các công cụ đánh giá định kỳ, có tính giai đoạn, định hướng như đánh giá tuyển sinh hay việc đánh giá giáo viên, đánh giá trường học chưa thay đổi.
“Tôi rất mong hệ thống đánh giá này phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thì mới là động lực “bánh lái ngược cho con tàu giáo dục Việt Nam”. Tâm lý, thói quen của người dạy và học ở Việt Nam là “thi gì thì học nấy, đánh giá gì sẽ làm theo kiểu đó”. Vậy nếu sử dụng động cơ của các trụ đánh giá thì có thể tác động tốt vào các “động cơ” kia của hệ thống giáo dục”, PGS Thơ nêu quan điểm.
Tuy nhiên, bà khẳng định điều này phải bắt đầu từ nhận thức về cơ hội; nếu các thầy cô, phụ huynh nhận thức được dạy học tích hợp là cơ hội để phát triển năng lực cho con mình.
Cơ hội này không thể nhìn thấy ngay, ví dụ hiện mới chỉ thấy sự hứng thú học của các em, nhưng sau này sẽ trở thành năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực chuyên môn mà các em có thể vận dụng trong định hướng nghề nghiệp. Lúc đó, chúng ta mới thấy dạy học tích hợp có ích lợi - giống như nhìn vào sự thành công của các quốc gia khác.
“Tất cả đều nằm ở tương lai, nhưng nếu chúng ta không làm ở hiện tại thì tương lai sẽ không bao giờ có”, bà nói.
Từng rất hoang mang khi không biết giao đề kiểm tra thế nào cho môn Khoa học tự nhiên
Chia sẻ về vấn đề trên, cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi Sao Hà Nội cho biết, trước đây, cô cùng các đồng nghiệp từng rất hoang mang khi không biết giao đề kiểm tra như thế nào cho môn Khoa học tự nhiên lớp 6.
Năm đầu tiên triển khai dạy học tích hợp, nhóm giáo viên cũng xây dựng đề kiểm tra theo cách: học kỳ này học về chủ đề của Hoá học, Sinh học thì trong bài kiểm tra cũng có 2 nội dung đó, đề bài sẽ chia hai phần A và B độc lập cho 2 môn. Tuy nhiên, như vậy, học sinh rất vất vả trong việc ôn tập để đi thi và gọi là thi môn Khoa học tự nhiên nhưng thực tế là thi 2 hai môn.
Tới năm học tiếp theo, cô Kiều Anh và các đồng nghiệp đã có sự thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá.
“Chúng tôi thấy rằng bản thân học sinh học rất chật vật, giáo viên cũng rất vất vả, áp lực trong việc phải làm thế nào để con đạt được mục tiêu nhất định về chuẩn đầu ra. Do đó, năm lớp 7, ở bài giữa kỳ, thay vì kiểm tra giấy, chúng tôi có những dự án học tập cho học sinh thực hiện trong 2 tuần.
Ví dụ, chúng tôi có dự án “Điều kỳ diệu của ánh sáng”, trong đó học sinh sẽ được thực hành việc trồng cây ở nhà và quan sát xem hướng chiếu sáng, cường độ ánh sáng ảnh hưởng như thế nào, nếu không có ánh sáng thì cây có quang hợp được không.
Học sinh làm những chủ đề này dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em sẽ hiểu được cây quang hợp cần phải có ánh sáng, rồi sự quang hợp diễn ra như thế nào lại có liên quan tới kiến thức Hóa học ở trong đó,…”, cô Kiều Anh kể.
Từ sự đổi mới trên, cô Kiều Anh nhận ra học sinh rất hứng khởi khi các em được hoạt động nhóm với nhau, được trồng cây, báo cáo về sản phẩm. Điều này hấp dẫn với học sinh, bản thân giáo viên cũng nhẹ nhàng hơn trong việc ra đề kiểm tra đánh giá và không bị áp lực.
“Tôi nghĩ sự thay đổi đầu tiên cần từ tư duy của giáo viên, từ cách chúng ta nhìn nhận vấn đề như thế nào”, cô nói.
Bên cạnh đó, trong vấn đề kiểm tra, đánh giá, nữ giáo viên bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về việc hiện tại cấp THCS đang có môn Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, có nội dung Lý, Hoá, Sinh, nhưng bài thi vào lớp 10 ở Hà Nội theo chủ trương hiện tại đang là 4 môn Văn, Toán, Tiếng Anh và một môn thứ tư. Vậy môn thứ tư này khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 thì việc thi cử, xét đánh giá học sinh vào lớp 10 sẽ thay đổi như thế nào?
“Chúng tôi mong muốn có hướng dẫn sớm, để giáo viên có định hướng trong chuẩn đầu ra và điều chỉnh phương pháp dạy học, giúp học sinh có thể đạt được yêu cầu môn học”, cô Kiều Anh kiến nghị.
Một băn khoăn nữa được nữ giáo viên đề cập là với chương trình thi chuyên, hiện thi theo các môn đơn lẻ, vậy với việc học tích hợp thì kỳ thi vào lớp 10 chuyên sẽ được tiến hành như thế nào?
Cô giáo Nguyễn Kiều Anh mong đơn vị có thẩm quyền có thông tin sớm, vì học sinh thi chuyên không thể đợi tới lớp 9 mới chuẩn bị ôn tập. Các em thường phải bắt đầu sớm hơn để có thể định hướng dần về mặt kiến thức, năng lực.