Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Hoàng Minh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng các trường đại học Nga, Hiệu trưởng Đại học MGU - Viện sỹ Viktor Sadovnichy; cùng đại diện của gần 40 trường đại học Liên bang Nga và 21 trường đại học Việt Nam.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga được kế thừa từ quan hệ hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ XX. Liên bang Xô Viết trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã tiếp nhận và đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, sinh viên Việt Nam, góp phần to lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, giúp Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, cũng như trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Nhiều lưu học sinh Việt Nam được Liên Xô đào tạo đã trở thành các cán bộ cấp cao, các nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội.
Trong 5 năm trở về đây, mỗi năm Chính phủ Nga dành cho Việt Nam 1.000 chỉ tiêu học bổng. Hiện nay, hơn 6.000 du học sinh đang học tập tại trên 180 cơ sở giáo dục của Liên bang Nga, trong đó có khoảng 2.800 du học sinh diện Hiệp định. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam hàng năm dành 75 chỉ tiêu cho công dân Nga sang Việt Nam học tập, thực tập tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, luôn xác định Liên bang Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Nga trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học hai nước đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp nghiên cứu, trao đổi học thuật, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi sinh viên, giảng viên.
Tuy nhiên, hợp tác giáo dục đại học giữa các trường đại học 2 nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của 2 bên.
Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam – Liên bang Nga là một trong những hoạt động thiết thực để thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa 2 quốc gia, đặc biệt là các ngành thế mạnh của Liên bang Nga mà Việt Nam quan tâm như: năng lượng, công nghệ thông tin, vật lý – vật liệu, luật, y– dược, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế - quản lý, nông nghiệp và công nghệ sinh học, khoa học biển, thủy sản, môi trường, khoa học xã hội và nhân văn…
Tại diễn đàn, có gần 30 văn bản hợp tác giữa các trường đại học được ký kết. Trong đó, có một số trường ký kết nhiều văn bản hợp tác, như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết 3 văn bản hợp tác với trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN), Đại học nghiên cứu quốc gia “Trường Kinh tế cao cấp” (HSE), và Đại học Quốc gia Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). Trường Đại học Giao thông Vận tải ký kết 3 văn bản hợp tác với Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU), Đại học Giao thông của Nga (MIIT), Đại học Giao thông Đường bộ Moskva (MAD),…