Theo công bố của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), 20 điểm là ngưỡng nhận đăng ký xét tuyển đại học chính quy và chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu nó).
Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN và Bộ GD-ĐT (đối với nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên), các đơn vị đào tạo ra thông báo điểm ngưỡng theo ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo (tối thiểu bằng điểm ngưỡng do ĐHQGHN và Bộ GD-ĐT quy định trước 17h00 ngày 19.7.
Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2024, ĐHQGHN lấy 18.000 chỉ tiêu trên toàn quốc, với 150 ngành/chương trình đào tạo.
Năm nay ĐHQGHN giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh:
Phương thức 1: Thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học, người nước ngoài xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Quy chế, Quy định đặc thù của ĐHQGHN;
Phương thức 2: Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (ngưỡng đầu vào) do ĐHQGHN quy định;
Phương thức 3: Thí sinh có kết quả thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên;
Phương thức 4: Xét tuyển theo các phương thức khác:
Thí sinh có kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP.Hồ Chí Minh đạt tối thiểu 750/1200 điểm trở lên;
Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; sau đây gọi tắt là chứng chỉ A-Level) có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt tối thiểu 60/100 điểm (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60);
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt tối thiểu 1100/1600 điểm trở lên. Mã đăng ký của ĐHQGHN với tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi (thí sinh cần khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT);
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt tối thiểu 22/36 điểm trở lên;
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 điểm hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (Phụ lục 1) hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác (Phụ lục 2) và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh.
Thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đươngở nước ngoài cókết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành học kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.
Ngoài các phương thức tuyển sinh trên, một số đơn vị có ngành/chương trình đào tạo/lĩnh vực đặc thù có phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập cấp THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/kết quả thi ĐGNL/chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP) được công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh thành phần của các đơn vị (sau đây gọi tắt là Đề án thành phần).
Thông tin từ ĐHQGHN, học phí năm học 2024-2025 được thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Thủ tướng chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31.12.2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Cụ thể các mức thu học phí theo từng ngành/chương trình đào tạo xem tại Đề án thành phần và được công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo.