Sáng 17.7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cùng phổ điểm thi các môn và phổ điểm theo từng tổ hợp.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội để nhận định về kết quả kỳ thi năm nay, cũng như dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Điểm thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao hơn năm trước ở tất cả các môn
- Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Sáng 17.7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi THPT năm 2024, cùng phổ điểm các môn thi cũng như các tổ hợp. Ông có nhận định, đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thi này?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhìn vào phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mà Bộ GD-ĐT công bố cho thấy kỳ thi năm nay về cơ bản ổn định, một số môn có sự phân hóa tốt hơn so với năm trước; đồng thời đảm bảo đánh giá được thí sinh theo sát với chương trình giáo dục THPT.
Số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là hơn 1 triệu thí sinh, ở mức "kỷ lục" so với mấy năm qua. Môn có thí sinh dự thi cao nhất là Ngữ văn với 1.050.132 thí sinh; môn Toán có 1.045.643 thí sinh, đều cao hơn so với năm 2023.
Từ số liệu kết quả phân tích của một số môn thi cụ thể năm nay, có thể thấy như sau:
Ở môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 198.390 bài/tổng 1.045.643 bài, đạt 18,97%. So với năm 2023, tỷ lệ này là 15,1%, năm 2022 là 21,8%.
Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 687.326/1.050.132 bài, đạt tỷ lệ cao kỷ lục từ trước tới nay: 64,57%. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2023 đạt 45,9%, năm 2022 là 42,28% và đạt 41,7% vào năm 2021.
Môn Vật lí, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 99.148 bài/345.630 bài, đạt tỷ lệ 28,68%, trong khi đó năm 2023 là 21,31%, năm 2022 là 22,74%.
Môn Hóa học, số bài từ 8 điểm trở lên là 93.333 bài/346.530 bài, đạt 26,93%. Tỷ lệ này năm 2023 là 22,6%, năm 2022 là 27,8%. Đặc biệt, năm nay, môn Hóa "được mùa" điểm 10, với 1.278 điểm 10, trong khi năm trước chỉ có 137 bài đạt điểm 10.
Riêng môn Sinh học, năm nay, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên là 34.438 bài/324.388 bài, đạt tỷ lệ 10,06%. Đây là môn có tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên ổn định, so với năm 2023 là 10,57% và năm 2022 là 4,6%.
Ở môn Lịch sử, tỷ lệ điểm giỏi cũng cao hơn năm trước, từ điểm 8 trở lên có 138.533 bài/tổng 706.299 bài, tỷ lệ 19,6%. Trong khi năm 2023, tỷ lệ này là 13%, năm 2022 là 18,1%.
Môn Địa lí năm nay lại có đột biến về tỷ lệ điểm giỏi, khi số bài đạt điểm 8 trở lên là 218.515 bài/tổng 704.701 bài, đạt tỷ lệ 31%, trong khi năm trước, tỷ lệ này là 6,6%, năm 2022 là 16,7%. Đặc biệt, có 3.175 bài đạt 10 điểm, trong khi năm 2023 chỉ có 35 bài đạt điểm 10.
Môn Giáo dục công dân, số bài đạt điểm giỏi từ 8 trở lên là 384.222 bài/583.619 bài, đạt tỷ lệ 65,83%, trong khi đó năm 2023 là 61%, năm 2022 là 61,85%. Tỷ lệ đạt điểm giỏi môn Giáo dục công dân luôn đạt cao qua nhiều năm. Năm nay, có 3.661 điểm 10.
Môn Tiếng Anh, năm nay số bài đạt điểm 8 trở lên là 131.283 bài/906.549 bài, đạt tỷ lệ 14,48%. Năm 2023, tỷ lệ này là 15,03% và 2022 là 1,9%. Tỷ lệ này cao nhất vào năm 2021 với 18,3%.
Điểm trung bình chung các môn cơ bản ổn định như năm trước, không có biến động lớn. Riêng môn Văn, điểm trung bình năm nay là 8, trong khi năm 2023 là 7.
Qua phổ điểm này có thể thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao hơn năm trước ở tất cả các môn. Thành tích này phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của học sinh, thầy cô và các trường, các Sở GD-ĐT trong năm học vừa qua.
Một kỳ thi được đánh giá thành công nếu cả 4 khâu: đề thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển đều tốt đẹp.
Với những diễn biến của công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay - sự nghiêm túc thực hiện Quy chế trong công tác coi và chấm thi, cũng như sự phân hóa của đề thi đã được cải thiện và kết quả thi THPT được công bố hôm nay, tôi đánh giá kỳ thi THPT năm 2024 đã thành công tốt đẹp: an toàn, nghiêm túc, khách quan, đảm bảo được sự ổn định theo định hướng của Chính phủ.
Năng lực thí sinh đạt mặt bằng kiến thức chung trên toàn quốc thông qua kết quả thi và các trường đại học hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng để tuyển sinh vào đại học.
Điểm đầu vào năm nay có thể cao hơn năm trước ở tất cả tổ hợp
- Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, giáo sư có thể đưa ra nhận định về điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học theo các phương thức sử dụng điểm thi này?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh.
Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, mức điểm phổ biến nhất ở hầu hết tổ hợp là 22 - 23 điểm.
Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm 2023 ở tất cả các môn. Do đó, nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 - 3 điểm.
Những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.
Cần cải thiện, đổi mới hơn nữa cách dạy và học tiếng Anh ở bậc THPT
- Qua kỳ thi năm nay, giáo sư có góp ý gì để cải thiện tốt hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm tiếp theo?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Bên cạnh những thành tích rất lớn đã đạt được và những thành công của kỳ thi này, chúng ta có thể thấy môn Ngoại ngữ - tiếng Anh vẫn là điểm yếu với đại đa số học sinh Việt Nam.
Số bài dưới 5 điểm là 386.861 bài/tổng 906.549 bài, chiếm tỷ lệ 42,67%. Như vậy, tỷ lệ dưới trung bình rất cao. Năm 2023, tỷ lệ này là 44,85%. Chúng ta phải cải thiện, đổi mới hơn nữa cách dạy và học tiếng Anh ở bậc THPT.
Trong khi các môn Văn, Sử, Địa có điểm giỏi cao và tỷ lệ dưới trung bình môn Văn, Địa rất thấp (chỉ chiếm vài %), ở môn Sử tỷ lệ dưới trung bình chỉ 13%, thì tỷ lệ dưới trung bình năm nay của môn Toán là 17,5%, Hóa 15,87%, Vật lí 16,34%.
Điều này cho thấy, chúng ta phải đẩy mạnh việc giáo dục STEM, nâng cao năng lực môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên trong các trường THPT. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là những kiến thức nền tảng cốt lõi chúng ta cần trang bị tốt cho học sinh THPT.
Nếu có thể, chúng ta vẫn có thể phân hóa đề thi cao hơn nữa, để không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn "nhất cử lưỡng tiện", giúp các trường đại học phân loại tốt hơn nữa thí sinh qua bài thi THPT để xét tuyển vào đại học, nhất là các trường đại học ở “top” trên.
- Trân trọng cảm ơn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã chia sẻ