Đó là nhấn của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong dịp tới thăm và làm việc cùng ĐHQGHN vào chiều 15.11, tại Hòa Lạc.
Nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và chúc mừng cán bộ, giảng viên, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; lãnh đạo các vụ Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích vẻ vang, dấu ấn rất tự hào mà các thế hệ thầy giáo, cô giáo, nhà khoa học của ĐHQGHN đã dày công vun đắp, tạo lập trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra cho ngành giáo dục nói chung, ĐHQGHN nói riêng những trọng trách mới trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo dựng một nền khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào sứ mệnh, tầm nhìn và sự dẫn dắt của ĐHQGHN, cùng với ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và hệ thống giáo dục đại học nước nhà, tạo đột phá trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Do đó, để ĐHQGHN trở thành cái nôi, bệ đỡ, môi trường để tiếp thu và trao truyền tri thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc, đầu ngành tham gia xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững, đồng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ĐHQGHN cần tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cũng như phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ĐHQGHN tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế; Mở rộng cơ cấu giáo dục, đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, ưu tiên phát triển khối kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thời đại số, cuộc sống số, xã hội số; Phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiệm cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, số hóa trong công tác quản trị đại học.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở ĐHQGHN cần tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về phát triển khoa học và công nghệ, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; Gắn kết mật thiết giữa giáo dục, đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị ĐHQGHN quan tâm chính sách đột phá chăm lo, phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia; Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường hợp tác, mở rộng giao lưu học thuật với các quốc gia, tổ chức đối tác quan trọng có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến; Chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa ĐHQGHN với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Tham gia đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia, quốc tế, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, …
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, sứ mệnh của ĐHQGHN không tách rời với sự phát triển của đội ngũ trí thức nước nhà.
Trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhiệm vụ “Xây dựng đại học nghiên cứu tiên tiến, vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” được coi là trọng tâm hàng đầu và sẽ được cụ thể hóa hơn với Đề án phát triển ĐHQGHN vào nhóm 500 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.
ĐHQGHN cam kết sử dụng mọi nguồn lực và tạo điều kiện tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
ĐHQGHN rất mong nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện về nhiều mặt từ Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói riêng và từ Đảng, Nhà nước nói chung để thực hiện được sứ mệnh, mục tiêu chiến lược đã đặt ra. ĐHQGHN luôn trân quý và biết ơn nguồn động viên to lớn đến từ những Thầy, Cô đã và đang gắn bó cùng ĐHQGHN và hy vọng các Thầy, Cô sẽ tiếp tục truyền lửa đến các thế hệ của tương lai.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao Bằng khen cho các nhà giáo đạt danh hiệu giải thưởng “Nhà giáo xuất sắc ĐHQGHN năm 2023”.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2023”; “Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2023”; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho 04 phòng thí nghiệm trọng điểm và 08 Nhóm Nghiên cứu mạnh ĐHQGHN năm 2023.
Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/CP về việc thành lập ĐHQGHN với mục tiêu trở thành đại học trọng điểm quốc gia của cả nước. Sau 30 năm thành lập, ĐHQGHN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sớm khẳng định được vị thế là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của cả nước, với nhiều thành tựu nổi bật trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Với khoảng 500 GS và PGS, trên 2000 tiến sĩ, ĐHQGHN có tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%, đứng đầu cả nước. Công bố đạt chuẩn quốc tế không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên 1600 bài năm 2022. Chỉ sau gần 3 thập kỷ, khoảng thời gian rất ngắn so với tuổi đời một đại học, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ, năm 2022 ĐHQGHN đã vươn lên trong top 800 thế giới theo các bảng xếp hạng uy tiến thế giới.