Đổi mới quản lý Nhà nước, quản trị đại học trên nền tảng tự chủ
Bộ GD-ĐT cho biết, tiếp tục đổi mới giáo dục đại học theo quan điểm, định hướng đã đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW và bám sát định hướng phát triển GDĐT trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, cốt lõi là đổi mới quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đại học trên nền tảng đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học.
Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống cơ sở giáo dục đại học, từng bước mở rộng quy mô, điều chỉnh cơ cấu hợp lý, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học gắn với nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân và yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ và gắn kết với thực hiện chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng vùng, miền, địa phương.
Nhà nước ưu tiên nguồn lực để đầu tư tập trung, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia và một số đại học, trường đại học lớn đào tạo các ngành sư phạm, y khoa, luật và một số ngành khoa học, kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới; một số cơ sở giáo dục đại học tại các vùng khó khăn để đáp ứng yêu cầu nhân lực phát triển vùng và địa phương; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín.
Chi toàn quốc cho Giáo dục đại học đạt tỉ trọng 1,5% GDP vào năm 2030
Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu, phát triển nền GDĐH chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và hiện đại, đáp ứng yêu cầu và dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Cụ thể, đến năm 2025: Quy mô đào tạo đạt 230 sinh viên đại học trên một vạn dân, trong đó 32% theo học các lĩnh vực STEM (Các lĩnh vực STEM theo phân loại của UNESCO tương ứng với 8 lĩnh vực theo Danh mục đào tạo cấp II của Việt Nam do Thủ tướng ban hành bao gồm: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng.);
Số lượng cơ sở giáo dục đại học và sư phạm công lập giảm ít nhất 10% trường công lập so với năm 2021; mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Đến năm 2030: Quy mô đào tạo đạt 260 sinh viên đại học và 20 học viên sau đại học trên một vạn dân, trong đó 35% theo học các lĩnh vực STEM; số lượng cơ sở giáo dục đại học và sư phạm công lập giảm ít nhất 20% so với năm 2021; hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm, mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo đó, tổng kinh phí chi toàn quốc cho GDĐH tăng bình quân hàng năm gấp 2 lần mức tăng GPD, đạt tỉ trọng 1,5% GDP vào năm 2030.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng bình quân 1% mỗi năm, đạt 40% vào năm 2030.
Tỉ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn trong thời gian 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trung bình trên 80%;
Tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở GDĐH đạt bình quân 10% tổng thu vào năm 2030 (15% đối với các trường đại học nghiên cứu)
Xếp hạng thế giới về số lượng công bố quốc tế và chỉ số H-index tăng 10 bậc. Xếp hạng theo SCImago, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 46 về số lượng công bố và 59 về chỉ số H-index.
Ngoài ra, hình thành một số cơ sở GDĐH, một số lĩnh vực đạt đẳng cấp khu vực và thế giới; đưa Việt Nam vào tốp 4 quốc gia Đông Nam Á tính theo số lượng và thứ hạng các cơ sở GDĐH có mặt trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín.
9 giải pháp
Trong thời giai tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ GD-ĐT cho biết, giáo dục đại học cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường đánh giá, giám sát chất lượng giáo dục đại học. Trong bối cảnh tự chủ đại học được triển khai sâu rộng, cơ chế đánh giá và kiểm định đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và cải tiến chất lượng GDĐH.
Các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo thông dụng (trong nước và quốc tế) đều tiếp cận theo tư duy hệ thống, trong đó không chỉ kết quả đầu ra của quá trình đào tạo được đo lường, đánh giá, mà toàn bộ các đầu vào, thành tố bên trong cùng với hệ thống quản trị chất lượng được xem xét, đánh giá.
Hệ thống văn bản quy định về hoạt động đánh giá, kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục đại học cần được rà soát, hoàn thiện bảo đảm tính độc lập, thống nhất, đồng bộ, đánh giá khách quan và đủ độ tin cậy.
Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, tối ưu hóa hoạt động của từng cơ sở giáo dục đại học và của cả mạng lưới cơ sở sở giáo dục đại học nhằm cải thiện cơ cấu đào tạo, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, vùng kinh tế và của đất nước.
Xây dựng hệ thống chỉ số hoạt động (KPIs) và chuẩn cơ sở GDĐH. Sáp nhập, hợp nhất các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng; giảm số cơ sở GDĐH công lập.
Ưu tiên phát triển một số đại học lớn, trọng điểm quốc gia và một số trường đại học trọng điểm ngành. Sắp xếp, chuyển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các đại học định hướng nghiên cứu.
Thứ ba, Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đại học, tiếp tục thực hiện tự chủ giáo dục đại học đi vào chiều sâu và thực chất, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy mọi tiềm lực; mở rộng phân cấp, phân quyền gắn với thống nhất quản lý nhà nước, tăng cường giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội; xây dựng môi trường minh bạch và chính sách đối xử công bằng giữa các cơ sở GDĐH, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống.
Xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở GDĐH công lập thay thế cơ chế chủ quản. Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục đại học.
Thứ tư, Đổi mới cơ chế quản lý và chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, thu hút mạnh mẽ người giỏi trong và ngoài nước về giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và trình độ.
Xây dựng hệ thống đánh giá giảng viên và chuẩn giảng viên, cụ thể hóa thành bộ chỉ số KPIs. Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ sở GDĐH, chú trọng nâng cao năng lực quản trị đại học hiện đại đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Thứ năm, Tăng mức chi NSNN cho GDĐH đạt tỉ trọng trên GDP bằng mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân; tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống.
Thứ sáu, Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho GDĐH, phân bổ NSNN theo năng lực và hiệu quả, tăng cường xã hội hóa để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học gắn với mở rộng chính sách tài chính hỗ trợ người học, không để ai bị mất cơ hội học đại học vì điều kiện kinh tế.
Thứ bảy, Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDĐH, từ quản lý nhà nước, giữa các cơ sở GDĐH và trong từng cơ sở GDĐH hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống GDĐH minh bạch hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, mở rộng cơ hội tiếp cận GDĐH chất lượng cao.
Thứ tám, Tiếp tục tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong một số cơ sở giáo dục đại học. Có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học.
Thứ chín, Tăng cường hợp tác song phương và đa phương với nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.