Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 -100.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn.
Hiện nay, nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Năm 2024, nhiều trường đại học công bố mở các ngành học mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT về các giải pháp cần triển khai để xây dựng, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Điều kiện trọng yếu để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam. Để xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này, theo bà, việc đầu tiên chúng ta cần làm là gì?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Ngoài những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà chúng ta đã triển khai khá sâu rộng ở tất cả Bộ Ngành và địa phương liên quan, chúng tôi cũng đang chờ đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 căn cứ pháp lý rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn.
Thứ nhất là Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, các Bộ Ngành khác phối hợp tích cực. Thứ hai là Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là hai căn cứ pháp lý rất quan trọng, là cơ sở để chúng ta tiếp tục triển khai các hoạt động và đặc biệt là huy động các nguồn lực.
Những điều kiện trọng yếu để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, trước hết phải nói đến đội ngũ. Chúng ta rất cần có đội ngũ được cập nhật, đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức tiên tiến nhất; đồng thời thu hút được những tài năng cả trong nước và quốc tế trở thành giảng viên trong lĩnh vực này, hoặc các doanh nghiệp có thể tham gia cùng cơ sở giáo dục đại học trong quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó là nguồn lực cho phòng thí nghiệm trọng điểm. Bởi rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ cao mà không có phòng thí nghiệm, không có nơi cho sinh viên thực hành, không có sự liên kết với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai và nguồn lực yêu cầu cũng rất lớn. Tiếp đó, chúng ta cũng phải nói đến giáo trình, tài liệu. Chúng ta luôn cần cập nhật chương trình đào tạo, cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất.
Bộ GD-ĐT cũng nhận thức rõ việc này phải triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống. Đặc biệt, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học là rất quan trọng. Từ năm 2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức những tọa đàm, hội thảo rất chuyên sâu. Trước hết phải kể đến Hội thảo về Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tổ chức tháng 10.2023 tại TP. Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chứng kiến sự ký kết thành lập một liên minh các trường đại học hàng đầu của Việt Nam về kỹ thuật và công nghệ, gồm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Liên minh này được thành lập để các trường cùng xây dựng, trao đổi những chương trình đào tạo; cập nhật những chương trình đào tạo mới nhất cả dài hạn và ngắn hạn, có giải pháp để chung tay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn. Sau đó, hàng loạt trường đại học khác cũng nhận thức rất nhanh và có những hành động, chiến lược cũng như kế hoạch hành động rất nhanh chóng, hiệu quả. Ở đây, phải kể đến cả các trường đại học công lập và ngoài công lập.
Chúng ta cũng mong đợi từ ngân sách Nhà nước có những đột phá về đầu tư nguồn lực, nhưng từ phía các trường đại học ngoài công lập cũng có sự chủ động mạnh mẽ để đầu tư vào các phòng thí nghiệm, các chương trình thực tập trong và ngoài nước; cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng. Tôi thấy đó là sự chuyển biến rất nhanh, rất tích cực trong vòng hơn 1 năm qua.
Chúng tôi sẽ cùng đồng hành với các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp, những hoạt động hiệu quả, thiết thực nhất để có thể đáp ứng được mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Cần những giải pháp rất đồng bộ, sự phối hợp của nhiều bên liên quan
- Nhu cầu 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ. Vậy, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình triển khai đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rất tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai.
Mục tiêu chúng ta đặt ra với 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn, tức là những người có trình độ từ đại học trở lên là con số không hề nhỏ.
Tính riêng quy mô của sinh viên đại học đang theo học tại các trường kỹ thuật công nghệ trên toàn quốc thì số lượng sinh viên trong các ngành điện tử viễn thông hiện có khoảng 26.000.
Nếu chúng ta thu hút được từ 20-30%, một số trường có thể thu hút đến 40-50% số lượng sinh viên học chuyển đổi sang ngành sản xuất chip bán dẫn và tuyển sinh mới trong năm 2024 khi các trường mở ra chương trình đào tạo chuyên sâu hơn nữa về thiết kế vi mạch (dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển mới ngay khoảng 5.000 sinh viên đại học) sẽ là một con số đáng kể để đáp ứng mục tiêu.
Tất nhiên, chúng ta còn chưa tính đến việc sinh viên đang học những năm cuối có thể chuyển đổi học chuyên sâu hơn về thiết kế vi mạch hay các lĩnh vực Vật lý, Vật liệu bán dẫn có thể có thêm số lượng sinh viên theo học.
Chúng tôi cũng đặt ra những mục tiêu về đào tạo sau đại học. Dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển khoảng trên dưới 1.000 học viên cao học và sẽ có khoảng 100 nghiên cứu sinh tiến sĩ nhập học.
Đây là năm đầu tiên chúng ta bắt đầu triển khai tuyển sinh đào tạo dài hạn, nhưng chúng tôi cũng cho rằng đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự tham gia của rất nhiều Bộ Ngành liên quan; đảm bảo môi trường làm việc, mức lương cho các em khi gia nhập thị trường; cùng những điều kiện làm việc từ phía doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng để thu hút nguồn sinh viên giỏi tham gia vào lĩnh vực này.
Từ phía các cơ sở giáo dục đại học cần cung cấp những điều kiện đảm bảo chất lượng, làm sao vừa đảm bảo được số lượng, chất lượng; vừa đảm bảo môi trường để các em có định hướng việc làm tốt.
Chúng tôi cũng đã làm việc với các cơ sở giáo dục đại học, thu nhận ý kiến từ các trường để xem cần thêm cơ chế đột phá nào hay không, cần những hỗ trợ gì về mặt chính sách. Bộ GD-ĐT sẵn sàng đồng hành cùng các trường, cũng như kiến nghị bổ sung, đề xuất những chính sách mới.
Sự hợp tác công - tư, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình đào tạo cũng vô cùng quan trọng.
Kế hoạch đặt ra của chúng tôi là làm sao để từ nay đến năm 2030, vừa gia tăng được năng lực của toàn hệ thống cho việc đào tạo lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, đồng thời cũng cập nhật chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. Tôi nghĩ chính sách thu hút nguồn nhân lực rất quan trọng. Các Việt kiều của chúng ta đang làm việc trên khắp thế giới.
Với những chính sách thu hút này, chúng ta có thể đóng góp nguồn nhân lực vô cùng quan trọng để tăng cường năng lực của hệ thống và tham gia vào quá trình đào tạo, đồng thời chính họ có thể về Việt Nam làm việc.
Việc thu hút nguồn nhân lực cần được đặt ra trong Đề án, bởi tiềm năng về nhân lực của Việt Nam là rất lớn, nhưng khi môi trường chưa đủ để thu hút, giữ chân sinh viên sau khi tốt nghiệp thì chúng ta cần những giải pháp rất đồng bộ, sự phối hợp của rất nhiều bên liên quan.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo
- Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Vậy thế mạnh của Việt Nam hiện nay là gì, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và rất ham học hỏi. Chi phí lao động ở Việt Nam cũng tương đối thấp so với các nước phát triển khác. Có thể thấy, lợi thế trước mắt chúng ta phải khai thác tốt là nguồn nhân lực.
Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng đã dần được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới với nhiều trường được xếp top đầu trong các bảng xếp hạng quan trọng như QS hay Times Higher Education của thế giới, cũng như của châu Á.
Tôi nghĩ giải pháp trọng yếu chúng ta phải hướng đến là đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu để trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín.
Từ trước đến nay, với nguồn lực còn hạn chế thì việc đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học Việt Nam còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Đây là thời điểm rất hợp lý để chúng ta có những giải pháp về đầu tư nguồn lực.
Nhiều kỹ sư Việt Nam khi được đào tạo trong nước, với nền tảng khoa học cơ bản khi ra nước ngoài đã rất thành công, có những thành tích rất quan trọng. Nếu lực lượng này quay trở về giúp chúng ta đào tạo các thế hệ trẻ sẽ có hiệu quả rất lớn.
Tất nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng nhân lực là một chuyện, nhưng cần đầu tư để dần dần chúng ta làm chủ được những công nghệ tiên tiến hàng đầu, khi ấy mới có thể giữ chân được người tài cũng như thu hút thêm người tài mới.
-Bà có thể cho biết, phát triển chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần các vấn đề cốt lõi nào?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Tôi muốn nhấn mạnh thêm vai trò của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Không phải bây giờ khi nói nhiều về công nghiệp vi mạch bán dẫn, chúng ta mới nói tới vai trò của doanh nghiệp. Từ trước đến nay, trong quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò của doanh nghiệp luôn được đề cao.
Ngay cả trong những thể chế, chính sách về đào tạo mà Bộ GD-ĐT ban hành cũng luôn nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đặc biệt, trong việc xây dựng chương trình, đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo, doanh nghiệp luôn được mời tham gia. Nếu không có ý kiến của doanh nghiệp thì chắc chắn chương trình đào tạo mới sẽ không được thông qua.
Khi chúng tôi xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các khối ngành, lĩnh vực thì vai trò của doanh nghiệp và những người sử dụng lao động là đặc biệt quan trọng, thể hiện qua các chuẩn chương trình đào tạo, tức là chuẩn tối thiểu. Ở mỗi trường đại học, với hệ sinh thái riêng, với các mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp riêng thì hàm lượng đó có thể gia tăng, chuẩn mà các trường đưa ra có thể cao hơn rất nhiều so với chuẩn tối thiểu Bộ GD-ĐT ban hành. Nhờ sự hợp tác với doanh nghiệp, tính cập nhật cả về kiến thức, kỹ năng mà thị trường đang đòi hỏi sẽ được truyền tải vào chương trình đào tạo.
Chúng tôi cũng nhấn mạnh cả mảng hợp tác quốc tế. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn rất tích cực tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác quốc tế để có thể đưa được những tác động từ phía doanh nghiệp, đưa những kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm từ quốc tế vào đào tạo.
Và để chương trình đào tạo chúng ta cập nhật thì không chỉ từ phía nhà trường, những yêu cầu đặt ra từ doanh nghiệp và thị trường lao động mà người học cũng phản hồi trong quá trình học tập. Sinh viên hiện nay rất giỏi, các em có những nguồn tham khảo thông tin rất rộng mở. Vì thế, chính các em cũng tham gia vào quá trình đổi mới chương trình đào tạo hiện nay.
Với sự tham gia của nhiều bên liên quan như vậy thì giảng viên, nhà trường phải cập nhật nội dung liên tục. Chưa bao giờ sức ép đối với đội ngũ giảng viên lại lớn như bây giờ. Đội ngũ giảng viên cũng phải tích cực trau dồi để có thể vươn lên và làm chủ công nghệ mới, làm sao thúc đẩy người học phát triển kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học và học tập suốt đời, không chỉ dừng ở bậc đại học hay bậc thạc sĩ, tiến sĩ.
-Để sẵn sàng nguồn nhân lực trong ngắn hạn, Đề án phát triển nguồn nhân lực đã xác định kế hoạch đào tạo chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần hơn như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình. Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thí nghiệm, bên cạnh đặt hàng của Nhà nước như vậy thì cơ chế hợp tác công tư, đặt hàng theo đầu ra đối với các cơ sở đào tạo sẽ được đặt ra. Bàcó kiến nghị, đề xuất, hoặc ý tưởng nàođể phát triển vấn đề này hay không?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Chúng tôi rất mong muốn khi cơ chế đặt hàng được hoàn thiện hơn, giao thêm nhiều quyền lợi, lợi ích cho các bên khi tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp sẽ cùng chúng tôi tham gia quá trình đào tạo, giám sát quá trình đào tạo từ đầu vào cho đến đầu ra và tiếp nhận những nguồn lực lao động đã đặt hàng theo đúng cam kết.
Cơ chế minh bạch như vậy trong hợp tác công tư, hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học là những cầu nối rất quan trọng để mang chơi thở của thực tiễn vào trong quá trình đào tạo, cũng như là ngược lại những nghiên cứu trong các trường đại học có thể mang tính dẫn dắt để cho ra đời những công nghệ mới có tính thương mại hóa rất cao. Do đó, các bên đều sẽ có được những lợi ích tốt trong quá trình tham gia hợp tác.
Với sự đầu tư cũng như định hướng đúng đắn của Chính phủ, cùng với sự chung tay chia sẻ của tất cả Bộ, Ngành, các địa phương, tôi tin rằng những mong muốn, những mục tiêu đặt ra của chúng ta sẽ thành hiện thực.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy!