Đầu tư cho tương lai: Du học Hàn Quốc

- Thứ Tư, 05/11/2008, 00:00 - Chia sẻ
Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều chú trọng thúc đẩy trao đổi khoa học cũng như phát triển số lượng sinh viên du học tại mỗi quốc gia. Các bạn trẻ Việt Nam ngày càng yêu thích môi trường giáo dục hàng đầu châu Á này.

    

        Hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của Hàn Quốc có một số ưu thế như: đầu tư về con người bài bản, cơ sở hạ tầng phát triển, trình độ CNTT cao, gắn kết và dễ dàng liên thông với giáo dục Mỹ (chính vì vậy một số lượng lớn sinh viên Việt Nam chưa đủ điều kiện tài chính để đến Mỹ thường lựa chọn Hàn Quốc), Chính phủ chú trọng quốc tế hóa giáo dục ĐH nên có nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh (đặc biệt là sau đại học)... Ở Hàn Quốc có 7 loại hình trường đào tạo bậc ĐH, gồm các trường ĐH, CĐ công lập và tư thục; trường ĐH công nghiệp; trường ĐH sư phạm quốc gia; trường ĐH Hàng không; trường Trung cấp; Cao đẳng kỹ thuật và các học viện. Giáo dục ĐH ở Hàn Quốc chịu sự quản lý giám sát của Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực.
      Như đã nói ở trên, các trường ĐH và các viện nghiên cứu ở Hàn Quốc được trang bị cơ sở vật chất nghiên cứu khá tốt, thậm chí một số máy móc hiện đại ở các phòng thí nghiệm của Hàn còn mới và công nghệ hiện đại hơn một số trường ĐH lớn ở Mỹ. Bởi các trường ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc, như Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), xếp hạng thứ 65/100 trong danh sách top 100 trường đại học đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học của bảng xếp hạng nền giáo dục đại học... được chính phủ Hàn Quốc quan tâm đầu tư rất nhiều bằng các dự án và các chương trình hỗ trợ học bổng, như Kosef - giờ là KRF, Brain Korea, KOICA, IT... Sinh viên của các đơn vị này thường có khả năng xin được học bổng chính phủ rất cao và cơ hội việc làm cũng như học tiếp sau khi ra trường hoặc chuyển tiếp sang các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ nhiều hơn.
      Tất nhiên, cũng như các quốc gia phát triển, du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc thường được chia làm 2 loại: tự túc và theo các kênh học bổng. Với Việt Nam, Han Quốc thường cấp một số lượng học bổng toàn phần ở bậc ĐH và CĐ, sinh viên có thể đăng ký trực tiếp với Đại sứ quán hoặc tìm hiểu ở các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, còn có hệ thống học bổng của các Tổ chức hợp tác phát triển cũng như là chính các cơ sở đào tạo. Với sinh viên đại học, học bổng chỉ được cấp cho các chương trình học bằng tiếng Hàn Quốc, không cấp cho các chương trình học bằng tiếng Anh. Học bổng sau đại học bao gồm chương trình Thạc sỹ và Tiến sỹ, không bắt buộc thí sinh phải biết tiếng Hàn khi đăng ký, nhưng sẽ được bố trí thời gian học tiếng ở Hàn Quốc khi trúng tuyển. Một số chương trình học Thạc sỹ bằng tiếng Hàn, còn lại phần lớn luận án Tiến sỹ được viết bằng tiếng Anh cũng như các bài báo quốc tế. 
      Học bổng ở Hàn Quốc không cao như ở các quốc gia phát triển ở châu âu, nhưng mức sống và các chi phí cũng không rẻ hơn nhiều. Vì vậy, người nhận học bổng thường vẫn phải tìm cách làm thêm ở ngoài với nhiều loại công việc khác nhau, tùy thuộc trình độ cũng như khả năng. 
      Du học sinh tự túc tại Hàn Quốc cần có tài khoản hoặc sổ tiết kiệm từ 10.000- 30.000USD trong ngân hàng hoặc người bảo lãnh tài chính và tất nhiên là đạt đủ mọi điều kiện về ngôn ngữ, trình độ hàn lâm. Du học sinh tự túc thường lựa chọn con đường làm thêm để bù đắp chi phí, giảm gánh nặng cho gia đình. Trung bình một du học sinh được phép làm thêm 28 giờ/tuần trong suốt khóa học và 8h/ngày trong các kỳ nghỉ. Thu nhập của mỗi giờ làm việc từ 7 - 9USD. Tuy nhiên, để có thể vừa đảm bảo chất lượng học hành vừa kiếm thêm thu nhập, bạn phải biết bố trí thời gian hết sức hợp lý và có sức khỏe “phi thường”.

Quang Minh