Đại học Việt Nam và nước ngoài trao đổi học thuật về “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”

- Thứ Năm, 18/05/2023, 15:12 - Chia sẻ

Sáng nay 18.5, tại Trường Đại học Thương Mại, hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh đã trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức tại hội thảo quốc tế “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”.

Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” do Trường Đại học Thương Mại phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Quốc gia Chung Nam, Hàn Quốc và Đại học Sofia St. Kliment Ohridsk, Bulgaria đồng tổ chức.

Hội thảo đã thu hút 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh đến từ các đơn vị đồng tổ chức, các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. 

Đại học Việt Nam và nước ngoài trao đổi học thuật về “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” -0
Các đại biểu tham dự hội thảo

PGS,TS. Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, hội thảo tạo dựng diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề phát triển kinh tế xanh trên thế giới và tại Việt Nam, kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đồng thời, hội thảo được tổ chức cũng là hành động cụ thể có trách nhiệm xã hội của các đơn vị đồng tổ chức, đóng góp vào tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Đại học Việt Nam và nước ngoài trao đổi học thuật về “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” -0
Các đơn vị đồng tổ chức hội thảo 

Theo hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại, kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội đang được coi là lối thoát quan trọng để đưa các quốc gia ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững (sustainable development) với cả ba trụ cột là kinh tế, môi trường và xã hội.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của siêu bão, lũ và áp thấp nhiệt đới...

Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi môi trường, hệ sinh thái trái đất và là nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. WB ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.

Phát triển kinh tế xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược quốc gia. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã hội nhập với thế giới.

Đại học Việt Nam và nước ngoài trao đổi học thuật về “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” -0
Đại diện trường Đại học Quốc gia Chung Nam, Hàn Quốc trình bày tham luận tại hội thảo

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Đại học Việt Nam và nước ngoài trao đổi học thuật về “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” -0
PGS,TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại

PGS,TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại thông tin, hội thảo đã nhận được hơn 200 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ gần 50 cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp trên khắp cả nước và các đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Bungary, Hàn Quốc, trong đó có 123 báo cáo được lựa chọn in kỷ yếu Hội thảo.

Các báo cáo khoa học tập trung vào hai nhóm chủ đề: Thứ nhất, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam theo tiếp cận vĩ mô với các nghiên cứu về: Lý thuyết về phát triển kinh tế xanh; Xu hướng, kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và bài học rút ra cho Việt Nam; Thể chế, chiến lược, chính sách quốc gia và ngành, địa phương về phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững; Môi trường phát triển kinh tế xanh;

Thứ hai, Phát triển kinh tế xanh theo lĩnh vực và tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam với các nghiên cứu về: Các nguồn lực phát triển kinh tế xanh; Mô hình phát triển nền kinh tế xanh, mô hình kinh doanh có trách nhiệm.

Sau khai mạc hội thảo, các phiên của Hội thảo được tổ chức bao gồm phiên toàn thể và 04 phiên chuyên đề (03 phiên tiếng Anh và 01 phiên tiếng Việt) với 21 bài báo cáo của các diễn giả đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhật Hồng
#