“Mục đích của nhà trường là đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành”, PGS.TS Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Ngành nghề “khát” nhân lực nhưng không tuyển sinh ồ ạt
Sự ra đời của Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Đề án 99 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin của Chính phủ trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho hành động quyết liệt của Chính phủ trong lĩnh vực An toàn thông tin. Những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã phản ánh được phần nào nhu cầu xã hội trước những thách thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng.
Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo An toàn không gian số được giảng dạy bằng tiếng Anh. Quá trình xây dựng chương trình đào tạo là sự tích lũy kiến thức của các môn học nền tảng về an ninh mạng từ những ngày đầu thành lập Khoa Công nghệ thông tin (năm 1995), cùng những đóng góp của các chuyên gia đến từ các đại học và tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước.
Theo khảo sát năm 2020 của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế, dù lực lượng nhân sự an toàn thông tin thế giới tăng 25% trong năm 2020 với 3,5 triệu người, nhưng tính trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), tổng số nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam năm 2023 là 3.600. Tỉ lệ tăng trưởng 11,6% so với năm 2022 cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo mật của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trước những tấn công ngày một tăng trong thời đại số.
Với định hướng đào tạo nên những chuyên gia, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ tuyển sinh 40 sinh viên mỗi khóa.
“Các giảng viên Bách khoa biết mình đang “sở hữu” những sinh viên xuất sắc nhất, điều khó khăn là duy trì được sự đam mê cho người học”, PGS.TS Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin nói và cho biết theo đuổi ngành An toàn thông tin cần sự kiên trì và nỗ lực lớn.
Theo PGS.TS Quang Đức, điều khó nhất, nhưng cũng thú vị nhất của ngành học này là sự đổi mới liên tục, yêu cầu người học phải thường xuyên cập nhật kiến thức, bởi hacker (người tấn công hệ thống mạng) sẽ luôn phát hiện những lỗ hổng mới, trong khi những nhà bảo mật an ninh mạng cần tìm hiểu những cách thức tấn công mới để phòng thủ.
Đinh Thái Sơn, sinh viên năm ba Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông từng ngăn chặn thành công 3 triệu đợt tấn công vào một sản phẩm ngân hàng - tài chính trong một buổi chiều khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp. Nhận định đây là ngành học tiềm năng, Thái Sơn cho biết động lực để bản thân theo đuổi công việc này chính là ý nghĩa mang lại với cộng đồng.
Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ An toàn thông tin thế giới
Theo PGS.TS Trần Quang Đức, sự hiện diện của học giả người Việt trong những hội thảo lớn về An toàn thông tin hiện nay không nhiều. “Với tư cách là cơ sở giáo dục, chúng tôi theo đuổi một triết lý khác doanh nghiệp, đó là thúc đẩy nghiên cứu”, PGS.TS Trần Quang Đức cho rằng rất khó để xây dựng một ngành khoa học kỹ thuật vững chắc nếu không có đội ngũ nghiên cứu.
Tháng 7.2023, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội sang Úc để đề xuất tổ chức Hội thảo về Máy tính và An toàn thông tin truyền thông - ASIA CCS (ACM ASIA Conference on Computer and Communications Security), một trong 10 hội thảo lớn nhất thế giới về An toàn thông tin.
Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin nhìn nhận, không có cơ hội nào tốt hơn để các học giả và sinh viên trong lĩnh vực được tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu. Đây là thời cơ để tạo ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua việc tập hợp mạng lưới học giả, nghiên cứu - vốn đang bị phân tán tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Trần Quang Đức, công tác tổ chức Hội thảo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là việc phải làm. Đây là một trong những lý do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Trường đông (Soict winter school) với hi vọng tạo nguồn và thắt chặt mạng lưới hướng tới Hội thảo ASIA CCS năm 2025 tại Hà Nội.
Không chỉ các giảng viên đang nỗ lực vươn tầm quốc tế, sinh viên Bách khoa Hà Nội cũng có những cách riêng ghi dấu ấn trên đấu trường toàn cầu. Trong các cuộc thi CTFtime Capture The Flag, sinh viên từ Đại học Bách khoa Hà Nội thường lập nhóm với thành viên nước ngoài để học thêm kỹ năng lập trình và khai thác lỗ hổng, đồng thời hỗ trợ đồng đội nhờ điểm mạnh về mật mã, thuật toán.
Nhóm của sinh viên Đinh Thái Sơn xuất sắc giành giải Nhì trong cuộc thi Cyber Sea Game (Thái Lan); giải Nhất chung khảo hạng mục Thử thách theo chủ đề (Jeopardy) giai đoạn 1, và giải Ba chung khảo hạng mục Tấn công - Phòng thủ (Attack-Defense) giai đoạn 2 của Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN năm 2023.
“Những người làm an ninh mạng cần những bước nhảy vọt để phát triển và thành công”, Thái Sơn khẳng định tầm quan trọng của hoạt động kết nối xuyên biên giới với cộng đồng trên thế giới.
PGS.TS Trần Quang Đức cho biết, thời gian sắp tới, đội ngũ An toàn không gian số của Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn xây dựng một blog về An toàn thông tin do cộng đồng đóng góp và hướng tới cộng đồng. Hành động nhỏ nhưng mang sứ mệnh lớn: Truyền tải những kiến thức cơ bản về an ninh mạng một cách dễ hiểu, từ đó phát triển mạng lưới học giả nghiên cứu và từng bước tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ An toàn thông tin thế giới.