Đại học Bách khoa Hà Nội: Cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Công nghệ giáo dục

- Thứ Sáu, 27/01/2023, 06:07 - Chia sẻ

Công nghệ giáo dục (Educational Technology – EdTech là lĩnh vực tập trung vào việc vận dụng các loại hình công nghệ (Tech) trong giáo dục (Ed) nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và kết quả học tập.

Những xu hướng chính của công nghệ giáo dục hiện nay

Có thể dễ nhận thấy rằng, công nghệ đang liên tục thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi, sáng tạo và giao tiếp. Việc dạy và học không nằm ngoài xu thế đó, những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật đang tạo ra những cơ hội thay đổi lớn: Từ bàn tính cổ xưa đến máy tính cầm tay, từ máy chiếu slide và dải phim lớp học đến công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, một điều dễ nhận thấy là công nghệ giáo dục đang tiếp tục tiếp tục phát triển và ngày càng hiện diện nhiều hơn trong các lớp học và các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Theo David Warlick, người tiên phong về công nghệ giáo dục cho biết: “Chúng ta cần công nghệ trong mỗi lớp học, trong tay của mỗi học sinh và giáo viên, bởi vì nó là bút và giấy của thời đại chúng ta, và là lăng kính mà qua đó chúng ta trải nghiệm phần lớn thế giới của mình.”

Nói về công nghệ giáo dục (Educational Technology - EdTech), có rất nhiều định nghĩa được đưa ra trên các góc nhìn khác nhau, nhưng cơ bản, thì đây là lĩnh vực tập trung vào việc vận dụng các loại hình công nghệ (Tech) trong giáo dục (Ed) nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và kết quả học tập.

Theo những nghiên cứu của các giảng viên Viện Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội, những xu hướng chính của công nghệ giáo dục hiện nay bao gồm:

Đại học Bách khoa Hà Nội: Ngành Công nghệ giáo dục – kiến tạo tương lai số -0
Các xu hướng công nghệ giáo dục 

- Elearning/MOOC (Học tập trực tuyến/Khoá học trực tuyến đại chúng mở): Giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có triển vọng lớn với hơn 23 triệu sinh viên, thu nhập trung lưu tăng và tỷ lệ sử dụng internet cao trên 70%. Một số nền tảng Elearning/MOOC phổ biến gồm Moodle, Canvas, Coursera, EdX….

-  AI (Trí tuệ nhân tạo) và cá nhân hoá học tập: Đây là các xu hướng sử dụng các ứng dụng, phần mềm, chương trình sử dụng AI ngày càng tăng cao đáp ứng nhu cầu học tập, tùy chỉnh tốc độ, lộ trình học phù hợp cho riêng mình mà không cần sự can thiệp quá nhiều từ giáo viên. Ví dụ: Ứng dụng ELSA Speak.

-  Trò chơi số trong học tập: Đây Là hình thức sử dụng công nghệ để hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động học tập thông qua trò chơi, một phương pháp dạy học tích cực nhằm kích thích sự tham gia và tăng tính giải trí trong các tiết học.

-  Thực tế ảo và Thực tế ảo tăng cường: Virtual Reality/Augmented Reality hay VR/AR là một hình thức mô phỏng hoạt cảnh trong môi trường ảo được phỏng theo thế giới thực thông qua thị giác, thính giác, hiệu ứng xúc giác của người dùng.

-  Mobile learning/Micro Learning (Học tập di động/Học tập chia nhỏ): Với số lượng thiết bị di động cầm tay như điện thoại hay máy tính bảng gần như phủ sóng khắp nơi, hình thức học tập di động thông qua các App di động cũng như cách học micro learning (nội dung học được chia nhỏ trong thời gian ngắn – phù hợp với kích cỡ của các thiết bị di động) đang là một trong những xu thế mới giai đoạn gần đây.

- IoT (Internet vạn vật) và trường học thông minh:  Kinh tế phát triển dẫn tới nhu cầu lớn về đầu tư và mua sắm cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục, các loại hình công nghệ IoT và các thiết bị thông minh trong trường học cũng là một trong các xu thế đang được quan tâm.

Về góc nhìn thị trường, trong những năm gần đây, một số lượng đáng kể các nhà đầu tư đã chuyển trọng tâm sang lĩnh vực giáo dục để tìm kiếm nhiều cơ hội hơn tại Việt Nam, đặc biệt là hướng tới thị trường EdTech vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Thị trường EdTech ở Việt Nam mặc dù còn khá mới mẻ và non trẻ, nhưng sẽ được hưởng lợi từ những nghiên cứu và sản phẩm đi trước của thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, theo thống kê 70% dân số Việt Nam kết nối internet. Đây là một trong những điều kiện cần để triển khai ứng dụng công nghệ giáo dục rộng rãi trong cộng đồng.

Ngoài ra, người Việt Nam có tinh thần hiếu học, có thể nói đây là một phần văn hoá trong mỗi gia đình người Việt Nam. Người Việt Nam chi tới 30% thu nhập khả dụng cho giáo dục và các bậc cha mẹ sẵn sàng trả thêm tiền để đảm bảo giáo dục chất lượng tốt hơn cho con cái của họ. Nên đối tượng khách hàng tiềm năng của EdTech rất rộng lớn.

Cùng với các xu thế EdTech đang diễn ra, tại Việt Nam, Chính phủ cũng có những thay đổi và định hướng mới.

Cụ thể ngày 25.01.2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung: “Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.”

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc ứng dụng công nghệ trong các lớp học và cơ sở giáo dục - đào tạo, dẫn tới có một lượng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này cũng bắt đầu được định hình.

Bắt kịp nhu cầu và xu thế của thị trường, cùng định hướng của Chính phủ, Đại học Bách Khoa Hà Nội từ năm 2019 bắt đầu đào tạo ngành “Công nghệ giáo dục” với mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng về công nghệ, đặc biệt tập trung vào CNTT chuyên trách cho lĩnh vực giáo dục và truyền thông. 

Đặc trưng của ngành Công nghệ giáo dục

Đặc trưng của ngành Công nghệ giáo dục tại Đại học Bách khoa Hà Nội có thể được mô tả bằng công thức: 

   Công nghệ giáo dục = Công nghệ + Giáo dục + Truyền thông.

Ở khía cạnh Công nghệ: ngành học sẽ quan tâm các xu hướng công nghệ mới, các nền tảng kỹ thuật với những ứng dụng của chúng trong các hoạt động đào tạo như: Hoạt động dạy + Hoạt động học + Hoạt động đánh giá + Hoạt động quản lý lớp…

 Ở khía cạnh Giáo dục: ngành hoc sẽ quan tâm tới các vấn đề về lý luận và phương pháp sư phạm tiên tiến được sử dụng trong cách lớp học và nội dung học, các chính sách hay nghiệp vụ quản lý giáo dục tại cơ sở đào tạo.

Ở khía cạnh truyền thông: ngành học sẽ quan tâm tới các phương pháp chuyển tải và thể hiện nội dung tri thức trên các nền tảng kỹ thuật công nghệ một cách tốt nhất.

Với định hướng nội dung kiến thức cốt lõi như trên, cử nhân tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục ED2 tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là một trong những lực lượng tiên phong và nòng cốt đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giáo dục nhằm đổi mới các phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, đây vẫn là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên và duy nhất đào tạo ngành học này.

Một số thông tin về chương trình đào tạo đại học ngành “Công nghệ giáo dục” của Đại học Bách khoa Hà Nội như sau:

Hình thức xét tuyển

Mã xét tuyển

Tổ hợp xét tuyển

Chỉ tiêu 2023

  • Xét tuyển thẳng (Xét tuyển tài năng)

ED2

Xét tuyển bằng Giải thưởng HSG QG-QT/Chứng chỉ Quốc tế/Hồ sơ năng lực

80

  • Xét tuyển dựa trên kết quả Bài kiểm tra tư duy của ĐHBK Hà Nội

ED2x

  • Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT

ED2y

A00, A01, D01

Thông tin chi tiết tại: https://ts.hust.edu.vn/nganh-dao-tao/cong-nghe-giao-duc

Nhật Hồng
#