Cố gắng hết sức để có dự thảo Luật Nhà giáo tốt nhất

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Ban soạn thảo sẽ cố gắng hết sức để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu nhằm có dự thảo Luật Nhà giáo tốt nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới.

Ngày 10.7, Cơ quan thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực họp phiên chuyên đề tham vấn ý kiến đối với một số nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Hội đồng, Ủy viên các tiểu ban thuộc Hội đồng, đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương; đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo, một số cơ sở giáo dục đại học, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà khoa học...

dsc_3944.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Ban soạn thảo sẽ cố gắng hết sức để có dự thảo luật tốt nhất trình Quốc hội. Ảnh: Trần Hiệp

Các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành hành Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo và tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Đồng thời, quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

nth_6261 (1).jpg -2
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chủ trì phiên họp. Ảnh: Trần Hiệp

Ghi nhận sự cố gắng của Ban soạn thảo khi các quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo đã cơ bản bao phủ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nhà giáo và hoạt động của nhà giáo, song các đại biểu cho rằng, vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện để Luật ra đời giải quyết được những điểm nghẽn hiện nay, đặc biệt là mối quan hệ giữa ngành giáo dục với ngành nội vụ, ngành tài chính.

Về cơ sở pháp lý, cần có hướng giải quyết mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác như Bộ luật Lao động; Luật Công đoàn; Luật Thể dục, thể thao…, chứ không chỉ với một số luật hiện hành liên quan trực tiếp đến nhà giáo là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức. Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước gần với Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc...; đồng thời đưa ra bức tranh tổng thể về luật điều chỉnh nhà giáo trên thế giới để có tính thuyết phục hơn.

Định danh rõ nhà giáo với những đặc trưng nổi bật

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, cần định danh rõ khái niệm nhà giáo trong Luật Nhà giáo, đặc biệt là xác định rõ những đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để làm cơ sở cho việc quy định các yêu cầu về quản lý nhà giáo phù hợp các đặc trưng của nghề dạy học - giáo dục trong giai đoạn mới.

“Nhà giáo không chỉ là người biết mười dạy một để truyền thụ kiến thức cho người học; nhà giáo không chỉ là viên chức, là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục; mà quan trọng hơn, nhà giáo là nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước... Điều đó đặt ra những yêu cầu mới về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ và chính sách đãi ngộ nhà giáo”.

dsc_3984.jpg -0
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đề nghị định danh rõ khái niệm nhà giáo trong Luật Nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp

TS. Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, Luật Nhà giáo cần quy định thống nhất các yêu cầu về chuẩn nhà giáo (chuẩn nghề nghiệp nhà giáo) và chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục; phân công, phân cấp quản lý nhà giáo bảo đảm các cơ quan của ngành giáo dục được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với Chính phủ, với Ủy ban Nhân dân các cấp và tổ chức thực hiện toàn bộ các khâu về công tác quản lý nhà giáo đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng.

Luật Nhà giáo cũng cần quy định rõ nội dung quản lý nhà giáo và cơ chế tự chủ trong quản lý nhà giáo của các cơ sở giáo dục như là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, quy định rõ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của nhà trường và nhà giáo…

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cần có định nghĩa bao quát hơn về nhà giáo, có thể bao gồm các đối tượng nhân sự giáo dục khác hoạt động trong cơ sở giáo dục. “Những người làm việc trong các cơ sở giáo dục trực tiếp có ảnh hưởng, tác động đến tính cách, nhân cách người học thì đều được gọi là nhà giáo”.

Đánh giá tác động nhiều chiều của giấy phép hành nghề nhà giáo

Giấy phép hành nghề nhà giáo là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến. Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho đây là quy định “rất hay”, góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục, cũng đặt ra yêu cầu nhà giáo phải luôn học hỏi. Nhưng bà Doan phân vân, gọi là giấy phép hành nghề hay giấy chứng nhận? Bởi nếu gọi là giấy phép hành nghề thì không thấy tính nhân văn của giáo dục. Kết quả hành nghề nhà giáo phải nhiều năm sau mới nhận ra. Hơn nữa, nếu làm không cẩn thận sẽ nảy sinh tiêu cực.

Vì thế, “cần nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều của quy định này đối với nhiều đối tượng (cả giáo viên, phụ huynh); rà soát, bảo đảm tính tương thích với các điều luật khác trong dự thảo Luật”.

dsc_4099.jpg -1
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều của Giấy phép hành nghề nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp

GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, Luật Nhà giáo có một mục đích rất quan trọng: Khẳng định dạy học là một nghề! Mà “đã là một nghề thì người hành nghề phải có chứng chỉ nghề nghiệp”. Tuy nhiên, cần làm rõ vai trò, tính pháp lý của giấy phép hành nghề dạy học trong mối quan hệ với các chứng chỉ, văn bằng khác do các luật khác quy định đối với viên chức, người lao động, trên quan điểm chất lượng, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và Nhà nước.

PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Phenikaa, cũng thống nhất với việc phải có giấy phép hành nghề nhà giáo, cho đây là một chế định rất quan trọng; đề nghị đẩy nhanh chuyển đổi số để cấp chứng chỉ hành nghề, nhằm tránh tiêu cực như một số đại biểu băn khoăn.

Phát huy trí tuệ, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhấn mạnh, Luật Nhà giáo là dự luật mới, khó, yêu cầu cao, kỳ vọng lớn, thời gian gấp, các công việc được tiến hành khẩn trương. Ban soạn thảo tâm niệm rằng, việc phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, các nhà giáo, quyết định chất lượng dự thảo Luật.

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, sâu sắc, toàn diện các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật, gia tăng những chỗ chi tiết, tính khả thi, lấy ý kiến và cân nhắc kỹ từng điểm nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, từ mong muốn và ý tưởng đến tính khả thi, sự bao quát của dự thảo Luật là cả một chặng đường. Không kỳ vọng có một dự thảo Luật “tận thiện tận mỹ ngay khi trình” nhưng Ban soạn thảo cố gắng hết sức để đến thời điểm trình Quốc hội có văn bản luật tốt nhất có thể.

“Luật Nhà giáo đặt ra vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý lực lượng nhà giáo, đem lại nhiều điều cho nhà giáo, nhưng cũng yêu cầu nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng không ngừng, thường xuyên. Đó là đòi hỏi của thời đại, của sự đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Cô giáo tâm huyết với nghề
Giáo dục

Cô giáo tâm huyết với nghề

Tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Vũ Thị Vân (SN 1976), Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.