Bà Doris Wessels - Giáo sư tin học của Đại học Khoa học Ứng dụng Kiel, người đã nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nền giáo dục trong nhiều năm. Khi truy cập vào ChatGPT lần đầu tiên, bà đã miêu tả đó là một "khoảnh khắc kỳ diệu".
Bất kỳ ai cũng có thể tương tác với ChatGPT thông qua trình duyệt trên Internet. Người dùng chỉ cần nhập câu hỏi hoặc lệnh và ChatGPT sẽ trả lời. Trong vòng năm ngày kể từ khi phát hành, 1 triệu người đã đăng ký sử dụng chương trình này.
Được biết, ChatGPT có thể giải thích, lập trình, tranh luận với hiệu quả và tốc độ đáng ngạc nhiên.
Mike Sharples, Giáo sư tại Đại học Mở ở Vương quốc Anh, đã chứng kiến những bước đột phá lớn của công nghệ như vậy trong suốt 40 năm sự nghiệp của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả tiền thân của ChatGPT có tên là GPT-3.
Sharples cảnh báo rằng ChatGPT sẽ gây ra tình trạng đạo văn nghiêm trọng. Một số sinh viên đã sử dụng công nghệ này để giúp họ viết các bài luận bằng ngôn ngữ học thuật một cách hoàn hảo. Tuy vậy, vẫn có những bằng chứng thực tế cho thấy phản hồi của ChatGPT vẫn chưa thực sự chính xác.
ChatGPT có phải là mối đe dọa đối với nền giáo dục?
ChatGPT có thể được sử dụng để viết bài nghiên cứu. Sharples đã yêu cầu AI tạo ra một bài báo khoa học mà ông nhận định là "có thể vượt qua bài đánh giá học thuật đầu tiên".
Mặt khác, ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển cùng các hệ thống AI đang ngày càng lớn mạnh. Nhiều sinh viên đang học cách sử dụng AI trong giáo dục với tốc độ nhanh hơn cả giáo viên của họ.
Sinh viên thường có xu hướng cập nhật về các công nghệ AI mới một cách nhanh chóng thông qua phương tiện truyền thông và muốn trải nghiệm thực tế các phương pháp này.
Wessels nhìn thấy một "kịch bản kinh dị có thể xảy ra" đối với sự bành trướng của ChatGPT sẽ khiến sinh viên, học sinh lạm dụng hệ thống này để hoàn thành bài tập về nhà hay các bài luận được giao trên lớp.
Quá ít dữ liệu để đánh giá mối đe dọa từ ChatGPT
Debarka Sengupta, người đứng đầu Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Infosys tại Viện Công nghệ Ấn Độ Delhi cũng có mối quan tâm tương tự.
Sengupta lo lắng rằng các tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập có thể bị ảnh hưởng nếu học sinh bắt đầu phụ thuộc vào công nghệ. Theo ông Sengupta, nếu học sinh ngừng học cách tự viết luận và sử dụng ChatGPT, học sinh sẽ trở nên "cực kỳ lười biếng và phụ thuộc".
Sinh viên đến trường để học chứ không phải để gian lận, nên chúng ta cần đánh giá thấu đáo tác động của ChatGPT đối với nền giáo dục là một cơ hội hay là một thách thức.
Chatbot AI có thể giúp sinh viên như thế nào
Bernadette Mathew là một trong những sinh viên của ông Sengupta và cô đang nỗ lực nghiên cứu về sự phát triển của ung thư để lấy bằng tiến sĩ sinh học.
Các thí nghiệm của Mathew tạo ra một lượng lớn dữ liệu cần được phân tích nhưng không thể thực hiện thủ công. Vì vậy, cô đã học cách viết mã, sử dụng máy tính để tự động hóa và tăng tốc quá trình phân tích dữ liệu. Nhưng việc học viết mã khiến cô phải vật lộn để theo kịp quá trình nghiên cứu của mình.
Sengupta đã nghe về những khó khăn của Mathew và giới thiệu ChatGPT cho cô ấy, và Mathew đã nhận thấy đó là một sự trợ giúp lớn.
Chatbot giải thích những gì cô không hiểu về mã hóa, nó tìm ra lỗi mã hóa của công trình nghiên cứu và đôi khi Mathew để ChatGPT tự viết mã cho mình.
Mathew chia sẻ thêm rằng: "Trò chuyện với ChatGPT giống như trò chuyện với người thật. Nếu tôi biết về công cụ này sớm hơn, tôi có thể tiết kiệm cho mình rất nhiều thời gian và công sức".
Mathew tin rằng những chatbot này sẽ "cách mạng hóa" công việc của các nhà sinh học thực nghiệm, cho phép các nhà nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu của họ thay vì phải học cách viết mã hay ôm đồm quá nhiều kiến thức mới.
Wessels cho biết ChatGPT cũng có thể giúp sinh viên ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, nó có thể hỗ trợ sinh viên viết đoạn mở bài của một bài luận để giúp họ vượt qua "nỗi sợ hãi trước trang giấy trắng".
Hãy nghĩ về ChatGPT như một chiếc máy tính trong môn toán học
Máy tính đã thay đổi cách dạy toán học. Trước khi có máy tính, thường thì tất cả những gì quan trọng là kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, khi máy tính ra đời, điều quan trọng là phải chỉ ra cách bạn đã giải quyết vấn đề - phương pháp của bạn và nhận định đâu là cách tối ưu nhất.
Một số chuyên gia đã gợi ý rằng điều tương tự có thể áp dụng với các bài luận học thuật. Bài luận không còn được đánh giá chỉ dựa trên nội dung mà còn về cách học sinh chỉnh sửa và cải thiện văn bản do AI tạo ra.
Trí tuệ nhân tạo không phải là trí thông minh toàn diện
ChatGPT không hiểu các bài tiểu luận mà nó viết, nó không hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ. Giống như một con vẹt chỉ lắng nghe các cuộc trò chuyện và nhại lại chúng. Một chatbot AI chỉ xử lý và trình bày ngôn ngữ cũng như dữ kiện mà nó đã được cung cấp. Và điều đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề.
Vì vậy, cũng như các công nghệ AI khác, con người vẫn cần phải xem xét và biên tập lại các văn bản do AI tạo ra. Việc chỉnh sửa đó thường phức tạp và đòi hỏi kiến thức thực sự chuyên sâu về một chủ đề cần được nghiên cứu.