Ngày 13.12, tại TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023. Tham dự hội thảo có 200 đại biểu đến từ 63 Sở GDĐT dự Hội nghị.
Biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa còn chậm so với yêu cầu
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm 2018 Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, từ năm học 2019-2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1, đến năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.
Công tác chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT đã bao quát đầy đủ các vấn đề: chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tập huấn giáo viên, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới.
Triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kết quả triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương, cơ sở giáo dục trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã được thực hiện có hiệu quả; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.
Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cũng báo cáo về một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, Chương trình khi ban hành chưa đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục nên phải tiếp tục ban hành bổ sung trong các năm sau, gây khó khăn cho việc chuẩn bị sách giáo khoa và triển khai thực hiện đối với một số môn học.
Việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa còn chậm so với yêu cầu triển khai. Một vài sách giáo khoa môn học còn gây băn khoăn trong dư luận. Việc lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa ở một số địa phương còn chậm hoặc có thiết sót, hạn chế.
Việc biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương của một số địa phương còn chậm muộn, chất lượng một số tài liệu giáo dục địa phương còn hạn chế.
Công tác mua sắm thiết bị dạy học gặp khó khăn; nhiều địa phương, nhà trường thiếu thiết bị dạy học tối thiểu, gặp khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên ở các môn học mới ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa khoa học, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục mới còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình mới.
Khó khăn trong đặt hàng đào tạo giáo viên
Tại hội thảo,nhiều các ý kiến đại biểu đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương như về thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên, khó khăn triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về đặt hàng đào tạo giáo viên, khó khăn do giảm biên chế giáo viên cơ học tại nhiều địa phương…
Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, thành phố hiện còn thiếu khoảng 1.350 giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc cũng đang diễn ra tại Hải Phòng, khi trong năm qua có 237 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.
Liên quan tới việc triển khai Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương Lương Văn Việt kiến nghị cần có hướng dẫn chi tiết cho việc tổ chức đấu thầu, định mức, cơ chế quản lý trước và sau bồi dưỡng, đào tạo giáo viên.
Đối với đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp, Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho rằng, dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để đảm bảo chất lượng và khó để xã hội yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác, do đó các trường sư phạm cần sớm mở mã ngành và sớm đào tạo giáo viên tích hợp.
Một số khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được các địa phương đề cập như: nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc đấu thầu thiết bị dạy học, cần thiết xây dựng bộ mẫu quy chuẩn; chưa có định mức xây dựng các trường liên cấp; thiếu máy tính học tập cho học sinh; phòng học bộ môn còn thiếu so với yêu cầu…
Thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 thì triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.
Chính thức đi vào thực hiện từ năm 2020 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là vừa phải vật lộn với dịch bệnh vừa thực hiện đổi mới căn bản, song theo Bộ trưởng, nửa chặng đường triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ở các phương diện: Triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước, tất cả đã vào cuộc.
Khẳng định sẽ không có bản tổng kết nào có thể kể hết được những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo để triển khai Chương trình, Bộ trưởng ghi nhận, công đầu thuộc về các Sở GDĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp.
“Trước mắt chúng ta còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng chúng ra đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những gì chưa làm được là bộ phận, là việc nhỏ hơn những việc đã làm được”, Bộ trưởng nói.
Từ kết quả nửa chặng đường đầu, Bộ trưởng lưu ý những việc cần làm trong nửa chặng đường tiếp theo. Trong đó, nhấn mạnh sâu sắc phương diện ý chí, quyết tâm, với khẳng định: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công.
Khi xác định được thái độ như vậy, cần tiếp tục có thêm những thuyết phục với chính quyền địa phương, phụ huynh… để tiếp tục tạo sự chia sẻ, đồng thuận với quá trình thực hiện đổi mới. Đối với đội ngũ giáo viên, cần ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa, bởi họ chính là những "chiến sĩ" trên mặt trận đổi mới.
Đề cập tới nhóm công việc liên quan đến thể chế, văn bản quản lý điều hành, Bộ trưởng cho biết, đây là nhóm việc sẽ phải quan tâm tiếp để rà soát, điều chỉnh và không ngại điều chỉnh.
Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ được Bộ GDĐT chủ trì xây dựng trong thời gian tới là Luật Nhà giáo. Với nhiệm vụ quan trọng này, Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT, đội ngũ nhà giáo cả nước sẽ cùng tham gia, cùng hô ứng.
Trao đổi về nhóm việc liên quan tới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng chia sẻ quan điểm, cần làm từng bước và kiên trì. Với nhóm việc về chuyên môn, Bộ trưởng yêu cầu, cần tăng cường hơn nữa trao đổi chuyên môn hai chiều giữa Bộ và các Sở GDĐT, nhà trường, giáo viên; các vấn đề về chuyên môn phát sinh phải xử lý ngay.
“Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì. Trong thời gian còn lại triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể tính đến việc thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên”, Bộ trưởng nêu rõ.