Bằng giỏi trường Đại học Ngoại thương
Trần Việt Dũng sinh năm 1992, trong một gia đình lao động nghèo ở Thái Bình. Cha Dũng làm nghề xe ôm, mẹ bán nước mía mưu sinh. Khi chưa đầy 1 tuổi, Dũng mắc viêm màng não, được cấp cứu kịp thời, nhưng di chứng để lại sau đó là bên tai trái hoàn toàn không nghe được. Kinh tế gia đình thời điểm ấy nhiều khó khăn, Dũng không có điều kiện chữa trị tới nơi tới chốn.
Từ nhỏ tới lớn, Dũng luôn trong tình trạng thấy khó nghe. Suốt những năm học từ tiểu học lên phổ thông, anh đều xin thầy cô được ngồi bàn đầu. Dũng gọi điều thiếu may mắn của mình là “trong cái rủi có cái may”, bởi chính nhờ việc buộc phải lên ngồi bàn đầu, anh đã tự rèn được thói quen chăm chú học, tuyệt đối nghiêm túc trong giờ học, từ đó tiếp thu bài rất hiệu quả.
Cấp 3, Dũng thi đỗ trường chuyên của tỉnh. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp THPT, anh trúng tuyển vào ngành Kinh Tế - ngành có điểm chuẩn cao và là ngành uy tín, truyền thống nhất của Trường Đại học Ngoại thương. Từ đây, Dũng bắt đầu hành trình chinh phục 4 tấm bằng đại học chính quy trong 6,5 năm - điều có lẽ ít người làm được.
Dũng tâm sự, trong quá trình học ngành Kinh tế tại Trường Đại học Ngoại thương, anh gặp được rất nhiều thầy cô trẻ, rất giỏi của khoa Tài chính ngân hàng, sang khoa Kinh tế dạy những môn chung của hai khoa. Dũng được truyền cảm hứng từ đó, bắt đầu thấy hứng thú với việc tìm hiểu về công việc tại các tổ chức tài chính và thấy yêu thích công việc làm tài chính. Anh quyết định đăng ký học thêm một chuyên ngành nữa ở Trường Đại học Ngoại thương là Tài chính quốc tế.
Thời điểm này, Dũng gặp khó khăn lớn trong việc học tiếng Anh, thường xuyên tự ti vì thấy nhiều bạn cùng trường rất giỏi, năng động và nói tiếng Anh trôi chảy. Để nâng cao khả năng của bản thân, anh có quyết định táo bạo là ôn thi vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, với suy nghĩ sẽ học được nhiều kiến thức ngoại ngữ hơn.
Vậy là vừa học song song 2 ngành bên Trường Đại học Ngoại thương, Dũng vừa ôn thi khối D và trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ sau 1,5 năm miệt mài ôn luyện.
Để không bị trùng lịch học, Dũng đăng ký học buổi sáng tại Trường Đại học Ngoại thương (chia đều cho 2 ngành), buổi chiều học tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Với một số môn bất đắc dĩ trùng lịch học, Dũng chọn đăng ký học tại Ngoại thương, vì trường Ngoại ngữ có kỳ hè và có thể cho sinh viên đăng ký học bù.
Sau khi kết thúc lịch học trên trường, buổi tối, Dũng đi gia sư để có tiền đóng học phí. Tới khuya, anh mới trở về nhà và ngồi học bài cũ, chuẩn bị bài cho buổi sáng hôm sau. Anh duy trì lịch sinh hoạt này liên tục suốt 6,5 năm, bởi vậy có khá ít thời gian để ngủ.
“Thực ra tôi cũng mệt, nhưng tôi biết nếu không học sẽ không thể nào kịp ôn thi, tất cả sẽ trở thành “xôi hỏng bỏng không”. Bởi vậy mà cứ buổi sáng và buổi chiều học môn nào, tối khuya tôi sẽ ôn bài ngay, ngày nào cũng như vậy”, anh Dũng kể.
Những ngày đầu đi học, không đủ tiền mua máy trợ thính, Dũng gom góp, dành dụm đủ 600.000 đồng mua một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm. Anh luôn cố gắng đi học thật sớm để được ngồi bàn đầu, mỗi tiết học đều chăm chú tuyệt đối, ghi âm lại lời giảng của thầy cô, tối nào cũng nghe đi nghe lại bài giảng hàng chục lần.
Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân Kinh tế tại Trường Đại học Ngoại thương, chỉ còn học 2 ngành là Tài chính quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) và Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), Dũng bỗng thấy “thiếu thiếu” khi khối lượng bài vở không quá nặng như trước. Anh quyết định học thêm bằng Luật Kinh tế, kết thúc chương trình học vào giữa năm 2017.
Trong 6,5 năm, Dũng nhận 4 tấm bằng đại học, trong đó 2 bằng Giỏi ở ngành Kinh tế và Luật Kinh tế.
Tự trang trải học phí và hành trình học ngoại ngữ từ “kém nhất lớp” tới 8.0 IELTS, 990 TOEIC
Hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc Dũng phải đi dạy thêm để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống. Ban đầu, anh nhận lớp gia sư qua một trung tâm gia sư, dạy kèm học sinh 1-1. Về sau, thấy Dũng chăm chỉ, dạy hiệu quả, số phụ huynh tìm đến anh nhờ cậy dạy kèm cho con ngày càng nhiều.
Những năm 2011-2012, có thời điểm Dũng nhận được 600.000 đồng mỗi buổi dạy, lịch dạy gần như kín cả tuần. Một tháng, cậu sinh viên khi ấy đã có thu nhập từ 12-15 triệu đồng. Dũng ăn tiêu dè sẻn, cả tiền nhà, ăn uống và sinh hoạt phí mỗi tháng chỉ chi tiêu trong khoảng 2 triệu đồng. Số còn lại, anh dành đóng học phí ở cả 2 trường, còn phần dư gửi về quê giúp đỡ bố mẹ.
Dũng tâm sự, từ bé đến lớn, anh không có cơ hội đi học thêm. Có lẽ điều này đã giúp anh có thói quen tự học. Kết quả IELTS 8.0, TOEIC 990 và 9.0 VSTEP của Dũng cũng đến từ việc tự học và nhờ các thầy cô trong trường đại học hướng dẫn thêm, thay vì đến các trung tâm luyện thi và được hướng dẫn ôn thi bài bản.
Ít ai biết rằng, Dũng từng học rất kém môn tiếng Anh. Ngày vừa trúng tuyển Ngoại thương, Dũng tham gia thi xếp lớp tiếng Anh ở trường và chỉ đạt 225/990 điểm. Dù học ở lớp có xuất phát điểm ngoại ngữ thấp nhất lứa sinh viên năm đó, kết quả môn tiếng Anh của Dũng vẫn kém nhất lớp. Anh chia sẻ, việc mất thính lực một bên tai khiến anh “nghe tiếng Việt đã khó, nghe tiếng Anh càng khó hơn”.
Suốt những ngày tháng sau đó, Dũng cố gắng cải thiện điểm yếu bằng cách tăng thời gian học. Nếu các bạn nghe khoảng 5-7 lần đã nắm được bài, Dũng phải nghe 15-20 lần. Anh chấp nhận hạn chế của mình và giữ niềm tin chỉ cần bền bỉ, chăm chỉ sẽ làm được. “Khó khăn thì luôn luôn có, nhưng tôi tin rằng sẽ luôn có một giải pháp cho một câu chuyện, vấn đề duy nhất là tâm thế chúng ta khi đối diện với khó khăn ra sao”, Dũng nói.
Trong các kỳ thi TOEIC, IELTS và VSTEP, anh tham gia thi như một người bình thường, không xin được hỗ trợ về thiết bị nghe. Dũng không mong bản thân mình được “ưu ái” hay đối xử một cách đặc biệt. “Những năm đi học đại học hay kể cả sau này, tôi chưa từng nói với thầy cô vấn đề của mình để mong được tạo điều kiện trong học tập hay thi cử. Tôi luôn mong được đối xử một cách bình thường, mặc dù sự cố gắng của mình có thể khác người bình thường một chút”, Dũng nói.
Điểm tựa lớn nhất…
Dũng cho rằng, bản thân anh luôn bền bỉ, vững tâm trước khó khăn là bởi anh có điểm tựa về mặt tinh thần rất lớn - đó chính là bố mẹ. Sự vất vả, khó nhọc, hy sinh của bố mẹ khiến Dũng có sức mạnh vượt qua mọi nghịch cảnh.
Dũng kể, ngày bé, sau mỗi giờ học, anh đều phải phụ mẹ bán nước mía. Mỗi khi bán nước cho những người khách khá giả, lại nhìn về hình ảnh cực khổ của cha mẹ, Dũng tự nhủ phải cố gắng để “thoát nghèo”, để bố mẹ không phải ngày ngày lao ra đường bươn chải.
“Sau này lớn lên, mẹ tôi bảo rằng thực ra hồi đó có thể làm cho tôi những việc như vậy, nhưng mẹ không làm hộ vì muốn giáo dục tôi về sự khổ cực, cực nhọc của lao động. Tôi đã được dạy về giá trị của sự lao động như thế. Nên từ nhỏ, tôi lúc nào cũng nghĩ mình phải tận dụng bằng mọi giá để học cho có kết quả”, Dũng kể.
Nhớ lại khoảng thời gian học cùng lúc 3 ngành ở đại học (2 ngành tại Trường Đại học Ngoại thương, 1 ngành tại Trường Đại học Ngoại ngữ), Dũng từng có thời điểm rơi vào stress, kiệt quệ về nhiều mặt. Bởi khối lượng bài học quá lớn, lại thêm việc vẫn phải đi làm để trang trải học phí. Anh từng có suy nghĩ bỏ học Ngôn ngữ Anh để chỉ tập trung vào 2 ngành tại trường Ngoại thương.
Thế nhưng, anh đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất một cách diệu kỳ, bởi động lực to lớn: học thay phần mẹ.
Ngày còn trẻ, mẹ của Dũng từng rất muốn học ngoại ngữ nhưng vì nghèo khó, bà buộc phải bỏ dở ước mơ. “Tôi tự nghĩ, chuyện học hành của mình không phải chỉ cho mình nữa mà còn có một phần để hoàn thành ước mơ trong cuộc đời của mẹ. Nếu làm được điều đó, chắc chắn mẹ sẽ rất hạnh phúc”, Dũng tâm sự.
Sau này nhìn lại, Dũng bảo, vì đã chịu được, đã quen với áp lực ở mức quá lớn như vậy, nên những khó khăn, áp lực sau đó không còn là gánh nặng đối với anh.
Hiện nay, Dũng đang là giáo viên tiếng Anh, tự mở những lớp học ngoại ngữ của riêng mình và thu hút rất đông học viên đăng ký học. Các học trò cũng được truyền cảm hứng rất lớn từ câu chuyện của anh.
Nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang gặp nhiều chênh vênh khi đối diện với áp lực, khó khăn trong cuộc sống, Dũng chia sẻ, khi bạn có niềm tin vào bản thân và con đường mình đang đi, có sức mạnh tinh thần, ý chí tốt, bạn sẽ nhìn thấy điều kỳ diệu.
“Tôi nghĩ rằng điều chúng ta thực sự cần quan tâm là làm thế nào để có được một mục tiêu đúng, có niềm tin vào bản thân và con đường mình đi. Có những điều ấy, các bạn chắc chắn sẽ làm được”, anh Dũng cho hay.