Bộc lộ hạn chế trong thực tiễn khi giảng viên chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GD-ĐT Vũ Minh Đức nhấn mạnh 4 quan điểm chính để thực hiện trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ nhất, phải thể chế hóa được quan điểm của Đảng, Nhà nước về “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “nhà giáo giữ vai trò quan trọng, quyết định trong chất lượng giáo dục”. Thứ hai, phải kiến tạo được môi trường phát triển cho đội ngũ nhà giáo. Thứ ba, đảm bảo việc bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo có yếu tố nước ngoài. Thứ tư, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
“Đây là những nội dung xuyên suốt cần thực hiện trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo. Câu hỏi đặt ra của lãnh đạo Bộ GD-ĐT đối với Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo sau khi luật ban hành, nhà giáo được điều gì? Cái “được” ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng, tức là không chỉ được về lợi ích vật chất mà còn có những lợi ích khác quan trọng hơn - đó là vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo, cũng như sự phát triển nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Bộ luật này phải trả lời câu hỏi như vậy”, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho hay.
Theo ông Đức, 5 chính sách đã được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Riêng với nội dung về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho biết, phạm vi của đào tạo nhà giáo là đào tạo giáo viên với khối giáo dục phổ thông và đào tạo giảng viên với khối giáo dục đại học.
Trách nhiệm đào tạo giáo viên dự kiến được giao cho trường sư phạm và trường có khoa sư phạm, tạm gọi là các trường sư phạm. Trách nhiệm đào tạo giảng viên giao cho các cơ sở giáo dục đại học. Chương trình, tổ chức đào tạo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, trong đó chương trình đào tạo giáo viên phải được kiểm định để đảm bảo chất lượng.
Ông Đức thông tin, việc đào tạo giảng viên ở trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay rất đa dạng và phụ thuộc vào quan điểm của từng trường, chưa có một chương trình chung cho đào tạo giảng viên, các trường đại học chủ yếu đào tạo về mặt chuyên môn, nhưng kỹ năng sư phạm chưa được chú ý.
“Trước đây, có quy định giảng viên đại học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhưng sau đó vì nhiều lý do mà việc này không được thực hiện nữa. Trong thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế khi giảng viên các trường đại học chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Do đó, chúng ta cũng dự kiến trong Dự án Luật Nhà giáo có quy định về việc đào tạo giảng viên”, Cục trưởng Vũ Minh Đức thông tin.
Với vấn đề bồi dưỡng nhà giáo chủ yếu để thực hiện việc cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực và nghề nghiệp cho các thầy cô trong quá trình hành nghề. Nội dung bồi dưỡng gồm bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho đến cập nhật kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng các yêu cầu đổi mới, yêu cầu thị trường lao động, bồi dưỡng năng lực quản trị cơ sở giáo dục và bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Ông Đức nhấn mạnh, đối với nhà giáo khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải tham gia đầy đủ và chấp hành nội quy, có ý thức học tập tốt.
“Trong thực tiễn, nhiều khi chúng ta bồi dưỡng trong hè hoặc các khóa bồi dưỡng theo quy định của địa phương, khi triệu tập giáo viên đến tham gia bồi dưỡng thì hiệu quả không cao. Ý thức học tập, tham gia của các thầy cô cũng rất hạn chế, thậm chí có người làm việc riêng nhiều hơn là tiếp cận với nội dung đào tạo. Do đó, chúng ta cũng cần có những quy định về trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo.
Nghĩa vụ thứ hai là phải vận dụng được những kết quả đào tạo, bồi dưỡng vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cá nhân thay vì “học xong lại cho vào tài liệu ở ngăn kéo và không vận dụng”, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho hay.
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo có yếu tố nước ngoài tham gia giảng dạy ở Việt Nam
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), Thành viên thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo Vũ Minh Đức cũng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu khi xây dựng Luật là đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập, ngoài công lập và các nhà giáo có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều nhà giáo ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đến tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam, nhưng những chế tài, văn bản quy phạm pháp luật để quản lý nhóm này còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Ví dụ, ở các trung tâm dạy ngoại ngữ, người nước ngoài có thể đến thực hiện việc dạy ngoại ngữ mà không có bất cứ tiêu chuẩn nào.
“Bộ luật này mong muốn làm sao chuẩn hóa được đội ngũ nhà giáo có yếu tố nước ngoài đến tham gia giảng dạy ở Việt Nam; cũng như tạo điều kiện để nhà giáo Việt Nam tham gia giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật ở nước ngoài; thông qua những quy định của luật để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và thực hiện hội nhập quốc tế đối với giáo dục”, ông Đức nói.
Cục trưởng Vũ Minh Đức cho rằng, phải đảm bảo được nguyên tắc: người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam hay người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động giáo dục phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia ký kết.
Theo dự kiến trong Dự thảo Luật, quy định về tiêu chuẩn người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy bao gồm: 18 tuổi trở lên; có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện hoạt động giáo dục; có giấy phép, đạt chuẩn theo quy định; không phạm một số tội như tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm con người,... Nếu lý lịch tư pháp có vấn đề sẽ không được tiếp nhận vào giảng dạy.
Đội ngũ nhà giáo này khi vào Việt Nam làm việc phải chấp hành pháp luật Việt Nam, tuân thủ các thỏa thuận và những nội dung đã ký kết cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc tôn trọng bản sắc văn hóa Việt Nam.
“Có những nhà giáo ở nước ngoài tới Việt Nam làm việc có tình trạng như mặc quần short áo phông, có các ngôn ngữ, hành vi không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam khi lên lớp. Những trường hợp này phải có chế tài quản lý”, ông Đức dẫn chứng.
Đặc biệt, theo Cục trưởng Vũ Minh Đức, giáo viên nước ngoài khi tham gia hoạt động giáo dục ở Việt Nam phải tuân thủ những quy định nghiêm cấm nhà giáo không được làm như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đánh giá không công bằng, gian lận trong quá trình đánh giá kết quả học tập của người học,...
Luật Nhà giáo có ý nghĩa quan trọng không chỉ với hiện tại mà cả tương lai
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; đồng thời cho rằng, những tư tưởng về chính sách đối với nhà giáo đến một lúc nào đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy tắc, luật.
“Chúng ta đi từ tư tưởng, nhận thức, thái độ đến hành động cụ thể. Khi có luật sẽ chi phối hành động cụ thể. Vì vậy, việc cho ra đời một đạo luật về nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Nhìn nhận Luật Nhà giáo là luật khó, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn phân tích, Luật này điều chỉnh đối tượng là nhà giáo, mà trong đời sống xã hội nhà giáo có muôn vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Vì vậy, luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, mà còn chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác.
“Vậy làm thế nào để tạo được sự đồng thuận, làm thế nào để có được cái nhìn đa chiều? Đó là câu hỏi khó với những người biên soạn dự án Luật Nhà giáo”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, hiện nay, các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên và bản thân các nhà giáo trong các trường sư phạm cũng là nhà giáo. Ông cho rằng, tiếng nói của các nhà giáo trong trường sư phạm vừa với tư cách là đối tượng điều chỉnh, vừa với tư cách là một nhà khoa học, sẽ có cách nhìn và những dự báo vượt trước hiện tại. Điều đó có ý nghĩa lâu dài với nhà giáo.