Cần đổi mới đánh giá tốt nghiệp THPT để tránh “có Thi mà không có Đua”

- Thứ Năm, 31/08/2023, 08:50 - Chia sẻ

Kết quả các cuộc thi và xét tốt nghiệp THPT hiện nay phần lớn người dự thi đều được xét đạt tốt nghiệp. Việc “có Thi mà không có Đua” đó dẫn đến đánh giá tốt nghiệp THPT hiện hành có độ phân biệt thấp giữa các thí sinh và vì vậy có rất ít tác động đến nhu cầu nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục phổ thông ở các tỉnh thành trong cả nước.

Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Đức Ngọc, Trung tâm nghiên cứu  - chuyển giao Khoa học Công nghệ Giáo dục đại học thuộc Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Việt Nam.

Đánh giá thi tốt nghiệp THPT đang tập trung vào trình độ học vấn

Phân tích vì sao cần đổi mới đánh giá tốt nghiệp THPT? PGS.TS Lê Đức Ngọc cho rằng, trong bối cảnh ngày nay cho thấy cần đổi mới đánh giá tốt nghiệp THPT là do: Đánh giá tốt nghiệp THPT có thể có hai mục đích chính:

Thứ nhất, đánh giá trình độ học vấn THPT. Kết quả đánh giá này cho biết tri thức (kiến thức, kỹ năng và phẩm chất) của người dự thi đạt ở mức độ

nào của trình độ học vấn THPT đã được xác định và học tập, rèn luyện qua các môn học trong chương trình GDPT.

Kết quả của mục đích đánh giá này cho ta thông tin để tuyển chọn nhân lực cho các công việc cần trình độ học vấn tối thiểu này.

Thứ hai, đánh giá năng lực học tập và phát triển, thể hiện qua năng lực gốc của mọi năng lực là năng lực nhận thức và năng lực tư duy ở mức độ nào qua một vài môn cốt lõi trong chương trình GDPT.

Thí dụ lấy 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ để làm nền xây dựng hai loại câu hỏi thi là: 

  • Năng lực nhận thức (bản chất là năng lực tiếp thu tri thức) ở các mức cao như Phân tích, Đánh giá và Sáng tạo theo thang Bloom 2021 và loại câu hỏi thi.
  • Năng lực tư duy (bản chất là năng lực vận dụng và phát triển tri thức) ở mức cao: tư duy Hệ thống, tư duy Phản biện và tư duy Sáng tạo) làm đề thi đánh giá năng lực học tập và phát triển. Năng lực học tập và phát triển có thể coi đó là tiềm năng tối thiểu để người học phát triển cho học tập và làm việc trong tương lai.

PGS.TS Lê Đức Ngọc cho rằng, đánh giá tốt nghiệp THPT hiện nay, chủ yếu mới tập trung vào đánh giá trình độ học vấn THPT, chưa góp phần đánh giá năng lực học tập và phát triển cao bao nhiêu, vì vậy chưa đáp ứng được đồng thời hai hiện trạng là: Kết quả các cuộc thi và xét tốt nghiệp THPT hiện nay phần lớn người dự thi đều được xét đạt tốt nghiệp. Việc “có Thi mà không có Đua” đó dẫn đến đánh giá tốt nghiệp THPT hiện hành có độ phân biệt thấp giữa các thí sinh và vì vậy có rất ít tác động đến nhu cầu nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục phổ thông ở các tỉnh thành trong cả nước.

Ngành nghề của các trường trong hệ thống tuyển sinh sau THPT đang ngày càng phân hóa mạnh. Một số trường hay ngành nghề có nhu cầu đòi hỏi phải có thông tin về trình độ và năng lực học tập của người tốt nghiệp THPT chính xác, khách quan, có độ phân biệt và độ giá trị cao. Ngược lại một số trường hay ngành nghề chỉ cần xét học bạ để tuyển (tức là không cần kết quả thi đánh giá tốt nghiệp THPT).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Trần Hiệp)

Giao cho các tỉnh, thành quyền tự chủ việc đánh giá trình độ học vấn THPT

Để đổi mới thế nào để đáp ứng hai hiện trạng trên?, theo PGS.TS Lê Đức Ngọc, thứ nhất, cần giao cho các tỉnh thành quyền tự chủ kèm trách nhiệm trong việc đánh giá trình độ học vấn THPT vào cuối cấp học để cấp “Giấy chứng nhận trình độ học vấn THPT” hoặc “Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục THPT” của tỉnh thành mình. Họ tự chọn cách đánh giá trình độ học vấn THPT cho những thí sinh (đã học, đang học và tự học THPT) mong muốn được cấp giấy chứng nhận này.

Họ có thể liên kết với một vài tỉnh thành khác, thành lập hội đồng để tổ chức thi, hoặc chỉ kiểm tra hay xét học bạ...(có ghi rõ trong giấy chứng nhận) để cùng thực hiện cách đánh giá trình độ học vấn THPT.

Như vậy, giấy chứng nhận... là một loại thông tin có địa chỉ ở tỉnh thành nào cấp, cách thức đánh giá trình độ học vấn THPT được ghi rõ ràng, góp phần cho việc tuyển nhân lực tùy chọn, phù hợp với công việc chỉ cần ở trình độ này.

Đối với cách đánh giá này, việc giao cho địa phương đánh giá trình độ THPT theo cách của mình sẽ tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các tỉnh thành, giúp họ từng bước điều chỉnh chất lượng dạy và học trong giáo dục phổ thông ở địa phương mình.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực học tập và phát triển của người học đã có trình độ THPT, theo một số môn học cốt lõi trong chương trình THPT, qua nhiều đợt trong một năm.

Người dự thi phải có trình độ học vấn THPT, có nguyện vọng dự thi, có đóng phí dự thi, được quyền tham gia nhiều đợt không giới hạn, để lấy được bằng Tú tài mới thôi.

Do mỗi đợt ra đề thi dựa trên ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực học tập và phát triển của người học có trình độ học vấn THPT với đề thi đã chuẩn hóa vẫn có thể khác nhau về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy và độ giá trị, nên cần quy định thống nhất phần trăm số người dự thi mỗi đợt được cấp bằng Tú tài (thí dụ chỉ 75% hoặc nhỏ hơn 90%). Cách thi để xét cấp bằng Tú tài này là thể hiện yêu cầu chất lượng người có bằng Tú tài (không phải ai thi cũng được cấp bằng Tú tài).

Đối với cách đánh giá thứ 2 này, Bằng Tú tài là loại bằng năng lực học tập và phát triển của người có trình độ THPT được đánh giá ở cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT quản lý, có thể giao quyền và trách nhiệm cho một đơn vị chuyên trách có tính chuyên nghiệp để tổ chức thi cấp bằng Tú tài. Như vậy, cách đánh giá thứ 2 này, được quản lý đảm bảo chất lượng thông qua các văn bản dưới Luật của Bộ GD-ĐT như các quy định việc tổ chức thi, phần trăm người dự thi mỗi đợt được cấp bằng Tú tài.

Hai phương án này bản chất là kế thừa 3 chung (chung phương án, chung đợt và chung kết quả đánh giá từ cấp tỉnh thành đến cấp quốc gia) để có thông tin phù hợp về mức độ chất lượng nguồn nhân lực tốt nghiệp THPT cho các hoạt động kinh tế và xã hội khác nhau.

Với kết quả thi được đánh giá chính xác và khách quan về sự khác biệt năng lực học tập này sẽ cung cấp thông tin để các đơn vị tuyển sinh, tuyển nhân lực phù hợp với mục tiêu (Ảnh: Trần Hiệp)

Động lực để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

PGS.TS Lê Đức Ngọc cho rằng, giá trị của các cuộc đánh giá tốt nghiệp THPT mới này sẽ đem lại các giá trị chính như: Đánh giá trình độ học vấn THPT cho nguồn thông tin để chọn lọc nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu lao động hoặc học tập khác nhau mà chỉ cần có học vấn THPT. Việc tổ chức đánh giá này ở quy mô tỉnh thành sẽ tinh giản các hoạt động phức tạp và giảm các nguồn lực bỏ ra để thực hiện do có quy mô nhỏ.

Về đánh giá năng lực học tập và phát triển cần sử dụng triệt để kỹ thuật số và do quy định tỷ lệ dưới 90% thí sinh dự thi được cấp bằng Tú tài nên sẽ nâng cao được độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy và độ giá trị của đề thi để đảm bảo kết quả từng cuộc thi lấy bằng Tú tài có điểm số được đánh giá một cách chính xác và khách quan (tức là đảm bảo công bằng), do đánh giá được sự khác biệt về năng lực học tập và phát triển giữa các thí sinh dự thi.

Với kết quả thi được đánh giá chính xác và khách quan về sự khác biệt năng lực học tập này sẽ cung cấp thông tin để các đơn vị tuyển sinh, tuyển nhân lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu khác nhau theo mong muốn một cách chính xác và công bằng hơn.

Ngoài ra, còn có một giá trị quan trọng là tỷ lệ số người được cấp bằng tú tài hàng năm ở mỗi địa phương sẽ là thông tin có tính áp lực và đồng thời là động lực để các tỉnh thành từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của mình.

Như vậy, việc đánh giá trình độ học vấn và năng lực học tập và phát triển tốt nghiệp THPT theo hai cách song hành đề xuất nêu trên sẽ đổi mới được đánh giá tốt nghiệp THPT, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn và đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thông tin cho tuyển nhân lực sau THPT của các tổ chức đào tạo và sử dụng lao động khác nhau một cách chính xác và khách quan hơn.

Quốc Việt (ghi)
#