ChatGPT tạo ra cơ hội mới trong đào tạo trực tuyến
ChatGPT do công ty khởi nghiệp OpenAI tạo ra đang là công cụ nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, cả trong và ngoài giới công nghệ. Chỉ sau 3 tháng ra mắt, công cụ chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) này trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay.
Nhận định về ChatGPT đối với giáo dục tại hội thảo: "Thách thức đối với giáo dục phi truyền thống" diễn ra ngày 3.2, ông Quách Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Trường Funix - một đơn vị thuộc Tập đoàn FPT không cho rằng, đây là mối lo ngại, mà trái lại, là một cơ hội mới giúp trường đi xa hơn trong đào tạo trực tuyến, thay vì tự xây dựng và không đáp ứng kịp với sự thay đổi của thế giới.
"ChatGPT giúp nâng cao kiến thức. Với Google, kiến thức khá bao la nhưng nếu các bạn học sinh có thể tìm kiếm thông tin chi tiết hơn như ChatGPT thì hiệu quả hơn. ChatGPT mạnh ở chỗ có thể đưa ra các câu trả lời rất chi tiết hoặc dễ hiểu”.
Ông Xuân cũng cho rằng, giáo viên khi sử dụng ChatGPT có thể “rảnh tay” hơn. “Trước kia, giáo viên thường phải trả lời tất cả các câu hỏi của học viên một cách rất chi tiết, từ những câu hỏi nhỏ và đơn giản. ChatGPT có thể hỗ trợ trong việc này để giáo viên tập trung vào vai trò dẫn dắt và chia sẻ câu chuyện thực tế hơn, phức tạp hơn" - ông Xuân nhận định.
Từ những lợi ích của ChatGPT, ông Xuân cũng nhận định, ChatGPT không chỉ nâng cao nền tảng kiến thức của sinh viên mà hữu ích với cả công tác tư vấn tuyển sinh của các nhà trường.
“ChatGPT giúp tư vấn viên dễ dàng tìm hiểu một cách tổng hợp về sản phẩm/dịch vụ giáo dục mà không cần phải có chuyên gia hỗ trợ. Câu hỏi với các tình huống, thông tin cụ thể sẽ được Chat GPT tổng hợp, từ đó nâng cao năng suất tư vấn”- ông Xuân nói.
Hiện nay, Trường Funix đã cho hơn 5.000 sinh viên của mình trải nghiệm công cụ này, đồng thời, Funix cũng đang cố gắng tích hợp ChatGPT vào hệ thống nội bộ để học sinh có thể hỏi đáp với chatbot trước khi hỏi giáo viên.
ChatGPT có thể thay thế vị trí người thầy?
Nhận định về việc ra đời của ChatGPT lần này có thể sẽ khiến cho nhà trường phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, cách dạy học sinh. Tuy nhiên, TS Đàm Quang Minh - Chủ tịch Khối giáo dục Phổ thông, Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng, “ChatGPT không có khả năng thay thế người thầy. Nó chỉ bổ sung và nâng lên một bước tiến mới, mà tôi cho là tích cực. Cung cấp cho người học cách học mới và hiệu quả, thông minh, sáng tạo hơn” - ông Minh nói.
Đồng quan điểm, TS Toán học Lê Thống Nhất, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Vinh khẳng định ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ việc dạy và học. “Chúng ta không nên cảnh giác với những sự đổi mới. Trong giáo dục có nhiều phương pháp, mỗi người dạy cũng áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Giáo dục hiện đại hay giáo dục truyền thống đều có cái hay riêng, do đó, vai trò người làm giáo dục là cần biết dung hòa, tận dụng các công cụ để xây dựng phương pháp giáo dục tốt nhất”.
Thực tế, ChatGPT là một chương trình có thể viết văn bản về bất kỳ chủ đề nào theo lệnh của người dùng. Do đó, hiện nay, vẫn có những lo lắng về việc sinh viên lợi dụng ChatGPT để gian lận thi cử.
Đồng thời, với mối lo ngại từ nội dung do ChatGPT đưa ra, các chuyên gia cũng cho rằng, nguy hiểm nhất là người ta tin “sái cổ” vào những câu trả lời của ChatGPT mà không có phân tích. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà trường vẫn cần phải dạy cho học sinh năng lực tư duy để phân tích các kết quả do ChatGPT cung cấp.