TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện cơ sở vật chất sẵn sàng khai giảng năm học mới
Năm học 2024 - 2025 là năm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai hoàn thiện, đầy đủ và trọn vẹn ở tất cả ba cấp học.
Tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 1,7 triệu học sinh, việc chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp đang được các quận - huyện nỗ lực đẩy nhanh.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên tại các quận huyện. Với các chính sách lương, thưởng đặc biệt để thu hút giữ chân giáo viên, thành phố kỳ vọng đội ngũ giáo viên mới cùng các trường tiếp tục đổi mới dạy học và đánh giá năng lực học sinh.
Các quận huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, đầu năm học 2024-2025, TP. Hồ Chí Minh có hơn 500 phòng học mới kịp khánh thành dịp khai giảng. Dự kiến trong năm học này thành phố đưa vào sử dụng 79 trường học mới.
Thầy trò quay trở lại trường học, với kỳ vọng năm học đổi mới: trường học chuyển đổi số, thí điểm tiếng Anh là ngôn ngữ 2, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đổi mới cách dạy học để khai giảng năm học mới với tinh thần "Nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm".
Nghệ An: Các trường vùng cao “chạy đua với thời gian” để đón năm học mới
Theo kế hoạch vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành, Lễ khai giảng năm học 2024-2025 sẽ được tổ chức vào ngày 5.9. Đến nay, các trường học đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng để đón học sinh.
Ngành Giáo dục các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong,... đang “chạy đua” để kịp thời chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất, đảm bảo phục vụ công tác dạy và học. Từ cuối tháng 8, nhiều trường học đã thực hiện công tác vệ sinh lớp học, khuôn viên trường học. Các giáo viên tranh thủ thời gian tu sửa cơ sở vật chất và đến tận nhà động viên học trò quay lại trường.
Tại Trường Mầm non Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An), các phụ huynh tự nguyện đến trường phụ giúp thầy cô dọn dẹp, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ lễ khai giảng.
Tại Trường THCS Quế Phong (Huyện biên giới Nghệ An), Nhà trường tăng cường kiểm tra đầy đủ về phòng ở, khu vực nhà ăn, lên thực đơn hàng ngày, trang bị kiến thức dạy kỹ năng sống cho học sinh. Trường cũng chuẩn bị nội quy ký túc, phòng ở, chấm cơm, nội quy nhà ăn cùng các cam kết để học sinh thực hiện tốt hơn.
Hà Tĩnh: 668 trường “thay áo mới” trước thềm năm học 2024 - 2025
Sáng ngày 5.9, cùng với cả nước, Hà Tĩnh sẽ đồng loạt diễn ra lễ khai giảng trực tiếp tại các trường học. Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, với khí thế quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới, ngành giáo dục, các địa phương, các nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm học 2024 – 2025, Hà Tĩnh giữ nguyên quy mô 668 trường mầm non và phổ thông. Từ sự chỉ đạo của ngành GD-ĐT, sự đồng hành của chính quyền các địa phương, phụ huynh và nỗ lực của mỗi giáo viên, các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư khang trang đảm bảo nhiệm vụ dạy học và chuẩn bị cho năm học mới.
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các nhiệm vụ trọng tâm ngành GD-ĐT tập trung trong năm học mới là: tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng văn hóa học đường an toàn, lành mạnh; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi số trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra...
Lào Cai: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới
Thông tin từ Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, năm học này tỉnh thiếu gần 600 giáo viên. Giải pháp Sở GD-ĐT Lào Cai đưa ra là tăng cường biệt phái, điều động và duy trì truyền thông của giáo dục tỉnh " Phòng giúp Phòng, trường giúp trường" và dạy học kết nối.
Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục có những chính sách thu hút giáo viên có trình độ đại học ngoại ngữ tiếng Anh tỉnh có mức chi trả thu hút ban đầu từ 150-200 triệu đồng/giáo viên.
Đối với giáo viên có trình độ tin học đại học trở lên, chính sách thu hút từ 40-45 triệu/giáo viên.
Tính đến tháng 6 năm 2024, tỉnh Lào Cai đã thu hút được 23 giáo viên tiếng Anh và 10 giáo viên Tin học. Chính sách thu hút đã góp phần tháo gỡ dần khó khăn trong việc thiếu giáo viên ở Lào Cai, nhất là giáo viên ở những môn chuyên biệt.
Bước vào năm học 2024 - 2025, ngành GD-ĐT tỉnh Lào Cai tiếp tục kiên trì, quyết tâm thực hiện chủ đề năm học: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học kỷ cương - trách nhiệm - hạnh phúc; đổi mới và hội nhập”, toàn ngành tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đột phá, đó là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo; xây dựng trường chuẩn quốc gia, phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.
Cao Bằng: Chuẩn bị ứng phó mọi tình huống thiên tai trong ngày khai giảng
Từ đầu tháng 9, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng phải đối mặt với mưa lớn dẫn tới ngập cục bộ.
Mưa lớn đã gây ngập lụt khoảng 390 nhà ở và gây thiệt hại về người và nhiều tài sản của người dân. Ngoài ra, mưa lũ gây sạt lở, sập đổ, ảnh hưởng đến nhiều điểm trường mầm non, tiểu học. Nhiều trường học ngập sâu trong biển nước, dụng cụ học tập gần như bị nhấn chìm.
Thực hiện theo công điện của Bộ GD-ĐT về việc khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập úng gây ảnh hưởng đến nhiều điểm trường trên địa bàn Cao Bằng, các cấp uỷ, chính quyền ban giám hiệu nhà trường cùng học sinh, phụ huynh đang nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.
Khẩn trương dọn dẹp, tu bổ các trường, điểm trường bị ngập lụt đảm bảo an toàn, vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bản ghế, sách giáo khoa, hồ sơ tài liệu; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cơ bản nhất về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học cho năm học mới.
Dự báo trong những ngày tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao, ngành GD-ĐT Cao Bằng cùng các địa phương đang cố gắng Chuẩn bị ứng phó mọi tình huống thiên tai trong ngày khai giảng.
Thái Nguyên: Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho Lễ Khai giảng
Chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới Sở GD-ĐT Thái Nguyên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngành giáo dục tập trung thực hiện vệ sinh trường, lớp, khuôn viên trường học sạch, đẹp, an toàn, có khẩu hiệu chào mừng năm học mới, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Đồng thời chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho Lễ Khai giảng năm học mới thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày hội đối với thầy giáo, cô giáo và các em học sinh; đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của Nhân dân và toàn xã hội.
Tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh lớp 1; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.
Năm nay Sở yêu cầu các trường tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 vào ngày 5.9. Các nhà trường tổ chức Lễ Khai giảng ngắn gọn với không khí trang trọng, vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Riêng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với trẻ.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Thái Nguyên có 677 trường học từ cấp mầm non đến THPT với tổng số học sinh là 333.238 em, so với cùng kỳ năm học trước giảm 1.674 em, có 600/677 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 88,63%, đội ngũ cán bộ, giáo viên có gần 26.000 người, cơ bản đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giáo dục.