Chiều 17.5, Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo, nhằm cung cấp thông tin và ghi nhận các ý kiến góp ý của phóng viên báo chí trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.
Đây là buổi Tọa đàm đầu tiên được tổ chức sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi (ngày 13.5).
Tham vấn 600.000 - 700.000 ý kiến giáo viên, chuyên gia để xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, buổi tọa đàm lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia và nhiều đối tượng, thành phần khác nhau. Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội để đến thời điểm này đủ điều kiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là Dự thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi để có thời gian cho ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của xã hội.
“Theo sự chỉ đạo của Chính phủ thì trong quá trình xây dựng Dự thảo luật, chúng ta lấy ý kiến rộng rãi của dư luận để khi trình ra Quốc hội được đồng thuận, thông qua và quan trọng nhất là quá trình Luật ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống sẽ đáp ứng được mục đích, yêu cầu của ban chỉ đạo, ban soạn thảo đối với Luật nhà giáo”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Phạm Ngọc thưởng cho biết, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm tới giáo dục nói chung cũng như đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - xác định đây là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục. Tới nay, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Chúng ta đã bàn tới việc xây dựng Luật Nhà giáo hơn 10 năm nay, bắt đầu từ năm 2015 đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Luật Nhà giáo. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua (2022-2023), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo đưa việc xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo thành một nhiệm vụ quan trọng của Bộ để tham mưu cho Chính phủ, đề nghị với Quốc hội.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức trên 100 buổi hội nghị, hội thảo, tham vấn 600.000 -700.000 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, các đối tượng, các chuyên gia, các nhà khoa học và xây dựng Dự thảo trình các cấp có thẩm quyền theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật.
Trong quá trình xây dựng, tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã đánh giá, tổng kết những văn bản quy phạm pháp luật để tìm ra những điểm nghẽn, trên cơ sở đó đề xuất và xây dựng những chính sách mới khả thi; học tập kinh nghiệm của quốc tế để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và đánh giá tác động của các chính sách, của Luật khi được ban hành.
Ban hành chứng chỉ hành nghề không phải là tăng cường quản lý nhà giáo
Thứ trưởng thông tin, đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rất cao với một số nội dung trong Dự thảo.
Thứ nhất, thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, bởi hiện chúng ta có quá nhiều văn bản (hơn 200 văn bản) quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo, cần được luật hóa. “Việc luật hóa này không phải là phép cộng của các văn bản đã ban hành, mà phải trở thành một bộ Luật để tác động tới đội ngũ nhà giáo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với quan điểm xây dựng Luật. Ngoài những nội dung bám sát quan điểm, đường đối, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam thì có quan điểm cốt lõi là xây dựng Luật này là để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Nêu một vấn đề dư luận rất quan tâm là ban hành chứng chỉ hành nghề với nhà giáo, Thứ trưởng nhấn mạnh, với quan điểm nói trên, nếu chúng ta có ban hành chứng chỉ hành nghề thì không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng chứng chỉ đối với nhà giáo mà là để phát triển đội ngũ nhà giáo.
“Một nhà giáo có thể có nhiều chứng chỉ hay hơn một chứng chỉ theo nhu cầu và năng lực nếu nhà giáo mong muốn và được cấp thẩm quyền. Một nhà giáo có thể có chứng chỉ đủ điều kiện, không chỉ dạy ở cấp học mầm non mà có thể là cấp học tiểu học, cấp học cao hơn và ngược lại. Đó là phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong lúc chúng ta đang tinh giản đội ngũ công chức, viên chức thì một người có thể làm được nhiều việc nếu họ có năng lực và đủ điều kiện. Đây là quan điểm cốt lõi mà ban soạn thảo đã đề xuất và được các cấp thống nhất rất cao”, Thứ trưởng cho hay.
Thứ ba, các cấp thống nhất cao với ban soạn thảo 5 chính sách được đề xuất trong Dự thảo (gồm Chính sách Định danh nhà giáo; Chính sách Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Chính sách Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Chính sách Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Chính sách Quản lý nhà nước về nhà giáo).
“Vấn đề cần xác định là nội hàm của 5 chính sách đó như thế nào, từng điều khoản ra sao để chúng ta đáp ứng được mục đích, yêu cầu, nguyên tắc là phát triển đội ngũ. Từ đó, thu hút những học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp mong muốn dự thi vào sư phạm và trở thành nhà giáo, sau này tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành giáo dục. Đây là mong muốn và sứ mệnh của chúng ta phải làm”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý, Luật ban hành những vấn đề cốt lõi cơ bản nhất và sẽ cố gắng cụ thể. Tuy nhiên, sẽ còn có những văn bản dưới luật, đó là nghị định, thông tư. Do đó, chúng ta càng cần ý kiến của xã hội và lưu ý những vấn đề khi Luật được ban hành thì phải xây dựng những văn bản dưới luật ra sao, hoặc tiếp tục bổ sung những nội dung nào.
Xây dựng Luật Nhà giáo là cấp thiết, cần thiết, hết sức quan trọng
Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 95 của Chính phủ thì đã xác định việc xây dựng Luật Nhà giáo là cấp thiết, cần thiết, hết sức quan trọng, đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã chủ động đề xuất và tham mưu với Chính phủ.
“Đây là bộ Luật hết sức khó khăn vì đây là bộ Luật mới, lần đầu tiên được xây dựng chứ không phải sửa đổi. Bên cạnh đó, bộ Luật này khó vì chúng ta đã có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo. Luật này còn liên quan tới những bộ Luật khác như Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm thì phải xác định việc xây dựng luật này để không chồng chéo, không mâu thuẫn với các luật khác như thế nào.
Bên cạnh đó, đối tượng nhà giáo rất rộng ở các cấp học, ở các vùng miền, ở các loại hình khác nhau,...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo và tổng hợp lại ý kiến thành những nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, các nhà khoa học và ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, đánh giá, phân tích và điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo luật, đảm bảo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đáp ứng được mong mỏi của hơn một triệu giáo viên hiện nay, cũng như đội ngũ lâu dài.
“Tinh thần của ban soạn thảo chúng tôi xác định dự án là mới, khó thì càng phải phát huy trí tuệ của xã hội và nhân dân, của các tầng lớp để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện một cách phù hợp”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay.