Ngày 20.6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cùng các thành viên Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn: Bảo quản đề thi, bài thi là khâu quan trọng nhất của cả kỳ thi
Bắc Kạn là địa phương vùng núi, 88% dân số là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, di chuyển đi lại nhiều khó khăn. Do vậy, để hỗ trợ tối đa quyền lợi cho các thí sinh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ, bố trí nơi ăn chốn ở cho các thí sinh, người nhà thí sinh ở xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh trong những ngày tổ chức kỳ thi.
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm nay, tỉnh Bắc Kạn có tổng số 2.917 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 251 thí sinh tự do, đăng ký tại 14 điểm thi với gần 1.500 nhân sự được huy động tham gia vào các khâu tổ chức kỳ thi.
Về cơ sở vật chất, phương án, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, hội đồng thi, điểm thi đã được tỉnh chuẩn bị theo đúng quy định, Quy chế để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, cẩn trọng.
Để kỳ thi diễn ra đảm bảo an ninh, an toàn, Sở GDĐT đã chỉ đạo các Điểm thi phối hợp với công an, trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh tại Điểm thi. Tại các đơn vị có thí sinh dự thi, các Điểm thi phải có phương án phòng, chống thiên tai, lũ quét, sạt lở đất để thí sinh đi dự thi an toàn.
Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, công tác in sao, vận chuyển đề thi và giao đề thi; bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, được xem là khâu quan trọng nhất của cả kỳ thi nên được Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh tiến hành các biện pháp bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, đúng Quy chế và pháp luật.
Nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót kịp thời, tránh tối đa những sai sót có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh thường xuyên, liên tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của địa phương, của Sở GDĐT. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho các cán bộ tham gia vào kỳ thi, không để xảy ra sai sót không đáng có.
Tập huấn kỹ càng cho đội ngũ cán bộ tham gia vào kỳ thi
Ghi nhận những nỗ lực khắc phục khó khăn để chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặc biệt lưu ý với tỉnh Bắc Kạn về tính bảo mật của đề thi và tạo các điều kiện tối đa cho các thí sinh trong cả quá trình diễn ra kỳ thi.
Thứ trưởng nhấn mạnh, bảo mật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là bảo mật đề thi là thông điệp hết sức quan trọng, xuyên suốt ở tất cả các khâu của cả kỳ thi. Bảo mật trong kỳ thi là nguyên tắc và các quy định, Quy chế đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc này. Phải đảm bảo được tính bảo mật của kỳ thi, đặc biệt là đề thi thì mới quyết định được phần lớn thành công của cả kỳ thi.
Công tác hỗ trợ thí sinh được Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh là phải ứng xử như thế nào ở tất cả các khâu để vừa đúng Quy chế, quy định, đúng pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo được quyền lợi tối đa cho các thí sinh.
Muốn làm được điều đó, Thứ trưởng lưu ý với tỉnh Bắc Kạn về công tác tập huấn kỹ càng cho đội ngũ cán bộ tham gia vào kỳ thi. Tập huấn để các cán bộ tham gia nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của những công việc được giao phó. Từ đó hiểu đúng, làm đủ, làm đúng quy chế. Tập huấn sâu, sát để các cán bộ có các nguyên tắc xử lý các sự cố, bất thường, ngoại lệ có thể xảy ra.
Thứ trưởng cũng lưu ý chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng. Thanh tra phải có trách nhiệm nhắc nhở các địa điểm rà soát lại các khâu, các bước, các quy trình có trong Quy chế để thực hiện đồng bộ, theo đúng Quy chế. Phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm từng cá nhân. Tất cả các công việc, các khâu đoạn phải được phối hợp, kiểm soát, siết chặt, như vậy mới tạo nên thành công của cả kỳ thi.
Quảng Nam: Địa phương là nơi chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi
Cũng trong ngày 20.6, Đoàn Công tác số 3 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Quảng Nam về công tác chuẩn bị kỳ thi.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam: Năm 2023, toàn tỉnh có 17.197 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 16.460 thí sinh 12 THTP năm học 2022-2023; 648 thí sinh lớp 12 Giáo dục Thường xuyên năm học 2022-2023 và 658 thí sinh tự do. Các thí sinh được tổ chức thi tại 56 Điểm thi với tổng số 852 phòng thi.
Công tác chuẩn bị cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THTP được Sở GDĐT chỉ đạo sâu sát ngay từ giữa học kỳ II. Các nhà trường đã tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp thử để tạo điều kiện cho học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, trên cơ sở đó phân loai học sinh để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp.
Công tác tập huấn, quán triệt Quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi được Sở GDĐT tổ chức nghiêm túc, đầy đủ các thành phần tham gia. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện cần thiết đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, bảo mật, đúng quy chế. Công tác kiểm tra được Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở GDĐT quan tâm, chú trọng; xem đây là công việc quan trọng nhằm xử lý, giải quyết kịp thời những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thi.
Trực tiếp kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất và phương án tổ chức thi tại một số Điểm thi tại tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Chỉ đạo kỳ thi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, tại một số Điểm thi điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi vẫn chưa được triển khai hoàn thiện theo quy định của Quy chế thi.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, địa phương là nơi chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi. Do đó, không được lơ là, chủ quan trong bất kỳ khâu nào của kỳ thi. Trong công tác tổ chức kỳ thi phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng vị trí trong tổ chức kỳ thi đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình. Nhất là, đối với công tác thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi, nếu có những sự thay đổi về nhân sự cần phải thể hiện rõ ràng, đảm bảo có người chịu trách nhiệm cao nhất về tổ chức kỳ thi ở địa phương mình.
Cần phải có sự phối hợp của các Sở, ban, ngành trong tổ chức kỳ thi và kiểm tra để đảm bảo sự phối hợp được đảm bảo diễn ra tốt nhất. Phải sẵn sàng các phương án để hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi một cách tốt nhất. Không được chủ quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thí sinh. Vấn đề an ninh, an toàn của kỳ thi phải luôn được đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, để đảm bảo cho một kỳ thi thành công thì những người tham gia tổ chức kỳ thi phải được tham gia tập huấn để nắm chắc quy chế. Từng vấn đề kỹ thuật dù là nhỏ nhất cũng không được chủ quan, phải đảm bảo thực hiện đúng theo Quy chế thi, không sáng tạo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh Quảng Nam có phương án tham mưu để kịp thời khen thưởng với những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc tổ chức kỳ thi. Đồng thời, có hình thức kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm để kịp thời răn đe, đảm bảo kỳ thi tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt mục tiêu đề ra.