Bộ GD-ĐT: Việc trúng tuyển là do thực lực của thí sinh, không phải do nguyện vọng xếp số mấy

- Thứ Bảy, 20/07/2024, 17:03 - Chia sẻ

Nếu thí sinh trượt cả 9 nguyện vọng đầu, phải xét đến nguyện vọng 10, nhưng ở nguyện vọng 10 thực lực của em cao hơn bạn xếp nguyện vọng 1 cùng ngành đó, thí sinh điểm cao hơn vẫn trúng tuyển trước.

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT tại chương trình “Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024”, tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 20.7.

Hơn 600.000 nguyện vọng được đăng ký trên Hệ thống trong ngày đầu tiên

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong 2 ngày qua (18.7 và 19.7), khi Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT chính thức mở để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024, đã có một lượng rất lớn thí sinh đăng ký nguyện vọng.

Chỉ tính riêng trong ngày đầu tiên, đã có hơn 600.000 nguyện vọng được đăng ký trên Hệ thống, cho thấy nhiều thí sinh đã nắm vững nhu cầu, thực lực của bản thân cũng như những yêu cầu về ngành nghề đào tạo, trường đại học mà mình mong muốn và đã đăng ký ngay lập tức.

Vì sao thí sinh cần chú ý bảo mật tài khoản khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học? -0
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (Ảnh: Quốc Việt)

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh một số lưu ý quan trọng thí sinh cần nắm vững khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo đó, đối với thí sinh đã trúng tuyển trong các đợt xét tuyển sớm của trường đại học vẫn phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

“Khi xét tuyển sớm, thí sinh đăng ký vào hệ thống riêng của từng trường, thỏa mãn những yêu cầu đặt ra của từng trường với mốc thời gian đã được xác định. Các em có thể trúng tuyển rất nhiều trường, nhiều nguyện vọng xét tuyển sớm, nhưng sẽ chỉ nhập học vào một ngành, của một trường duy nhất; những nguyện vọng khác phải dành cho các bạn khác. Đó là lý do chúng ta phải đăng ký trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Thứ tự của nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, những năm trước, nhiều thí sinh do chủ quan nên không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống của Bộ GD-ĐT. Đến khi hết thời gian quy định, Hệ thống đã chuyển sang khâu tiếp theo, những nguyện vọng đó không được chấp nhận.

Một lỗi khác thí sinh thường gặp trong quá trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là không nhấn kết thúc quy trình khi thao tác trên Hệ thống. “Khi chúng ta đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xong, cần nhấn vào nút cuối cùng để kết thúc quy trình, lúc đó Hệ thống mới ghi nhận những nguyện vọng của các em. Do đó, các em cần xem lại những video hướng dẫn mà Bộ GD-DT đã cung cấp, nắm vững quy trình thao tác trên Hệ thống”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, thứ tự các nguyện vọng ưu tiên khi thí sinh sắp xếp trên Hệ thống rất quan trọng, bởi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo thứ tự ưu tiên, trong tổng số nguyện vọng các em có thể trúng tuyển.

“Chúng tôi đã từng nhận những đơn kiến nghị rằng, thí sinh đã đỗ vào nguyện vọng ở vị trí đầu, nhưng lại muốn học ở nguyện vọng xếp phía dưới. Lúc này, Bộ GD-ĐT không thể đổi được bởi Hệ thống đã dành nguyện vọng phía dưới đó cho bạn khác, không còn vị trí cho em nữa. Do đó, thứ tự của nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng nhắc nhở thí sinh vấn đề bảo mật tài khoản khi đăng nhập trên Hệ thống. Bởi nếu bảo mật không tốt, có người khác tự ý đăng nhập vào tài khoản và sắp xếp thứ tự nguyện vọng không đúng theo mong muốn của các em, thí sinh vẫn phải chấp nhận kết quả này khi Hệ thống đã hết thời gian mở đăng ký.

Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, dễ dẫn tới việc bối rối, lúng túng, nhầm lẫn trật tự giữa các nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng gây lãng phí khi nộp lệ phí tuyển sinh.

Thay vào đó, các em cần có chiến thuật, chiến lược sắp xếp thứ tự nguyện vọng hợp lý và có những phương án đề phòng rủi ro, để nếu không trúng tuyển những nguyện vọng cao, những trường top đầu vẫn có thể trúng tuyển ở những trường tốt nhưng ở mức độ cạnh tranh thấp hơn.

Vì sao thí sinh cần chú ý bảo mật tài khoản khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học? -0
Toàn cảnh chương trình “Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024”, tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 20.7

Khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước

Tại chương trình, một số phụ huynh đặt câu hỏi: Nếu thí sinh trượt những nguyện vọng xếp đầu, khi xét tới những nguyện vọng phía dưới, thí sinh có được xét công bằng với các bạn cùng đặt ngành đó, trường đó nhưng xếp ở nguyện vọng đầu tiên hay không?

Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước, dù đặt nguyện vọng ở vị trí thấp hơn. “Nếu các em trượt cả 9 nguyện vọng đầu, phải xét đến nguyện vọng 10, nhưng ở nguyện vọng 10 thực lực của em cao hơn bạn xếp nguyện vọng 1 cùng ngành đó thì em vẫn đỗ trước. Đó là sự ưu việt của Hệ thống. Tất nhiên, thí sinh phải chưa trúng tuyển các nguyện vọng phía trên, bởi nếu đã trúng tuyển rồi thì Hệ thống không xét tới nguyện vọng phía dưới nữa”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh nên chọn những nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng mình mong muốn, yêu thích nhất, nếu không đỗ mới xét tiếp tới những nguyện vọng sau.

“Sắp xếp như vậy, chúng ta không thiệt thòi gì cả. Hệ thống lọc ảo sàng lọc rất nhiều lần để đến lần chạy cuối cùng sắp xếp đúng nguyên tắc như trên. Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nhưng là cao nhất có thể của các em đạt được và việc trúng tuyển là do thực lực của thí sinh, không phải do nguyện vọng đó xếp số mấy”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Tương tự như trên, với xét tuyển sớm, nếu trường đại học đã công bố thí sinh đỗ xét tuyển sớm, thí sinh vẫn chắc chắn đỗ nguyện vọng này nếu các nguyện vọng xếp phía trên không đỗ (đã bao gồm điều kiện tốt nghiệp THPT).

“Ví dụ, em đã trúng tuyển sớm ở một ngành, một trường và xếp ở nguyện vọng số 4, trước đó có 3 nguyện vọng em mong muốn hơn. Lúc này, Hệ thống sẽ xét các nguyện vọng 1, 2, 3 của em trước, nếu em đỗ nguyện vọng nào thì dừng lại tại đó, nguyện vọng số 4 không còn giá trị. Nhưng nếu em không đỗ cả 3 nguyện vọng trên, em chắc chắn sẽ đỗ vào nguyện vọng 4 - nguyện vọng đã trúng tuyển sớm”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích.

Nguyễn Liên
#